Giáo sư trợ lý Đại học Tokyo: "Dám thử thách cái mới để thành công"

Trường Thịnh

(Dân trí) - Dám thử cái mới để tích lũy kiến thức, kỹ năng, đặt nền tảng cho thành công, là trải nghiệm mà anh Tạ Đức Tùng có được khi học tại FPT Edu và vẫn là cách anh làm mỗi ngày trong vai trò Giáo sư trợ lý ở ĐH Tokyo (Nhật Bản) hiện tại.

Tốt nghiệp THPT, anh Tạ Đức Tùng trúng tuyển cả Trường ĐH FPT và một đại học công lập top đầu về công nghệ thông tin. Với gia đình anh Tùng khi đó, Trường ĐH FPT là cái mới, không chắc chắn. Nhưng anh đã quyết định trở thành một trong những sinh viên khóa 2 của ngôi trường này.

Giáo sư trợ lý Đại học Tokyo: Dám thử thách cái mới để thành công - 1

Cựu sinh viên Trường ĐH FPT - anh Tạ Đức Tùng hiện là Giáo sư trợ lý tại ĐH Tokyo, Nhật Bản.

Thử "cái mới, không chắc chắn", ngay từ năm học đầu tiên, anh Tùng có những trải nghiệm mà đến giờ nhớ lại anh vẫn thấy cuốn hút: học IT bằng giáo trình nước ngoài, cứ hết một học kỳ, sinh viên các lớp lại được trộn với nhau để cùng học, cùng làm dự án; học tiếng Anh, tiếng Nhật; học sinh viên trao đổi từ Đức, Nigeria…

"Nhờ đó, mình rèn luyện được nhiều kỹ năng. Quan trọng nhất có lẽ là khả năng tự học, làm việc nhóm, được thử sức ở nhiều vị trí từ trong đội nhóm, tham gia các cuộc thi lập trình lớn nhỏ", anh Tùng nói.

Tạ Đức Tùng là một trong những sinh viên xuất sắc khóa 2 Trường ĐH FPT. Những tưởng anh sẽ theo đuổi con đường trở thành lập trình viên nhưng bước ngoặt đến với Tùng khi anh được trao học bổng Panasonic (2013). Một lần nữa, anh chọn thử cái mới.

Giáo sư trợ lý Đại học Tokyo: Dám thử thách cái mới để thành công - 2

Anh Tùng từng tham gia và đạt giải thưởng tại nhiều cuộc thi lập trình khi còn là sinh viên Trường ĐH FPT.

Tạ Đức Tùng sang Nhật, học thạc sĩ, làm nghiên cứu sinh, trở thành tiến sĩ và giờ là Giáo sư trợ lý tại ĐH Tokyo - ngôi trường top đầu xứ sở mặt trời mọc. Tùng cũng theo đuổi hướng đi mới: tập trung nghiên cứu sâu về robot thân mềm và các ứng dụng của mực in dẫn điện.

Anh gặp phải không ít thử thách trong quá trình này. "Lấy ví dụ việc viết đề án nghiên cứu khoa học để xin quỹ nghiên cứu, mình cũng phải rút kinh nghiệm qua nhiều lần thành công, thất bại thì mới có được những đề án được duyệt, được nghiên cứu", anh Tùng chia sẻ. Anh nhận ra ưu nhược điểm của mình, từ đó tối ưu lại cả quá trình từ khi có ý tưởng ban đầu, nghiên cứu thử nghiệm đến khi đặt bút viết đề án.

"Dám thử những cái mới, nhất là cái mới không chắc chắn, dù khả năng bản thân hơi đuối một chút cũng không quá đáng ngại. Bắt đầu nhanh, thất bại nhanh cũng là một cách tốt để bản thân có cơ hội học tiếp và tiến bộ", Giáo sư trợ lý 8X chia sẻ.

Giáo sư trợ lý Đại học Tokyo: Dám thử thách cái mới để thành công - 3

Anh Tùng chia sẻ về kinh nghiệm làm việc, nghiên cứu tại Nhật Bản của mình với sinh viên Trường ĐH FPT - nơi anh từng học tập.

Hiện, tại ĐH Tokyo, Nhật Bản, anh Tùng dành 80% quỹ thời gian cho việc nghiên cứu và hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học. Anh cũng tham gia giảng dạy và làm một số công tác hành chính khác tại ĐH Tokyo.

Các nghiên cứu của anh Tùng tập trung vào ứng dụng các công nghệ gia công kỹ thuật số (Digital Fabrication) vào chế tạo robot thân mềm (Soft-bodied Robots), chế tạo nhanh mạch điện trên các vật liệu mềm, đàn hồi, co giãn (Flexible Electronic Circuits). Ngoài ra, anh có nghiên cứu về giao diện người - máy (Human Computer Interaction).

Tại quốc gia có tỷ lệ dân số già hóa cao như Nhật Bản, robot thân mềm có thể được ứng dụng trong y tế và tương lai là phát triển giao tiếp - tương tác một cách tự nhiên với con người.

Theo chia sẻ của anh Tùng, tại Việt Nam, do đặc trưng lối sống và cơ cấu dân số, robot nói chung và robot thân mềm nói riêng, cùng với các ứng dụng tương tự chưa quá phổ biến nhưng đây sẽ là một hướng đi nhiều tiềm năng trong tương lai.

Để góp phần khuyến khích việc học tập, nghiên cứu của các bạn trẻ người Việt tại Nhật, anh Tạ Đức Tùng tham gia ban điều hành Mạng lưới học thuật người Việt Nam tại Nhật Bản (VANJ). Trong lần trở về Việt Nam năm 2023, anh cũng dành thời gian chia sẻ kinh nghiệm học tập, làm việc của mình với sinh viên Trường ĐH FPT - nơi anh từng theo học.

Anh Tùng mong đợi, những kiến thức, trải nghiệm có được khi học tập tại FPT Edu và kinh nghiệm nghiên cứu, làm việc tại Nhật Bản của mình sẽ được chia sẻ với sinh viên ngành CNTT. "Mình học được nhiều thứ từ trường đại học và nay mình mong muốn chia sẻ tới các em sinh viên", anh Tùng nói.

Mới đây, Tổ chức Giáo dục FPT đã vinh danh anh Tùng là một trong 25 cựu sinh viên tiêu biểu của 25 năm thành lập nhờ những thành tích nghiên cứu đóng góp cho việc khuyến khích học tập, nghiên cứu trong cộng đồng. Hành trình nghiên cứu của anh được kỳ vọng sẽ tiếp tục mang trí tuệ Việt vươn xa.