Giáo sư Nhật Bản đoạt giải Nobel Vật lý chia sẻ bí quyết thành công

(Dân trí) -Chia sẻ với sinh viên, giảng viên ĐH Quốc gia Hà Nội, GS. Toshihide Maskawa, ĐH Nagoya (Nhật Bản), người đoạt giải Nobel Vật lý năm 2008 cho biết: “Duy trì và phát huy tính lãng mạn, lòng khao khát trong nghiên cứu là bước đầu tiên để tiến gần đến thành công trong khoa học”.

Ghi nhận những công lao, thành tựu xuất sắc trong khoa học cũng như những đóng góp quý báu của GS. Toshihide Maskawa, ĐH Nagoya (Nhật Bản), người đoạt giải Nobel Vật lý năm 2008, ngày 13/11, ĐH Quốc gia Hà Nội đã long trọng trao tặng GS. Toshihide Maskawa bằng Tiến sĩ Danh dự.

Giám đốc  ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ trao Bằng Tiến sĩ Danh dự cho GS. Toshihide Maskawa.

Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Phùng Xuân Nhạ trao Bằng Tiến sĩ Danh dự cho GS. Toshihide Maskawa. (Ảnh: Bùi Tuấn)

Tại lễ nhận bằng, GS Toshihide Maskawa đã có cuộc trò chuyện cởi mở, chân tình với các sinh viên ĐHQGHN về con đường sự nghiệp của mình.

Bỏ nghiệp gia đình!

Tâm sự về bản thân, GS Toshihide Maskawa cho biết: Điều đặc biệt của tôi là rất ghét đường. Lý do của tôi rất đơn giản, mẹ đã cho tôi ăn cơm trộn với đường suốt cả thời thơ bé. Và có lẽ, tuổi thơ tôi đã ăn đường đủ cho cả cuộc đời. Sau đó, khi tôi vào THPT, cha tôi khuyên không nên vào ĐH mà tôi nên nối nghiệp gia đình trong việc kinh doanh, buôn bán đường.

Trong thời gian 4 năm THPT, tôi phải đấu tranh với cha để được vào đại học, nơi tôi có thể làm nghiên cứu khoa học chứ không phải là công việc kinh doanh. Chính vì thế mà tôi ghét đường, nói chính xác hơn là ghét công việc kinh doanh buôn bán đường. Tôi đã không theo nghiệp của gia đình mà dấn thân vào khoa học.

GS Toshihide Maskawa dí dỏm chia sẻ: Một hôm, kẻ trộm đột nhập vào nhà tôi. Gia đình chúng tôi không mất nhiều đồ nhưng cảnh sát đến điều tra và thể hiện thái độ hách dịch, khiến chúng tôi rất khó chịu.

Nhưng sau khi nhìn thấy tấm bằng tiến sĩ về hạt cơ bản của tôi thì nhóm cảnh sát đã có thái độ khác hẳn. Họ tỏ ra rất kính trọng bố tôi, bởi vì nghĩ ông là chủ nhân của tấm bằng đó. Trong suy nghĩ của người Nhật lúc bấy giờ, người ta luôn nghĩ rằng, người có bằng tiến sĩ phải là một cụ già có râu. Và tôi thực sự thấy hài lòng, vì với tấm bằng tiến sĩ đó, tôi đã tạo được sự kính trọng của người khác đối với cha mẹ mình. Tôi luôn nói rằng đó là lần duy nhất tôi đã báo hiếu được cha mẹ.

Giám đốc  ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ trao Bằng Tiến sĩ Danh dự cho GS. Toshihide Maskawa.

GS. Toshihide Maskawa: "Đối với nhà khoa học thì điều quan trọng nhất là sự lãng mạn và lòng khao khát".

Nghiên cứu khoa học cần sự lãng mạn và lòng khao khát

Tôi không nghĩ có điều kiện vật chất và trang thiết bị hiện đại mới tạo ra những thành công trong nghiên cứu. Thời trẻ, chúng tôi đã từng thực hiện những nghiên cứu với những thiết bị thô sơ. Những thiết bị hiện đại ra đời và phát triển dựa trên ý tưởng nghiên cứu của các nhà khoa học, phục vụ công tác nghiên cứu. Không phải cứ có một phòng thí nghiệm hiện đại là có thể xuất hiện những ý tưởng khoa học.

Tôi có một người bạn nghiên cứu về nguyên lý phá vỡ. Anh ấy đã làm thí nghiệm rất đơn giản. Anh ấy đã thả các tấm kính và xem nguyên tắc vỡ của chúng. Từ đó, anh ấy đưa ra những nguyên lý liên quan đến sự phá vỡ, một trong những nguyên lý quan trọng trong nghiên cứu của chúng tôi. Tôi nghĩ rằng, cơ hội trong các lĩnh vực nghiên cứu rất đa dạng. Các bạn hãy tôn trọng cá tính, sở thích, hoài bão và cố gắng hết sức mình thì khả năng thành công rất cao.

Tôi thường nói với các bạn sinh viên, đối với nhà khoa học thì điều quan trọng nhất là sự lãng mạn và lòng khao khát. Anhxtanh khi quan sát sự di chuyển của quả lắc đồng hồ đã nhận định rằng, sự di chuyển hay đứng im chỉ là tương đối. Nhiều người đã phản đối nhưng lòng khao khát, sự quyết tâm của ông đã giành chiến thắng. Tôi cho rằng, sự lãng mạn ở đây là khả năng sáng tạo, sự hình dung đã giúp cho Anhxtanh thuyết phục tất cả chúng ta, để giờ đây chúng ta đều tin vào thuyết tương đối.

Tôi nghĩ việc duy trì và phát huy tính lãng mạn, lòng khao khát trong nghiên cứu là bước đầu tiên để tiến gần đến thành công trong khoa học. Hai điều này rất quan trọng nhưng chưa đủ, để có thành công còn cần có dũng khí và quyết tâm đeo đuổi.

Tôi thấy rằng, có một nguyên tắc, trong những điều kiện cụ thể với những nỗ lực tối đa và khả năng sáng tạo của con người, chúng ta có thể khám phá thiên nhiên và có thể phát kiến ra những nguyên lý mới. Mọi khoa học đều như vậy. Khoa học ngày càng trở nên vĩ đại và phát triển ở tầm cao mới dù chúng ta có yêu quí nó hay không. Điều này không chỉ riêng với khoa học tự nhiên mà về khoa học nói chung. Khoa học là một công cụ không thể thiếu để chúng ta tiếp tục tồn tại và phát triển.

GS. Maskawa cùng với sinh viên ĐH QGHN.

GS. Maskawa cùng với sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội.

Sơ lược tiểu sử của GS. Maskawa:

GS. Maskawa là một trong ba nhà khoa học Nhật Bản đoạt giải Nobel Vật lý năm 2008 cho công trình “khám phá ra nguồn gốc của phá vỡ đối xứng, từ đó dự đoán sự tồn tại của các hạt quark trong tự nhiên”.

GS. Toshihide Maskawa sinh năm 1940 tại Nagoya, Nhật Bản.

- Năm 1967: được trao bằng Tiến sĩ tại ĐH Nagoya

- Năm 1990-1997: là Giáo sư tại Khoa Vật lý, ĐH Kyoto

- Năm 2010-nay: Giám đốc Viện Maskawa tại ĐH Kyoto Sangyo; Giám đốc Viện Kobayashi-Maskawa, ĐH Nagoya; thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Nhật Bản

Các giải thưởng tiêu biểu:

- Năm 2007: Giải thưởng của Hội Vật lý châu Âu

- Năm 2008: Huân chương Văn hóa của Hoàng gia Nhật Bản

- Tháng 12/2008: Giải Nobel Vật lý

Hồng Hạnh (lược ghi)
Nguồn: VNU Media

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm