Giáo dục Việt Nam xếp hạng sau Campuchia

Tính hiệu quả của hệ thống giáo dục Việt Nam chỉ xếp thứ 7 trong số 8 nước ASEAN được xếp hạng mà Báo cáo về Tính Cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa công bố.

Theo đó WEF ghi nhận Singapore, Malaysia và Brunei Darussalam lần lượt đứng đầu trong khi Campuchia đứng thứ 6, Việt Nam thứ 7 và Thái Lan ở cuối bảng. Lào và Myanmar không được WEF xếp hạng.

 

Kết quả xếp hạng này dường như trái ngược với những bản báo cáo thành tích về số lượng dày đặc các học sinh giỏi, học sinh tốt nghiệp, Thạc sĩ, Tiến sĩ, Giáo sư tại Việt Nam.

 

Đang có sự chênh lệch giữa những nhận xét và báo cáo chủ quan về chất lượng giáo dục của Việt

Đang có sự chênh lệch giữa những nhận xét và báo cáo chủ quan về chất lượng giáo dục của Việt Nam

 

Thế nhưng báo cáo này xem ra có phần phù hợp với nhận xét của Giáo sư Thomas J.Vallely trước đó từng chỉ ra 5 ngộ nhận của Việt Nam về việc làm như thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay.

 

Trong số này Giáo sư Thomas J.Vallely cho rằng Việt Nam ngộ nhận vì nghĩ bộ tiêu chuẩn mà các trường ở Việt Nam đang áp dụng sẽ tạo ra chất lượng cao. Song, vấn đề khó nhất, lớn nhất là làm thế nào để quản trị, quản lý trường đại học (Việt Nam nên so sánh hệ thống đại học của mình với các nước khác, không nên so sánh mình với mình);

 

Hai là, việc tăng nguồn lực vật chất là có thể tạo ra chất luợng cao hơn hiện có. Tôi (Giáo sư Thomas J.Vallely) rất hoài nghi về khả năng Ngân hàng Thế giới cho Việt Nam vay để phát triển giáo dục. Giáo sư cho rằng, nếu tiếp tục thì sẽ không thành công, không hiệu quả mà vấn đề là ở chỗ đổi mới quản trị, quản lý trước rồi mới đến cái khác. Kinh nghiệm ở Trung Quốc là khó áp dụng ở Việt Nam;

 

Những nhận xét khách quan này cũng là dễ hiểu khi báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chiều 15/8 cũng chỉ ra những điều đáng ngại về giáo dục.

 

Theo đó, từ việc biên soạn còn chưa cân đối giữa “dạy chữ” với “dạy người”, giữa lý thuyết và thực hành, giữa dung lượng kiến thức, kỹ năng và thời lượng thực hiện của một số môn học. Một số nội dung trong chương trình, trong sách chưa thực sự cơ bản, khối lượng kiến thức nhiều, dẫn đến sự “quá tải”…,

 

Bên cạnh đó, việc phân ban không đạt được mục tiêu đề ra, không phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của học sinh. Sau 3 năm triển khai thực hiện phân ban đại trà, năm học 2008-2009, cả nước có gần 84% học sinh lớp 10 học ban Cơ bản, chỉ hơn 14% học sinh học ban Khoa học Tự nhiên, xấp xỉ 2% học sinh học ban Khoa học Xã hội và Nhân văn.

 

Tiền vẫn tăng đều, bộ trưởng kêu thiếu tiền

 

Đáng chú ý là ngân sách Nhà nước đầu tư cho giáo dục tăng nhanh, từ 15,3% năm 2001 lên đến 20% tổng chi ngân sách năm 2010. Giai đoạn 2008-2012, tỷ lệ ngân sách nhà nước chi cho giáo dục và đào tạo chiếm khoảng 5,5% GDP. Ngân sách chi cho giáo dục phổ thông chiếm khoảng 55% đến trên 60% tổng chi cho giáo dục đào tạo và luôn được ưu tiên đầu tư tăng thêm hằng năm.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng cho rằng  tài chính đầu tư cho giáo dục nhiều chứ không ít song thiếu bàn tay chỉ đạo, thiếu niềm tin của xã hội nên nguồn lực bị phân tán. Vì thiếu niềm tin nên nhiều gia đình mang tiền đi đầu tư giáo dục ở bên ngoài. Nếu không củng cố niềm tin đó đầu tư cho giáo dục vẫn dàn trải.

 

Song Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận giải thích thêm rằng, 20% ngân sách là chi cho giáo dục đào tạo nói chung chứ không chỉ của riêng bộ này. Vậy nên số chi cho giáo dục phổ thông trên tổng thể vẫn không đủ đảm bảo cho chất lượng tối thiểu của giáo dục.

 

Thế nhưng vẫn có ý kiến lo ngại: "Nếu tăng được ngân sách thì chất lượng giáo dục có tăng tỷ lệ thuận được không? Tôi nghi ngờ. Có ý kiến là chính ngành giáo dục cũng phải vì lợi ích người dân mà chiến thắng chính lợi ích của ngành mình".

 

Trong khi đó báo cáo của WEF lại khẳng định rằng tài chính không phải là yếu tố quan trọng nhất để bảo đảm nền giáo dục tốt và lương giáo viên cao không hẳn tạo ra khả năng giảng dạy thích hợp.

 

Mới đây, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan còn đánh giá đạo đức học sinh hiện nay xuống cấp đến mức báo động.

 

Theo bà Doan, nếu muốn thay đổi sản phẩm đào tạo thì cần chỉ thẳng vào khiếm khuyết, phải xác định thực tế mục tiêu giáo dục của từng cấp học, xem khiếm khuyết cái gì thì sửa cái đó. Ví dụ, ở bậc tiểu học, giáo dục nhân cách phải được chú trọng vì nó chi phối tất cả quá trình sau này, bậc tiểu học cần tập trung vào dạy người và học lễ...

 

Theo Phương Nguyên

Đất Việt