Giáo dục Việt Nam tìm kiếm sự kết nối
(Dân trí) - Buổi tọa đàm về giáo dục Việt Nam tại Mỹ diễn ra trong chuyến đi Mỹ của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã thu hút sự chú ý của nhiều giáo sư và học giả Mỹ về chiến lược phát triển giáo dục của một đất nước đang có sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ tại châu Á.
Dưới đây là bài viết của trang Chronicle Higher Education, website uy tín của giáo dục đại học Mỹ về sự kiện này.
Tại cuộc tọa đàm về giáo dục diễn ra tại Mỹ hồi tuần trước, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết và Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân đã phác thảo một kế hoạch đầy tham vọng, nhằm rà soát hệ thống giáo dục còn khá nhiều vấn đề nổi cộm của đất nước.
Trong khi đó, các giáo sư và học giả của Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục bậc cao đối với nền kinh tế đang phát triển với tốc độ nhanh chóng như Việt Nam và đề xuất một số mô hình cải cách nền giáo dục.
Được tổ chức tại Đại học New School ở thành phố New York, tọa đàm này diễn ra vào ngày thứ 2 trong chuyến thăm chính thức Mỹ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triểt.
Tại buổi tọa đàm, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đều khẳng định rằng việc cải cách nền giáo dục bậc cao có ý nghĩa then chốt trong nỗ lực phát triển kinh tế của Việt Nam.
Chủ tịch Nguyễn Minh Triết còn cho biết ông sẽ kêu gọi sự hỗ trợ của chính phủ Mỹ đối với nỗ lực cải cách giáo dục của Việt Nam. "Chúng tôi muốn học tập kinh nghiệm của các bạn và muốn được các bạn giúp đỡ trong vấn đề này", ông nói.
Hai thập kỷ sau khi mở cửa nền kinh tế, Việt Nam đang là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới; tuy nhiên, nền giáo dục đại học của Việt Nam vẫn còn khá tụt hậu so với các nước đang phát triển khác. Tỷ lệ người Việt Nam trong nhóm tuổi 20-24 đi học đại học mới chỉ ở mức 10%, các trường đại học ở trong tình trạng quá tải, còn đội ngũ giáo sư, hầu hết được đào tạo tại Nga và các nước thuộc khối Đông Âu cũ, đều đã lớn tuổi. Thêm vào đó, chỉ có 1/3 trong tổng số 160 trường đại học của Việt Nam có chương trình đào tạo tiến sĩ, nên số lượng giáo sư đang có xu hướng ngày càng giảm.
Trong buổi tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân cho biết mỗi năm Việt Nam có thêm khoảng 500 người nhận bằng tiến sĩ, và ông hy vọng rằng đến năm 2020, tổng số tiến sĩ của Việt Nam sẽ tăng lên 20.000 người, với một nửa trong số đó được đào tạo tại nước ngoài.
Bộ trưởng cũng hy vọng rằng 2.500 trong tổng số tiến sĩ mới sẽ được đào tạo tại Mỹ và sẽ trở thành bộ phận giảng viên nòng cốt, đi đầu trong nỗ lực xây dựng nền giáo dục bậc cao tiên tiến của đất nước. Đứng đầu hệ thống giáo dục đó sẽ là một trường đại học khoa học và công nghệ mới tại Hà Nội mà Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân hy vọng sẽ bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2008.
Tìm kiếm sự kết nối
Bộ trưởng cho biết chính phủ đã có các kế hoạch phát triển hệ thống Đại học Quốc gia Việt Nam, tại Hà Nội và TPHCM, thành các trung tâm đào tạo tiến sĩ và sẽ thành lập một trường đại học liên kết giữa Việt Nam với bang Hessen của Đức.
Bộ trưởng cũng hy vọng rằng với sự hỗ trợ của các tập đoàn công nghệ quốc tế như Intel, Việt Nam có thể thuyết phục các trường đại học của Mỹ mở cơ sở đào tạo về lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam, qua đó, giúp củng cố chương trình đào tạo chuyên ngành khoa học và công nghệ trong nước.
Ông hy vọng rằng đến năm 2020, một trường đại học của Việt Nam có thể lọt vào danh sách 100 trường đại học danh tiếng trên thế giới.
Các giáo sư và học giả của Mỹ đã liệt kê một số thách thức mà Việt Nam sẽ phải vượt qua trong quá trình cải cách nền giáo dục đào tạo bậc cao.
Ông Henry Rosovsky, giáo sư danh dự bộ môn kinh tế của Đại học Harvard, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo lập một hệ thống giáo dục dựa trên tài năng; theo đó, những người có tài sẽ có cơ hội thăng tiến trong hệ thống trường đại học nghiên cứu. "Tài năng phải được nhìn nhận, trọng dụng và tưởng thưởng", ông nói với các quan chức Việt Nam. Ông cho rằng Việt Nam không nên chỉ “nhập khẩu” một mô hình đào tạo của nước ngoài mà nên có những sự lựa chọn phù hợp với tình hình phát triển trong nước.
Giáo sư Rosovsky đang lãnh đạo một phái đoàn, do Ngân hàng Thế giới và Unesco tài trợ, nghiên cứu về vai trò của giáo dục bậc cao tại các nước đang phát triển.
Phó Giáo sư David O. Dapice của Đại học Tufts cho biết các trường đại học của Việt Nam hiện chưa cung cấp đủ đội ngũ lao động lành nghề để đáp ứng nhu cầu của quá trình phát triển kinh tế nhanh chóng của đất nước. Ông cho rằng để có thể duy trì tốc độ phát triển kinh tế, Việt Nam phải nâng cao cả chất lượng và số lượng học viên tốt nghiệp.
Như một dẫn chứng về chất lượng đào tạo của Việt Nam, ông cho biết trong năm 2002, Việt Nam chỉ có 2 bằng sáng chế, trong khi Trung Quốc có tới 40.000.
Trong khi đó, ông Bob Kerrey, Chủ tịch Đại học New School, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trao quyền tự chủ cho các trường đại học.
Đặng Lê
Theo Chronicle.com