"Giáo dục phải đi tiên phong trong bảo vệ môi trường"

Hoài Nam

(Dân trí) - Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, Chính phủ đang rất quyết liệt trong việc bảo vệ môi trường và ngành giáo dục phải đi tiên phong để phát triển môi trường bền vững.

Ngày 22/6, Trường Đại học Sư phạm TPHCM tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Ngày môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường năm 2024.

Phát biểu tại lễ phát động, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho hay, Việt Nam là quốc gia đang phải đối mặt với các vấn đề về hạn hán, xâm nhập mặn, thoái hóa đất và ô nhiễm môi trường đất.

Giáo dục phải đi tiên phong trong bảo vệ môi trường - 1

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại lễ phát động hưởng ứng Ngày môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường năm 2024 (Ảnh: Hoài Nam).

Dẫn số liệu thống kê năm 2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Phúc cho biết Việt Nam có gần 11.838.000ha, chiếm 35,74% tổng diện tích đất tự nhiên của cả nước đang chịu tác động của thoái hóa, hoang hóa. Đặc biệt tại khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ là 3 khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất và diễn ra với tốc độ nhanh chóng và phổ biến.

Ông Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh, Chính phủ đang rất quyết liệt với mục tiêu bảo vệ môi trường, mục tiêu Net zero.

"Chúng ta không hy sinh môi trường để chạy theo tăng trưởng hay phát triển kinh tế. Chúng ta song song phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường không chỉ cho chúng ta mà cho cả thế hệ tương lai. Và chính ngành giáo dục phải đi tiên phong phát triển bền vững và bảo vệ môi trường", Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc bày tỏ. 

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng đề xuất một số giải pháp cho ngành giáo dục trong vấn đề bảo vệ môi trường như:

Tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm với môi trường; tích cực tham gia các hoạt động thiết thực, có ý nghĩa nhằm cải thiện môi trường không khí và giữ gìn vệ sinh môi trường;

Tích cực trong công tác phục hồi các hệ sinh thái rừng, trồng rừng và thêm nhiều cây xanh nhằm đạt mục tiêu quốc gia nét zero CO2 (phát thải ròng bằng "0") vào năm 2050; phát hiện, khen thưởng cá nhân, đơn vị có nhiều thành tích đóng góp hiệu quả, thiết thực trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Giáo dục phải đi tiên phong trong bảo vệ môi trường - 2
Giáo dục phải đi tiên phong trong bảo vệ môi trường - 3

Sinh viên tham gia hoạt động thu gom vỏ chai nhựa, pin cũ (Ảnh: Hoài Nam).

Ngay sau lễ phát động, Trường Đại học Sư phạm TPHCM tổ chức các hoạt động thu gom pin cũ, vỏ chai nhựa; thu gom rác thải trong khuôn viên nhà trường; tổ chức tọa đàm "Giáo dục nâng cao ý thức giảm thiểu rác thải nhựa và ứng phó với biến đổi khí hậu...

Cùng nhiều hoạt động vì môi trường được trường tổ chức xuyên suốt như hội thi "Thiết kế sản phẩm STEM, STEAM trong dạy học và giáo dục bảo vệ môi trường từ các vật liệu tái chế", các hội thảo về khoa học môi trường...

Được biết, từ đầu năm 2024 đến nay, phong trào thu gom pin cũ với thông điệp "Thu hồi pin cũ - bảo vệ Trái đất xanh" của Trường Đại học Sư phạm TPHCM thu được tới 10.532kg pin cũ.