Giáo dục kiểu Nhật: Học sinh tự nấu ăn bán trú, trường không thuê lao công

Cuối năm 2013 tôi có dịp đưa đoàn học sinh gồm 28 em sang giao lưu học tập kinh nghiệm với học sinh Nhật Bản. Về rồi tôi vẫn trăn trở mãi câu hỏi, tại sao mỗi người dân Nhật Bản có ý thức chấp hành luật, ý thức vì cộng đồng, vì mọi người tốt đến như vậy?

Việt Nam có làm được như vậy không? Và muốn làm như vậy thì chúng ta bắt đầu từ đâu?  
Đoàn học sinh Việt
Đoàn học sinh Việt Nam đã học hỏi được nhiều điều sau chuyến tham quan Nhật Bản. (Ảnh: Ngọc Thịnh)

 

Một người vì… mọi người

 

Sau hai tuần tại Nhật Bản, trong đoàn chúng tôi ai cũng nhận thấy rằng, dù ở Tokyo hay Hirosima hay một thành phố khác, thì môi trường vô cùng sạch sẽ. Đường phố không hề có một chút nước nào mà người dân hoặc cơ quan thải ra, sạch đến mức dân Nhật mặc áo trắng đi làm không hề thấy vương một hạt bụi.

 

Về chấp hành luật giao thông thì khỏi phải nói, nơi đèn xanh đỏ dù là ngõ nhỏ, ít người qua lại, mọi người vẫn chấp hành một cách nghiêm chỉnh. Khi xếp hàng đi tham quan các khu vui chơi giải trí mới thấy người Nhật tuyệt vời đến thế nào. Không cần cảnh sát, không cần trật tự, người dân tuần tự xếp hàng, không chen lấn,  dù có thể dễ dàng chui qua sợi dây ni lông mỏng manh là có thể vượt trước… 300 người.

 

Khi vào thang máy, nếu đi đông người mà có người Nhật đi, dù quen hay lạ họ cũng đứng giữ nút mở cho mọi người vào và họ vào cuối cùng. Nếu đông quá, họ sẵn sang đi chuyến sau. Khi ra thang máy cũng vậy, nếu người Nhật đứng cạnh nơi bấm mở, bao giờ họ cũng đứng lại giữ nút mở, cho mọi người ra hết, họ ra sau cùng.

 

Khi đón các cháu học sinh Việt Nam về nhà (các cháu có hai ngày rưỡi theo chương trình homstay), các ông bố, bà mẹ người Nhật vô cùng vui sướng, hồ hởi, cởi mở như đón người thân của mình. Đoàn Việt Nam đã rất ấn tượng khi nhìn vào cái quạt, mảnh bìa… với dòng chữ tự viết bằng tiếng Việt, tự vẽ các hoa văn trang trí cho sinh động, mới thấy tấm lòng chân thành của các bạn Nhật. Khi chia tay với các cháu bé Việt Nam, nhiều bà mẹ Nhật nước mắt rưng rưng. Đoàn học sinh Việt Nam đều rất cảm động trước sự quan tâm, chăm sóc tận tình của các bà mẹ Nhật Bản. Nhiều cháu không kìm được nước mắt lúc chia tay.

 

Giáo dục căn bản từ khi còn nhỏ

 

Chương trình giáo dục phổ thông của Nhật Bản gần giống với Việt Nam. Bậc phổ thông gồm 12 lớp, độ tuổi đi học trong phổ thông từ 6 tuổi đến 17 tuổi. Tuy nhiên, điểm khác biệt là Nhật thực hiện theo mô hình: 6-3-3 (tiểu học 6 năm, trung học cơ sở 3 năm, trung học phổ thông 3 năm ). Việt Nam theo mô hình 5-4-3 (tiểu học 5 năm, trung học cơ sở 4 năm, trung học phổ thông 3 năm).

 

Đến trường mầm non cô giáo dạy trẻ tính tự lập, về nhà bố mẹ, ông bà không thể làm thay các cháu. Ở trường dạy luật giao thông thì không thể bố mẹ đưa con đi học lại vượt đèn đỏ…Những xích mích trong nhà trường, cô giáo đều hướng dẫn học sinh, không phải tranh luận mình đúng hay sai mà xem bản thân có lỗi gì để xin lỗi bạn. Về nhà cũng vậy, khi con cái xảy ra mâu thuẫn gì, bố mẹ, ông bà phải có cách giải quyết giúp các con biết tôn trọng người khác.

Nhưng cách giáo dục về ý thức trong nhà trường thì Nhật Bản có nhiều nét khác biệt so với Việt Nam. Các trường phổ thông không phải thuê lao công mà hoàn toàn tự các em lao động làm sạch đẹp trường lớp. Tôi có đưa đoàn học sinh đến giao lưu và học tập kinh nghiệm 1 ngày tại Trường  Trung học nữ sinh Showa ở Thủ đô Tokyo. Ở đây, các em học sinh học 8 tiết/1 ngày (sáng học 4 tiết, chiều học 2 tiết và 2 tiết lao động). Ăn trưa cũng các em tự nấu, rồi chia ra từng suất ăn cho các bạn. Việc nấu ăn luân phiên theo từng lớp.

 

Buổi chiều, sau 2 tiết học đầu tiên là giải lao. Sau đó, các em thay quần áo để lao động làm sạch đẹp trường lớp. Giờ lao động các em tự quản và phân công công việc: Nhóm lau sàn nhà, nhóm lau bàn ghế, nhóm lau kính, nhóm lau cầu thang, nhóm tỉa cây, tưới cây, quét sân trường, nhóm làm vệ sinh…Các em làm rất tự giác, với tinh thần rất thoải mái. Khoảng 5h chiều, các em hoàn tất công việc, thay quần áo và về nhà.

 

Ba vấn đề nêu trên, khi nói chuyện các bạn Nhật Bản, mới thấy rằng phải bắt đầu từ giáo dục: Giáo dục trong nhà trường và giáo dục trong gia đình. Nhưng điều hết sức quan trọng là hai nền tảng giáo dục đó phải thống nhất: Đến trường mầm non cô giáo dạy trẻ tính tự lập, về nhà bố mẹ, ông bà không làm thay các cháu. Ở  trường dạy luật giao thông thì không thể bố mẹ đưa con đi học lại vượt đèn đỏ…Những xích mích trong nhà trường, cô giáo đều hướng dẫn học sinh, không phải tranh luận mình đúng hay sai mà xem bản thân có lỗi gì để xin lỗi bạn. Về nhà cũng vậy, khi con cái xảy ra mâu thuẫn gì, bố mẹ, ông bà phải có cách giải quyết giúp các con biết tôn trọng người khác. Điều này vô cùng có ý nghĩa khi giáo dục con người ý thức vì mọi người.

 

Ở Nhật Bản, người mẹ có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giáo dục nhân cách cho trẻ em, nhất là ý thức tự lập, ý thức vì mọi người, giữ gìn vệ sinh chung và ý thức chấp hành kỷ luật. Giáo dục Nhật Bản rất cụ thể, nếu trong nhà trường giáo dục ý thức lao động, ý thức vì mọi người, thì  không chỉ có lý thuyết là khẩu hiệu “mình vì mọi người”, hay “lao động là vinh quang” mà là làm gì được gì cho bạn, cho thầy cô, cho bố mẹ, bản thân tự làm gì để trường lớp sạch sẽ.

 

Thiết nghĩ, đất nước ta còn nghèo, việc giáo dục ý thức lao động cho học sinh là rất cần thiết (mình tự tay làm ra sản phẩm chắc mình nâng niu quý giá hơn nhiều). Tại sao các gia đình nghèo lại cứ phải đóng tiền thuê lao công trường học, trong khi việc này các em hoàn toàn có thể làm được. Ở trường, các em cứ vứt giấy rác không nương tay, vì đã có người quét, về nhà bố mẹ lại nuông chiều, không yêu cầu các con phải làm bất cứ việc gì, chỉ có học thôi. Cứ như vậy đến bao giờ các em học sinh mới yêu lao động, mới biết quý trọng những sản phẩm mình làm ra bằng chính sức lực của mình?!

 

Ths Đào Ngọc Thịnh

Theo Gia đình & Xã hội

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm