1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Giáo dục giới tính: Thế vẫn còn chưa đủ

(Dân trí) - Giới trẻ thuộc thế hệ 8X, 9X ngày nay có xu hướng sống “phóng khoáng” hơn hẳn. Tuy nhiên, nhiều em chưa lường hết được hậu quả của sống “thoáng” và sống “dễ dãi”. Chuyện trẻ vị thành niên vướng vào vũ trường, kẹt net, cứu net… trở thành cơn đau của nhiều người.

Báo động từ “sống thử”, “vượt ngưỡng”

 

Internet đã mang lại cho chúng ta những kho thông tin đồ sộ và cũng là nơi mà nhiều bạn trẻ tìm đến để giải tỏa nỗi buồn, nỗi cô đơn trong cuộc sống. Thế nhưng, hầu như các em chưa có một sự chuẩn bị nào để đối mặt với vô vàn những cám dỗ qua kênh thông tin này. Những hiện tượng kẹt net, cứu net… mà các báo đưa lên đã khiến cho không ít bố mẹ, thầy cô cảm thấy đau lòng.

 

Sự thất vọng về gia đình, về học tập cũng kéo nhiều em xa rời cuộc sống thực, thậm chí nhiều em 9X không màng tới học tập mà coi việc “yêu”, việc đi quán bar, vũ trường mới là “sành điệu”.

 

Hiện tượng “sống thử” ngày càng phổ biến cũng là biểu hiện của sự “vượt ngưỡng” quá đà của nhiều bạn khi đang ở độ tuổi vị thành niên.

 

Chúng ta thật đau lòng khi chứng kiến những cô cậu học trò khuôn mặt còn non nớt đã dắt díu nhau vào viện nạo phá thai. Trong hàng nghìn ca nạo phá thai hàng năm có đến 25% là của những cô gái chưa chồng và 23% là của những người còn ngồi trên ghế nhà trường. Nhiều em đã dính vào căn bệnh thế kỉ HIV/AIDS, nhiều em vô tình thành gái gọi và cũng nhiều em tuyệt vọng đến mức tìm đến cái chết.

 

Không chỉ riêng nước ta, hiện nay giới trẻ các nước đều có xu hướng “phóng khoáng hóa” cuộc sống của mình. Ở Mỹ, hàng năm có hơn một triệu em gái vị thành niên mang thai, với 80% chưa lập gia đình. Khoảng 450.000 cô phá thai và số còn lại muốn cho con để người khác làm con nuôi. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Reuters, Giám đốc Silver Ring Thing tại Mỹ, Denny Pattyn, cho biết giáo dục giới tính truyền thống đã thất bại thảm hại.

 

“Ở Mỹ, chúng tôi có những đứa trẻ quan hệ với 6 người trong cùng một đêm. Tất cả những cái được dạy đều trở nên vô ích. Chúng chỉ coi đó là thứ quan hệ tình dục thường ngày, để giải trí”.

Ở Anh, tình trạng trẻ có thai tuổi từ 14-19 cao nhất châu Âu (0,28%). Đáng báo động hơn nữa, gần đây teen Anh còn xuất hiện một “mốt” mới: “thèm được mang bầu”!

Lỗi do đâu?

Có thể nói qua những hiện tượng, những con số trên cho thấy, công tác giáo dục giới tính của các nước vẫn còn nhiều bất ổn. Ở Anh, chương trình giáo dục giới tính có trong nhà trường nhưng là môn không bắt buộc. Hầu hết việc giáo dục giới tính ở các nước mới chỉ dừng nhiều ở lý thuyết, và học nhiều về sự phát triển sinh lý hơn là dạy học sinh về cách tự bảo vệ mình.

 

Andy Robinson - Silver Ring Thing tại Anh nói: “Ở trường, họ dạy chúng ta rằng những đứa trẻ có quan hệ tình dục ngoài hôn nhân là điều không thể xảy ra. Và rồi xã hội lại cho chúng mọi công cụ để biến điều không thể đó thành có thể. Tôi tin rằng chúng ta nên đưa cho chúng tất cả những thứ chúng cần để nói không với tình dục”.

 

Trung Quốc, Singapore, Ấn Độ, Nhật Bản… cũng là những nước mà người dân than phiền nhiều về giáo dục giới tính hơn cả. Giám đốc Trung tâm Sức khoẻ sinh sản Tao Lin (Trung Quốc) thừa nhận điều khó khăn nhất là phá vỡ những quan niệm cấm kỵ xung quanh quan hệ tình dục ở châu Á. "Thách thức của chúng ta nằm ở chỗ người ta vẫn ngượng ngùng khi nói về sex. Rất khó biết cách tiếp cận đúng".

 

Lỗ hổng giáo dục giới tính không chỉ bắt nguồn từ nhà trường mà còn từ gia đình, xã hội. Thầy cô giáo thường chỉ dạy lý thuyết, bố mẹ thì ngại không dạy bảo con, chuyện bạn bè, tình yêu, sự buồn chán, thất vọng và những cám dỗ ngoài xã hội tất cả đều rất dễ ảnh hưởng đến tâm hồn con trẻ. Chẳng thế mà nhiều cô cậu đến tuổi dậy thì, trước những biến đổi về tâm sinh lý, chúng cảm thấy hết sức hoang mang, lo sợ.

 

Ở một số nước, công tác giáo dục giới tính cũng gặp những khó khăn do sự xung đột văn hóa như ở Ấn Độ, Philipines, Malaysia… Họ cho rằng, việc đưa chương trình giáo dục giới tính vào nhà trường sẽ làm ảnh hưởng xấu tới tâm hồn học sinh nhưng quan niệm này hoàn toàn sai lầm và sự thực về tình trạng nhiễm HIV và tỷ lệ quan hệ tình dục trước hôn nhân của thanh thiếu niên cao đã cho thấy điều đó.

 

Ở Việt Nam, chương trình giáo dục giới tính mới được chú ý trong những năm gần đây nhưng phản ánh của giáo viên, phụ huynh và học sinh thì cũng còn khá nhiều những bất cập. Sách giáo khoa manh mún, không trọng tâm, cộng với tâm lý ngại ngùng của các giáo viên khi dạy môn học này. Không ít trường học, những giờ học Giáo dục giới tính bị chèn bởi những môn “chính”, nhiều nơi cả năm mới có một giờ ngoại khóa về Giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản vị thành niên thông qua môn Giáo dục công dân!

 

Chính vì những thiếu sót trong quan niệm về giáo dục giới tính khiến những em đến tuổi dậy thì phải tìm hiểu bằng nhiều cách khác nhau, và Internet là một công cụ. Lướt qua một số diễn đàn như webtretho.com hay edu.net.vn, tamsubantre.org… chúng ta mới thấy nhu cầu hiểu của các em rất cao mà sự đáp ứng từ gia đình, nhà trường dường như quá ít.

Tất nhiên, không chỉ đổ lỗi cho gia đình, nhà trường, sự xuống cấp về đạo đức... nhưng nếu có hiểu biết, có bản lĩnh thì chắc chắn những người trẻ sẽ có thể vượt qua được. Sự thực đã cho thấy rằng, có những bạn sống trong một gia đình tốt, một trường học uy tín cũng vẫn có thể hư hỏng. Có những người lao vào cuộc sống “thả phanh” vì ích kỷ, vì lối sống buông thả, thích hưởng thụ. Cho dù hoàn cảnh nào, điều quan trọng là những bạn trẻ cần đủ bản lĩnh và không quá nuông chiều bản thân.

Hà Phương