Giáo dục giới tính cho trẻ: Chuyện không dễ!

Con gái tôi mới 4 tuổi, còn đi mẫu giáo. Một buổi tối, đang đọc truyện cho cháu trước giờ nghỉ, đột nhiên cháu nắm tay tôi, lay nhẹ: “Mẹ ơi, làm thế nào mẹ sinh ra con vậy?".

Tôi cảm thấy lúng túng hơn cả khi phải giải quyết một việc chuyên môn khó. Sao cháu lại hỏi câu ấy nhỉ? Phải nói làm sao đây, chẳng lẽ lại kể cái truyền thuyết con cò đem con đến trước sân nhà cho mẹ như bà ngoại kể hồi xưa hay sao? Còn nói ra sự thật thì biết diễn tả thế nào cho phù hợp. Cũng không thể dửng dưng với câu: "Khi nào lớn con sẽ biết". Đành phải nhượng bộ con bằng lời hứa: "Giờ thì con ngủ đi. Ngày mai mẹ sẽ trả lời, mẹ hứa đấy!".

 

Sáng hôm sau, "cái chợ nhỏ" trong công ty được tập hợp sớm. Cô thủ quỹ lớn tuổi gõ cây viết: “Trẻ con bây giờ khôn sớm, đáo để thiệt!”. Anh trưởng phòng kỹ thuật cười: “Tưởng gì khó, tôi cứ giải thích kiểu sự thụ phấn giữa hoa đực với hoa cái sẽ cho ra quả". Cô nhân viên kế toán phản đối: "Em cũng chưa biết trả lời ra sao, nhưng giải thích kiểu ấy mù mờ, trẻ nhỏ không hiểu được, lại hỏi ba với mẹ thụ phấn thế nào thì có nước... độn thổ".

 

Bàn bạc mãi, cả nhóm mới thống nhất được câu trả lời cuối cùng, đại khái là con sinh ra từ tình yêu của cha mẹ, khi cha mẹ yêu nhau, rồi sống chung với nhau thì con ra đời. Nếu bé có hỏi kỹ hơn thì... lại mắc nợ, đến công ty bàn tiếp.

 

Câu hỏi “Thế con chui ra từ chỗ nào" có nhiều cách để trả lời, ví dụ mẹ sinh khó, nên bác sĩ phải mổ bụng, lấy con ra, khi đó, con quẫy đạp, làm mẹ đau lắm. Con bé sẽ vạch bụng mẹ, xuýt xoa: "Chỗ thẹo này hả mẹ, thương mẹ quá, giờ mẹ còn đau không?". Thế là bé không thắc mắc nữa.

 

Phải nói rằng bây giờ, sách báo về giáo dục giới tính không hiếm nữa, nhưng sách nào cũng nói chung chung, rằng nên giáo dục giới tính, phải giáo dục giới tính. Giáo dục thế nào cho phù hợp với từng lứa tuổi - một điều rất quan trọng thì chẳng mấy nơi chỉ được. Bởi vậy, trong công ty tôi mới hình thành ra "khóa tư vấn", chuyên bàn về giáo dục giới tính cho trẻ với tiêu chí là không sách vở, lý thuyết, chỉ chia sẻ kinh nghiệm thực tế. Rôm rả lắm, vì ai cũng “bí bài", ai cũng quan tâm cả.

 

Có hôm, phó giám đốc phụ trách nhân sự nêu ra một trường hợp nan giải: "Con trai tôi 12 tuổi, sáng nay thay drap giường, mẹ cháu phát hiện cháu có dấu hiệu của đàn ông trưởng thành. Hèn gì thấy thằng bé có vẻ xanh xao, khó hiểu".

 

Bàn tròn thảo luận lại được bày ra. Người nói chuyện với trẻ cần phải là nam giới để trẻ khỏi ngượng ngùng. Nhưng biết nói làm sao chẳng lẽ lại bảo "Ba thấy giường con..."? Kiểu đó không ổn, cháu sẽ ngượng, hoặc sẽ tự ái vì rất nhạy cảm với vấn đề giới tính. Nhờ trung tâm tư vấn cũng chẳng ổn, bởi bên ấy toàn nữ, nếu có nam thì cũng chưa chắc giúp được. Không khéo, cha mẹ lại bị giận lây, bởi đem chuyện nhà kể cho thiên hạ nghe.

 

Phương án cuối cùng được gút lại là người cha sau giờ làm việc sẽ về nhà ngay, làm những việc lòng vòng là chở con lên tầng 13 Diamond chơi điện tử trước khi vào vấn đề chính là vòng xuống tầng 2 mua đồ lót cho con, rồi nhân tiện ăn kem, nói chuyện "người lớn với nhau". Chỉ cần nói, hôm nay ba chợt nhớ con đã 12 tuổi, lớn rồi, bằng tuổi con ngày xưa bố đã... cứ thể mà tiến tới, rồi dạy con cách vệ sinh, cách giữ gìn cho khoa học. Tiện thể, ghé qua nhà sách mua cuốn sách của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc viết cho tuổi mới lớn tặng cho con. Thế là xong!

 

Chuyện làm cha mẹ, mới chỉ qua vài tình tiết ở công ty tôi đã phức tạp và nan giải như thế đấy!

 

DNSGCT - Nguoilaodong