Giáo dục ĐBSCL có những chuyển biến tích cực

(Dân trí) - Tại hội nghị Giao ban công tác giáo dục vùng 6 (12 tỉnh ĐBSCL) lần 2 năm học 2009-2010 tổ chức tại Hậu Giang sáng ngày 4/4, GS.TS Phạm Vũ Luận - Thứ trưởng Thường trực Bộ GD-ĐT đánh giá cao những chuyển biến tích cực của vùng 6 trong năm học qua.

Theo Thứ trưởng Phạm Vũ Luận, có thể nói vùng ĐBSCL không còn là vùng trũng nữa so với một số vùng khác trong cả nước như vùng Tây Bắc.

 

Giáo dục ĐBSCL có những chuyển biến tích cực - 1
GS.TS Phạm Vũ Luận - Thứ trưởng Thường trực Bộ GD-ĐT phát biểu tại hội nghị.

 

Tại hội nghị, TS.Thái Văn Long - Giám đốc Sở GD Cà Mau, Trưởng thi đua vùng 6 báo cáo cho biết, từ đầu năm học đến nay, nhìn chung kết quả triển khai 3 cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Hai không với 4 nội dung; Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” các Sở đều thực hiện tốt.

 

Riêng cuộc vận động “3 đủ” (đủ ăn, đủ quần áo, đủ sách vở) thì Cà Mau đã phấn đấu thêm “đủ thứ 4” là đủ tiền đi học bằng đò cho trên 10.000 học sinh có hoàn cảnh khó khăn và vận động trên 550 em HS đã bỏ học trở lại trường. Sở GD Trà Vinh còn thực hiện các giải pháp như hũ gạo tình thương, heo đất tình thương, áo xuân tặng bạn; giáo viên (GV) trong 1 tuần, có 1-2 ngày không đi xe gắn máy để tiết kiệm tiền xăng bỏ heo đất ủng hộ HS; trích tiền lương hàng tháng để giúp HS nghèo…

 

Bên cạnh các cơ sở GD thì Hội Khuyến học các cấp khá phát triển, tổ chức nhiều mô hình khuyến học hiệu quả cao như gia đình, dòng họ, tổ nhân dân khuyến học…góp phần nâng cao nhận thức và thể hiện trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong việc chăm lo cho sự nghiệp GD.

 

Về kết quả học tập, so với cùng kỳ năm trước, kết quả xếp loại học lực HS phổ thông ở cả 3 cấp học đều có bước chuyển biến khá tích cực. Tỷ lệ học sinh yếu, kém ở hầu hết các địa phương đều giảm.

 

Về đội ngũ GV thì có tình trạng thừa hoặc thiếu GV cục bộ ở một số trường và một số bộ môn. Tình trạng thiếu GV ngành học mầm non vẫn còn khá phổ biến ở nhiều tỉnh trong vùng. Đặc biệt là Tiền Giang, số lượng GV thiếu rất lớn, 650 ở mầm non (cả vùng thiếu hơn 2.000 GV), 800 ở bậc Tiểu học và THPT là 218 GV. Năng lực chuyên môn, kinh nghiệm giảng dạy và công tác và công tác ở một bộ phận còn hạn chế. Ở một số cán bộ quản lý và GV, tính năng động, sáng tạo chưa cao, việc tự học, tự rèn luyện và tinh thần phấn đấu còn thấp. Cũng phát hiện một vài trường hợp cá biệt GV vi phạm đạo đức nhà giáo ở Cà Mau, Bạc Liêu, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long.

 

Tại hội nghị Giao ban công tác giáo dục vùng 6 (12 tỉnh ĐBSCL) lần 2 năm học 2009-2010, Các Sở đã có 11 kiến nghị đến Bộ GD-ĐT để giải quyết một số khó khăn mà các địa phương đang gặp phải.

 

Về thi tốt nghiệp THPT, các Sở kiến nghị Bộ GD tổ chức chấm thi theo khu vực (thực hiện như cụm thi đua hiện nay); nên duy trì hình thức tuyển thẳng vào ĐH như trước đối với HS giỏi Quốc gia đạt từ giải Ba trở lên hoặc HS đạt giải môn nào được miễn thi môn đó ở kỳ thi tuyển sinh vào ĐH;

 

Bộ cần có hướng dẫn cụ thể về kế hoạch và kinh phí cho chương trình phổ cập mẫu giáo 5 tuổi, phổ cập trung học cho các địa phương thực hiện; Bộ GD và Bộ Nội vụ sớm ban hành định mức biên chế cho Sở GD và Phòng GD, TTGDTX; ban hành chế độ kiêm nhiệm chức danh Bí thư chi bộ, Chủ tịch Công đoàn trường học đối với mầm non và mẫu giáo; tăng tỷ lệ phần trăm hỗ trợ cho các tỉnh từ 60% lên 80% về chương trình kiên cố hóa trường lớp và nhà công vụ giáo viên…

 

Tin, ảnh: Huỳnh Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm