Giáo dục chưa để tâm đến chính sách nhân văn

Lâu nay, ngành giáo dục thực hiện nhiều dự án vào loại nhiều tiền. Thế mà dự án thực sự lớn về ý nghĩa nhân văn - luân chuyển giáo viên giữa các vùng, vẫn chưa được đề cập.

Bấy lâu nay, tôi chỉ được biết giáo viên trẻ được phân công đi vùng sâu vùng xa, hay miền núi dạy học. Nhiều người trong số họ đã không trở về thành thị hay quê hương mình được nữa, bởi không thể.

Tôi đã từng gặp nhiều cô giáo trẻ tại trường tiểu học Cán Chu Phình, huyện Mèo Vạc (Hà Giang), đến từ các điểm trường nằm cách đó 10 - 15 cây số. Các cô uống đến say và hát những bài hát buồn. Rồi ôm nhau khóc.

Một cô giáo tên Hoa, có giọng hát rất hay, đã nói với tôi rằng, cô lên đây đã sáu năm rồi mà chưa được chuyển về điểm trường gần hơn hay được chuyển vùng. Cô bảo đã bắt đầu thấy gai người khi nhìn những cây cổ thụ xù xì. Cô lo ế chồng!

Bây giờ lại có chuyện lạ: giáo viên già xung phong lên vùng núi dạy học. Một người quen của tôi ở Tuyên Quang nói: “Tuyên Quang bây giờ giáo viên già đang viết đơn ầm ầm, xung phong lên núi dạy học!”. Ông bảo mấy người bạn của ông ngoài 55 tuổi đã xin được đi dạy ở cách thị xã gần 40 cây số.

Một cô bạn học của tôi làm ở công đoàn ngành giáo dục tỉnh xác nhận chuyện đó là thật 100%, và đã xảy ra được vài năm nay. Chồng đơn cứ ngày một dày thêm, bởi số người được “duyệt” không nhiều. Một cô bạn khác làm ở phòng giáo dục tiếp lời: “Những người xin đi lên dạy học ở vùng 135 (vùng đặc biệt khó khăn ở miền núi) là những nam giáo viên sắp đến tuổi nghỉ hưu. Họ cần tiền để gửi cho con cái ăn học xa nhà, cả dưới Hà Nội nữa”.

Cô cho biết thêm, lên vùng 135 lương và phụ cấp sẽ tăng gần gấp đôi, và với thâm niên từ 30 năm trở lên một ông giáo viên có thể nhận 5 - 6 triệu đồng/tháng. Cô nói: “Họ oách lắm, anh ạ. Mấy ông góp tiền đi taxi đến gần trường, sau đó đi bộ, hoặc đi xe ôm mấy cây số đến chỗ dạy. Cuối tuần, lại hẹn taxi đến đón về với vợ”.

Chuyện này vậy mà hay vì thầy giáo già có tiền để phụ thêm cho con ăn học, cô giáo trẻ đỡ lo “ế chồng”. Thế nhưng, ngẫm lại “cái chồng đơn cứ dày lên mãi”, như lời kể của cô bạn, tôi lại thấy có gì đó không thật “xuôi”. Có “xin - cho”, ắt có gì đó không “vô tư”.

Trở lại việc những giáo viên trẻ, nhất là nữ, đi dạy học miền núi quá lâu năm không chuyển về được, dù đã có quy định “nghĩa vụ là 3 - 5 năm”. Có những cô giáo, tuổi đã ngót nghét 40, ở trường tiểu học Mường Mìn huyện Quan Sơn (Thanh Hoá) đã mở hòm, khoe đống tiền lương tích góp được lưng lửng hòm với tôi. “Phấn son, quần áo sắm cho ai nhìn”, một cô nói. Cô khác chen vào: “Trong các hội nghị, hội thảo, lễ tổng kết của ngành giáo dục, em xem trên truyền hình, thấy đọc nhiều con số thống kê lắm. Nhưng, hình như, chưa hề có một thống kê về tỷ lệ giáo viên nữ ế chồng, nhất là do phải cách ly với thế giới đàn ông, như bọn em, anh nhỉ”.

Lâu nay, ngành giáo dục - một trong những ngành thực hiện nhiều dự án, và là những dự án vào loại nhiều tiền. Thế mà cái dự án thực sự lớn về ý nghĩa nhân văn, thực sự quan trọng đối với công tác quy hoạch, luân chuyển giáo viên giữa các vùng vẫn chưa được đề cập. Sự bất an của ngành giáo dục cũng xuất phát từ sự bất an của đội ngũ giáo viên. Bởi vì, đó chắc hẳn là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến chất lượng dạy và học sút kém và tỷ lệ học sinh bỏ học nhiều, nhất là ở những vùng khó khăn.

Theo Trần Quang Đạo
SGTT