Giáo dục cần điều kiện tối thiểu để đảm bảo chất lượng

Tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng Chương trình – SGK phổ thông, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã phát biểu nhấn mạnh vào: Đầu tư cho GD phổ thông và tình hình triển khai thí điểm một loạt các mô hình, thử nghiệm mới của Bộ GD&ĐT.

Tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng Chương trình – SGK phổ thông, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã phát biểu nhấn mạnh vào 2 nội dung: Đầu tư cho GD phổ thông và tình hình triển khai thí điểm một loạt các mô hình, thử nghiệm mới của Bộ GD&ĐT. Xin trân trọng đăng lại nội dung phát biểu của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận. Đầu đề và các tiểu mục do tòa soạn đặt.
 
Lớp học vùng cao. Ảnh: Cao Từ
Lớp học vùng cao. Ảnh: Cao Từ

 

Đầu tư chưa theo kịp quy mô phát triển

 

Trong những năm qua, sự quan tâm của Đảng, của Nhà nước, của nhân dân đầu tư cho giáo dục trong đó có giáo dục phổ thông là rất lớn và ngày càng tăng, thể hiện rõ nét tại tỷ lệ đầu tư trong GDP, trong chi ngân sách Nhà nước cũng như ngân sách của các gia đình và các nguồn khác.

 

Quy mô của giáo dục phổ thông rất lớn và phát triển rất nhanh. Hơn 10 năm qua, bình quân mỗi năm tăng khoảng 250 trường phổ thông. Trong khi đó, do quy mô tổng sản phẩm và thu nhập quốc dân của Việt Nam còn nhỏ, nên số tiền chi cho giáo dục đào tạo nói chung - trong đó có giáo dục phổ thông – là không lớn.

 

Kinh phí 20% tổng chi ngân sách Nhà nước được sử dụng gồm cho cả giáo dục đào tạo của Bộ GD&ĐT, của Bộ LĐTBXH và cho các hoạt động giáo dục đào tạo của các Bộ, ngành khác. Ví dụ: Kinh phí đào tạo của hệ thống trường Đảng, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, đào tạo cho quốc phòng an ninh.

 

Do vậy, cho đến thời điểm này, mặc dù các điều kiện đảm bảo chất lượng cho giáo dục phổ thông đã được cải thiện nhiều so với trước - nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn - nhưng trên tổng thể thì chúng ta vẫn chưa đảm bảo đủ điều kiện tối thiểu để các hoạt động giáo dục và đào tạo đảm bảo chất lượng. Báo cáo báo cáo đồng chí Đào Trọng Thi - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Thanh niên Thiếu niên Nhi đồng, Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã nói rõ vấn đề này.

 

Có thể thấy những câu chuyện trong thực tế. Đó là: Còn nhiều phòng học chưa được kiên cố hóa. Nhiều địa phương vẫn còn tình trạng học 3 ca, học nhờ đình chùa, học tạm ở những nhà cấp 4, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.

 

Cùng đó, hiện còn thiếu rất nhiều nhà công vụ cho giáo viên ở vùng khó... Vì vậy, giáo viên gặp rất nhiều khó khăn về chỗ ở để ổn định bám lớp, bám trường, bám bản.

 

Hay thử nhìn vào con số tỷ lệ chi hiện nay cho các cơ sở giáo dục phổ thông theo quy định là 80/20. Trong đó, 80% chi cho lương giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; 20% dùng để đảm bảo chi cho các hoạt động của nhà trường. Thực tế, nhiều địa phương đang phải chi với tỷ lệ 95/5, tức là dành hầu như toàn bộ kinh phí được cấp chỉ đủ chi lương cho giáo viên, nhà trường không còn kinh phí để duy trì hoạt động bình thường của mình. Nếu tình hình này không được cải thiện thì các cơ sở giáo dục còn gặp rất nhiều khó khăn mà tự mình không thể khắc phục được.

 

Kết quả khả quan từ một loạt các mô hình, thử nghiệm mới

 

Trong mấy năm qua, cùng với việc quán triệt NQ Đại hội XI, gần đây nhất là Kết luận của Hội nghị T.Ư 6 về Giáo dục -  Đào tạo, Bộ GD&ĐT chỉ đạo theo đúng tinh thần: Những vấn đề đã rõ thì triển khai ngay. Trong quản lý Nhà nước, đã tách bạch nhiều các hoạt động quản lý Nhà nước về Giáo dục của các cơ quan Nhà nước với quản lý nhà trường đối với các hoạt động chuyên môn.

 

Bộ GD&ĐT đã và đang triển khai thí điểm một loạt các mô hình ở mầm non và phổ thông, như: Chương trình công nghệ Tiếng Việt mới năm nay sẽ triển khai ở 37 tỉnh, thành phố với 2.378 trường tiểu học. Kết quả đã có cho thấy: Các cháu học sinh - trong đó có rất nhiều cháu là người dân tộc ít người, ở vùng sâu, vùng xa - học chương trình mới này đảm bảo đọc được, viết được, đúng chính tả, đúng câu và không tái mù.

 

Phương pháp dạy học mới “Bàn tay nặn bột”, với sự giúp đỡ của các chuyên gia Việt kiều từ Pháp mang về đang được triển khai ở 350 trường tiểu học và 120 trường THCS ở 63 tỉnh, thành phố.

 

Thực tế triển khai đã tạo bước chuyển biến mới trong phương pháp dạy và học dựa trên các hoạt động tự chủ, tích cực của học sinh gắn với hoạt động của giáo viên, tránh việc truyền thụ kiến thức một chiều, nhớ máy móc. Điều này đã khẳng định thành công trong việc thay đổi phương pháp dạy và học đối với các cấp tiểu học và trung học cơ sở.

 

“Mô hình trường học mới Việt Nam” là dự án được sự tài trợ của Tổ chức Giáo dục Toàn cầu thông qua Ngân hàng Thế giới. Đây là mô hình đã được áp dụng các thành tựu khoa học thế giới được triển khai thành công ở nhiều nước trên thế giới.

 

Hiện Bộ GD&ĐT đã triển khai mô hình này ở 63 tỉnh, thành phố với gần 1.500 trường. Thực tế triển khai đã đổi mới được nhiều hoạt động trong nhà trường cả về nội dung, phương pháp và các sinh hoạt của giáo viên, học sinh.

 

Việc Bộ, ngành và các địa phương đồng loạt triển khai thí điểm các mô hình mới, thử nghiệm mới áp dụng đối với tất cả các cấp học từ mầm non, tiểu học tới THCS, THPT đã đạt được kết quả khả quan. Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau 2015.

 

Tại Hội nghị T.Ư 8 sắp tới, Bộ GD&ĐT mong muốn Nghị quyết về giáo dục sẽ được thông qua. Để trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT sẽ triển khai Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

 

Theo Giáo dục và thời đại