Giáo dục ATGT cấp mầm non là yêu cầu cấp thiết cho cả xã hội

Trường Thịnh

(Dân trí) - Trong xã hội hiện nay, hầu hết người tham gia giao thông đều là người lớn, là các bậc phụ huynh đưa đón con em hàng ngày. Vậy thì vì sao lứa tuổi nhỏ như cấp mầm non cũng cần được giáo dục về An toàn giao thông?

Giáo dục ATGT cấp mầm non là yêu cầu cấp thiết cho cả xã hội - 1

Tập huấn giáo dục An toàn giao thông cho cấp mầm non năm học 2021-2022 qua hình thức trực tuyến.

Theo tạp chí My Child của Úc, an toàn giao thông (ATGT) là một trong những kiến thức đầu đời quan trọng với trẻ em ở mọi lứa tuổi. Ở các quốc gia phát triển, khi trẻ bắt đầu làm quen với việc tự xúc ăn cũng là lúc chúng cũng được học về ATGT.

Cấp bậc mầm non đang là độ tuổi khai phá và là giai đoạn đặc biệt quan trọng với trẻ. Vì vậy, hiểu được những kiến thức sơ đẳng về ATGT, tránh các tai nạn gây thương tích đem đến lợi ích rất lớn cho trẻ em trong tương lai. Tại Việt Nam, ngoài giáo dục ý thức và văn hóa tham gia giao thông, cấp bậc mầm non cũng cần được phổ biến thêm về Luật Giao thông khi đây là yêu cầu hết sức cấp bách của xã hội. Bên cạnh đó, nhà trường và phụ huynh cần làm gương sáng để con em họ noi theo.

Đẩy mạnh truyền thông giáo dục ATGT trong các cơ sở giáo dục mầm non

Giáo dục ATGT là một trong những nội dung giảng dạy quan trọng, được lồng ghép vào chương trình giáo dục của nhiều cấp học. Tùy theo tính chất, khả năng nhận thức của mỗi lứa tuổi, các chương trình giáo dục ATGT sẽ được điều chỉnh sao cho phù hợp nhất với các em.

Nổi bật trong số những hoạt động truyền thông giáo dục ATGT cho cấp bậc mầm non, có thể kể đến chương trình hướng dẫn an toàn giao thông từ năm 2020, mang tên "Tôi yêu Việt Nam" phiên bản mới "Vui giao thông".

Năm 2020, "Tôi yêu Việt Nam" trở lại với phiên bản mới, tập trung vào lứa tuổi mầm non, từ 3-5 tuổi, là độ tuổi hình thành nhận thức, yêu thích khám phá thế giới xung quanh và cũng bắt đầu tham gia giao thông.

Theo đó, cùng với việc phát sóng trên truyền hình, từ năm học 2020-2021, HVN đã phối hợp với Bộ GD-ĐT triển khai thí điểm chương trình đào tạo trực tiếp trong trường mầm non tại 5 tỉnh thành.

Giáo dục ATGT cấp mầm non là yêu cầu cấp thiết cho cả xã hội - 2
Bài phát biểu của bà Nguyễn Thị Hiếu - Phó Vụ trưởng Vụ Mầm Non - Bộ GDĐT tại TP Hải Phòng tháng 9/2020.

Tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ quản lý, giáo dục cấp bậc mầm non

Nhằm khuyến khích các giáo viên củng cố kiến thức về ATGT để từ đó truyền tải đến các em một cách hiệu quả, HVN đã tổ chức Hội thảo Tập huấn Hướng dẫn giáo dục an toàn giao thông - Triển khai chương trình "Tôi yêu Việt Nam" trong cấp học giáo dục mầm non năm học 2021-2022.

Cụ thể, chương trình tập huấn được tổ chức trong 3 ngày 11, 12, và 13 tháng 8 cho gần 200 cán bộ quản lý và giáo viên các trường mầm non tại 23 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Hưng Yên, Phú Thọ, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Nghệ An, Bình Dương, Long An, Bình Thuận, Bến Tre.

Giáo dục ATGT cấp mầm non là yêu cầu cấp thiết cho cả xã hội - 3
Giáo viên phát biểu ý kiến về nội dung triển khai thí điểm chương trình Tập huấn năm 2020.

Hội thảo đã được tổ chức trực tuyến nhằm thực hiện đúng theo yêu cầu của Chính phủ về việc phòng chống dịch bệnh Covid-19, đảm bảo an toàn và sức khỏe cho các cán bộ quản lý, thầy cô giáo và cộng đồng. Tại buổi tập huấn, các cán bộ quản lý và giáo viên của các cơ sở giáo dục mầm non đã có cơ hội học tập, thảo luận những nội dung đào tạo mới và cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy nội dung giáo dục ATGT cho các bé trong độ tuổi mầm non nhằm nâng cao hiệu quả cũng như chất lượng dạy và học ATGT.

Giáo dục ATGT cấp mầm non là yêu cầu cấp thiết cho cả xã hội - 4
Giáo dục ATGT cấp mầm non là yêu cầu cấp thiết cho cả xã hội - 5
Các cán bộ quản lý và giáo viên mầm non đã cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy ATGT cho chương trình Tập huấn năm 2020.

Kết hợp cùng kinh nghiệm sẵn có cùng với kiến thức vừa được tập huấn, dự kiến khoảng 1.00.000 em nhỏ thuộc hơn 5.000 trường mầm non của 23 tỉnh, thành phố kể trên sẽ được các thầy/cô giáo tổ chức các lớp học và thực hành với nội dung đào tạo về an toàn giao thông của "Tôi yêu Việt Nam" phiên bản hoàn toàn mới "Vui giao thông" trong năm học 2021-2022.

Phiên bản mới "Vui giao thông" năm đầu thực hiện 2020-2021 kết hợp chương trình truyền hình và đào tạo trực tiếp tại 15 trường mầm non thuộc 5 tỉnh thành do HVN triển khai đã nhận được đánh giá cao từ các phụ huynh, thầy cô giáo và xã hội, đem lại những kết quả khả quan khi 76% trẻ có nhận thức về an toàn giao thông và 93% trẻ yêu thích chương trình.

Trong năm học tới 2021-2022, việc triển khai chương trình tại 23 tỉnh thành kể trên với các hình thức thể hiện sinh động và phương pháp giảng giải trực quan hơn hứa hẹn sẽ đem lại nhiều kết quả tích cực hơn nữa, từ đó từng bước giúp hình thành và nâng cao nhận thức của thế hệ tương lai đất nước về văn hóa tham gia giao thông an toàn, văn minh.