Giáo án điện tử hấp dẫn học sinh

Bài giảng có minh họa bằng âm thanh, hình ảnh khiến tiết học sinh động hơn, học sinh dễ tiếp thu hơn. Đó là những kết quả mang lại từ việc vận dụng công nghệ thông tin vào dạy học.

Sáng 5/4, các học sinh lớp 10A3 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (Q.1- TPHCM) đã được học một tiết vật lý bằng giáo án điện tử hấp dẫn từ đầu đến cuối giờ của thầy Nguyễn Đức Hiệp.

 

Đó là tiết học về Định luật Bernoulli. Giáo viên có vai trò là người hướng dẫn, gợi mở cho học sinh, còn học sinh tham dự phải vận dụng hết các kỹ năng: nghe, xem, hỏi, ghi chép. Cuối tiết học, học sinh không những nắm được công thức, chứng minh định luật mà còn được xem hình ảnh về cuộc đời, tiểu sử nhà vật lý người Thụy Sĩ Daniel Bernoulli.

 

Phổ biến các giáo án hay

 

Hội thi thiết kế bài dạy môn vật lý trên máy tính cho giáo viên khối THCS do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức đã kết thúc sáng 5-4. Kết quả có 221 giáo án của 110 đơn vị tham gia, trong đó có 22 giáo án đoạt giải A, 46 giải B và 42 giải C. Sắp tới, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ tổ chức biên soạn các giáo án đoạt giải trên CD để phổ biến trong giáo viên.

Ưu điểm lớn nhất mà bài giảng điện tử mang lại là nội dung bài giảng được minh họa bằng những âm thanh và hình ảnh sống động, học sinh tỏ ra thích thú và tiếp thu bài nhẹ nhàng hơn. Đối với môn vật lý, nhờ sự hỗ trợ của máy tính, những định luật, hình ảnh phức tạp được động hóa đã giúp học sinh dễ hình dung và hiểu bài nhanh hơn.

 

Đối với các môn khoa học xã hội, như môn lịch sử, những hình ảnh động về các sự kiện lịch sử được tái hiện đã giúp học sinh dễ liên hệ giữa quá khứ và hiện tại. Trong nhiều bộ môn khác, nhờ sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, các bài giảng cũng trở nên sinh động hơn, hấp dẫn học sinh hơn so với phương pháp dạy học truyền thống.

 

Để xây dựng bài giảng điện tử, ngoài yếu tố quyết định là con người thì cơ sở vật chất, trang thiết bị có vai trò rất lớn. Các thiết bị cần thiết là máy vi tính, các phần mềm hỗ trợ thiết kế giáo án điện tử như Flash, Cota Reference, PowerPoint, Violet (tiếng Việt)... Tuy nhiên, xuất phát từ những đặc trưng của mỗi bộ môn mà giáo viên có thể lựa chọn những phần mềm hỗ trợ khác nhau. Trong đó, phần mềm PowerPoint được lựa chọn nhiều nhất nhờ có thể đáp ứng tốt các yêu cầu khác nhau như: dễ dàng chèn nội dung văn bản, hình ảnh, âm thanh; tạo các biểu đồ, sơ đồ; dễ dàng chọn và chèn các dạng ký hiệu, biểu tượng thích hợp có sẵn; tạo hiệu ứng hình hoạt sinh động...

 

Thầy Nguyễn Đức Hiệp cho biết: Để xây dựng bài giảng điện tử, cần khá nhiều thời gian, nhất là khâu sưu tầm những tư liệu hình ảnh, âm thanh có nội dung phù hợp với bài giảng, sau đó là phần thiết kế bài giảng nhờ sự hỗ trợ của các phần mềm nói trên.

 

Theo Mỹ Dung - Huy Lân

Người Lao Động