Giảng viên... chạy sô

Trường ĐH mở ra khắp nơi, số sinh viên tăng ào ạt trong khi lực lượng giảng viên chỉ nhích từng chút một khiến tình trạng giảng viên chạy sô càng trở nên trầm trọng.

Một thầy dạy 4-5 trường ĐH không có thời gian ăn trưa, phải thuê cả trợ giảng để thay thế những lúc không thể sắp xếp thời gian... là những tình huống phổ biến về giảng viên (GV) hiện nay.
 
Giảng viên... chạy sô - 1

Thầy... chạy

Một sinh viên (SV) lớp quản trị kinh doanh năm thứ 3 trường ĐH Mở TP.HCM kể: “Lớp em chủ yếu là GV thỉnh giảng đến từ các trường khác như ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Nông lâm, ĐH Ngoại thương”. Nhóm SV năm cuối của lớp đầu tư cũng chia sẻ: “Có tới hơn nửa thầy cô của trường khác tới dạy. Nhiều lúc thầy bận họp gấp, phải đi công tác xa hoặc có lịch dạy trường nào đó thì thầy lại hẹn SV học bù vào hôm khác”. Những SV này còn cho biết thêm, các thầy cô dạy một lúc nhiều trường nên muốn gặp thầy để hỏi bài cũng khó, có khi phải đợi 3, 4 ngày hoặc cả tuần. “Có bữa, còn tới 15 phút nữa mới hết giờ nhưng thầy đã vội vàng kết thúc và nói “các em thông cảm tôi có việc bận, để hôm sau tôi bù”. Thực chất là đến giờ dạy ở trường khác nên thầy phải chạy thôi”, SV Lưu Hải - trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho biết.  

Chênh lệch quá lớn 

Quy trình, thủ tục thành lập trường ĐH-CĐ do Bộ GD-ĐT ban hành năm 2007 quy định tỷ lệ SV/GV như sau: Từ 5 - 10 SV/GV đối với các ngành đào tạo năng khiếu, từ 10 - 15 SV/GV đối với các ngành đào tạo khoa học kỹ thuật và công nghệ, từ 20 - 25 SV/GV đối với các ngành đào tạo khoa học xã hội, nhân văn và kinh tế - quản trị kinh doanh. Có ít nhất 50% số GV đạt trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Thế nhưng đến năm 2010, tỷ lệ trung bình SV/GV của 376 trường ĐH-CĐ trong cả nước là 28/1, trong đó có những trường tỷ lệ này rất cao như trường ĐH Ngoại ngữ -Tin học TP.HCM: 47,3/1, trường ĐH Mở TP.HCM: 41,2/1, trường ĐH Hồng Bàng: 40,2/1...

Tại những trường ĐH dân lập và các trường ĐH ở địa phương, tình trạng này càng phổ biến. Một GV trường ĐH Bạc Liêu công nhận: “Nhóm ngành kinh tế của trường mình chủ yếu mời các thầy từ các trường ĐH ở TP.HCM hoặc ĐH Cần Thơ. Các thầy nhiều khi không sắp xếp được thời gian nên khiến SV phải nghỉ học hoặc đợi học bù”. Nhiều SV trường ĐH Văn Hiến, ĐH Hùng Vương… phản ánh vì thầy cô chạy sô nên chuyện nghỉ học bất ngờ hay học bù vào thứ bảy, chủ nhật là bình thường.

Một GV môn tiếng Anh cơ hữu trường ĐH Hoa Sen được trường ĐH RMIT và CĐ nghề Việt Mỹ thỉnh giảng cho biết: “Mình phải dạy cả thứ bảy, chủ nhật. Tuy nhiên, mình còn sắp xếp được thời gian chứ có nhiều thầy dạy một lúc cả 4, 5 trường, chưa kể các trung tâm, các khóa học bên ngoài”. GV này thông tin thêm có thầy dạy môn marketing đắt sô lắm, dạy các trường như ĐH Kinh tế, ĐH Kinh tế tài chính, ĐH Cần Thơ, các trường ĐH ở miền Tây... đến nỗi thầy phải thuê cả trợ giảng để chấm bài, góp ý tưởng cho giáo án, dạy thay khi thầy quá bận...

Trường không quản lý được

PGS-TS Nguyễn Việt - Phó hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế TP.HCM, một trong những trường có nhiều GV chạy sô nhất, nhận định: “Phải có sự đồng ý của hiệu trưởng thì GV mới được đi làm thêm ở nơi khác. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng tôi cũng không thể quản lý hết được vì có thầy nhận thỉnh giảng trường khác mà không báo cáo. Trường chỉ có thể nhắc nhở là các thầy nên hạn chế việc này để làm sao đảm bảo được chất lượng giảng dạy tại trường”.  

“Nhu cầu xã hội quá lớn, trường ĐH-CĐ mở ra quá nhiều nên không đủ GV cơ hữu, buộc phải mời thỉnh giảng từ các trường khác nhau”  - PGS-TS Nguyễn Việt -  Phó hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế TP.HCM

PGS-TS Dương Anh Đức - Phó hiệu trưởng trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), chia sẻ: “Không có chế tài nào đối với GV “chạy sô” cả nếu họ vẫn đảm bảo hoàn thành tốt công việc của mình tại trường. Dù biết chất lượng giảng dạy của GV tại trường sẽ bị ảnh hưởng, nhưng không thể ngăn cấm”.

Tại trường ĐH An Giang, có thời điểm SV phải nghỉ học liên tục vì không thể sắp xếp được GV. Thạc sĩ Hoàng Xuân Quảng - Phó hiệu trưởng trường này, cho hay: “Hiện toàn trường có khoảng 650 GV giảng dạy ở 35 ngành ĐH, 7 ngành CĐ và một số ngành ở hệ trung cấp. Tuy nhiên, số lượng này vẫn thiếu khi đào tạo theo tín chỉ. Đáng nói nhất là ở khối ngành kinh tế, trường chỉ có 45 GV, trong đó 1/3 số này đang đi học ở các cấp cao hơn. Trước đây, chúng tôi mời GV kinh tế từ các ĐH của TP.HCM nhưng thời gian gần đây, các trường ở TP.HCM có nhu cầu rất lớn về GV, nên họ không nhận lời dạy ở tỉnh xa như An Giang. Trước tình hình đó, chúng tôi phải linh động mời GV từ ĐH Cần Thơ, các cán bộ hoạt động ở đơn vị trên địa bàn tỉnh... có trình độ từ thạc sĩ trở lên và có kinh nghiệm công tác giảng dạy ở trường”.

Theo PGS-TS Việt: “Nhu cầu xã hội quá lớn, trường ĐH-CĐ mở ra quá nhiều nên không đủ GV cơ hữu, buộc phải thỉnh giảng từ các trường khác nhau”. Trong khi đó, PGS-TS Dương Anh Đức khẳng định: “Tất cả trường lớn hiện nay đều lâm vào tình trạng này. Có trường hợp một số GV của trường chúng tôi kiêm luôn vai trò quản lý tại các trường tư. Trường vẫn thuyết phục GV rời bỏ vị trí đó, chỉ cộng tác, tư vấn. Cũng có GV gắn bó với trường kia hơn thì xin nghỉ tại trường”.

Hầu hết GV thì cho rằng, thu nhập hằng tháng còn thấp khiến GV phải chạy sô nhiều nơi. Được biết, mỗi giờ giảng được khoảng 100-150 ngàn đồng. Ví dụ mỗi tuần dạy thêm 6 buổi tối, mỗi buổi 4 tiết thì sẽ được khoảng 2,5 - 3 triệu đồng. Một số GV trẻ trường ĐH Kinh tế TP.HCM than phiền: “Nếu ra đi làm công ty mỗi tháng thu nhập được cả ngàn USD/tháng, nhưng đi dạy thì lương chỉ được khoảng 3 - 4 triệu đồng/tháng”.

Theo Mỹ Quyên - Đăng Nguyên
Thanh Niên