Giảng dạy tin học: Thiếu cả "cày" lẫn "trâu"

Phòng ốc đã xây dựng xong nhưng máy tính vẫn còn kẹt chưa về bởi chưa xong… quy trình. Giáo viên chuyên trách chưa có, chủ yếu dùng giáo viên kiêm nhiệm... Giảng dạy tin học tại một số nơi đang ở trong tình trạng: thiếu cả "cày" lẫn "trâu"!

Bước vào năm học mới, tại nhiều điạ phương, các trường THPT sẽ gặp nhiều khó khăn khi triển khai giảng dạy bộ môn tin học theo chương trình mới mà nguyên nhân chính của hiện tượng này bắt nguồn từ sự... chậm trễ trong đầu tư thiết bị giáo dục.     

                

Cách đây hơn 3 tháng, nhằm đảm bảo cho việc dạy tin học theo chương trình mới, trường THPT bán công Phan Chu Trinh (Phan Thiết, Bình Thuận) đã chủ động đầu tư một Phòng tin học hoàn chỉnh. Tuy nhiên, mọi cố gắng nỗ lực để đảm bảo chất lượng dạy và học đã không được phát huy chính bởi sự chậm trễ trong thủ tục từ các sở, ban, ngành.

 

Nói như lời ông Trương Văn Hổ, Phó hiệu trưởng của trường thì "từ lúc có kinh phí đến lúc mua được máy phải trải qua rất nhiều thủ tục".

 

Chuẩn bị điều kiện để triển khai dạy môn tin học trong trường THPT, từ đầu tháng 5/2006, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào Tạo phối hợp với Sở Khoa học công nghệ và Môi trường, Sở Tài Chính Bình Thuận khẩn trương tiến hành các thủ tục để hoàn thành việc trang bị máy tính cho các trường vào cuối tháng 8 để kịp năm học mới.

 

Mới đây, tỉnh Bình Thuận cũng đã đồng ý trích 11,6 tỉ đồng để trang bị máy vi tính cho các trường học. Tuy nhiên, đến nay, việc thẩm định, đấu thầu thiết bị vẫn chưa được triển khai. Các trường vẫn phải tiếp tục... chờ.

 

Theo lời ông Huỳnh Sanh Nhẫn, Phó Giám đốc Sở GD - ĐT tỉnh Bình Thuận, "nếu đơn vị nào trúng thầu, nhanh nhất trong vòng một tháng mới có thể cung cấp thiết bị". Điều đó cũng có nghĩa là trừ các trường đang tận dụng thiết bị cũ, còn lại, các trường muốn đầu tư mới thì phải... chờ.

 

Tuy nhiên, cách làm này được cho là không thể giải quyết sự chậm trễ trong đầu tư thiết bị ở các trường. Và học sinh chính là người chịu thiệt thòi.

 

Cùng với khó khăn về thiết bị, thiếu giáo viên chuyên tin học cũng là vấn đề khá bức xúc tại các trường THPT ở Bình Thuận. Đơn cử, để triển khai giảng dạy theo chương trình mới, 27 trường THPT tại Bình Thuận hầu hết đều phải dùng giáo viên môn toán để dạy kiêm nhiệm cho môn học bắt buộc này.

 

Đổi mới, cải cách giáo dục là việc làm thường xuyên của ngành giáo dục để nâng cao chất lượng học sinh, song với sự đầu tư thụ động, không đồng bộ tại các địa phương liệu chất lượng dạy và học những môn học mới có được đảm bảo?  

 

 Theo Quốc Cường

VTV Web

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm