Gian nan cảnh học nhờ ở vùng cao Quảng Ngãi

(Dân trí) - Bước vào năm học mới 2014-2015, những học sinh trên rẻo cao vui mừng vì được đến trường, gặp lại bạn bè và học con chữ. Thế nhưng, niềm vui đó lại quá gian nan khi học sinh THCS tá túc tạm trường tiểu học suốt 5 năm qua.

Tại huyện miền núi Sơn Tây (Quảng Ngãi), hơn 230 học sinh (HS) cấp THCS thuộc xã Sơn Liên và Sơn Màu phải học nhờ trường tiểu học ở xã, dẫn đến kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày bậc tiểu học chỉ còn lại 1 buổi vì nhường phòng học cho cấp THCS.

Ông Nguyễn Ngọc Huề - Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Sơn Liên cho hay: “Ngôi trường chính có 6 phòng học kiên cố, trong đó có 2 phòng tận dụng để cán bộ, giáo viên (GV) làm việc và phòng thư viện cấp Tiểu học; 1 phòng khác được trưng dụng là nơi làm việc cho cán bộ, GV cấp THCS nên chỉ còn lại 3 phòng học thôi. Chất lượng giáo dục làm sao nâng cao khi cả 2 cấp Tiểu học và THCS học tập dựa vào 3 phòng học đó”.
 
Gian nan cảnh học nhờ ở vùng cao

Hàng chục giáo viên tá túc trong 1 căn phòng biến thành nơi làm việc ở Trường tiểu học Sơn Liên (huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi).

Hiện nay, hơn 230 HS (Sơn Liên 120 em và Sơn Màu 110 em) cùng 20 cán bộ, GV cấp THCS đang học và làm việc nhờ, do đó 2 trường tiểu học thuộc xã Sơn Liên và Sơn Màu đều không thể dạy 2 buổi/ngày theo chương trình.

Ông Lê Hoài Thạnh - Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Sơn Tây cho biết: “Trước thực trạng trên, chúng tôi đã gửi báo cáo, kiến nghị lên cấp huyện và tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng trường THCS ở xã Sơn Liên và Sơn Màu. Cho đến nay, ngành Giáo dục địa phương vẫn chưa nhận hồi âm”.

Cùng chung hoàn cảnh trên, tại huyện miền núi Ba Tơ, hàng trăm HS ở trường Tiểu học và THCS Ba Giang cũng lắm nỗi nhọc nhằn trải qua 5 năm sau khi tách xã.

Thương những học trò ở những điểm trường lẻ bị xuống cấp, thiếu nơi học đàng hoàng hoặc nằm trong vùng bị sụt lún, nguy cơ sạt lở nghiêm trọng. Nhà trường đưa HS ở điểm trường lẻ thuộc thôn Gò Non, Gò Xuyên về trường chính để dạy học cho an toàn. Trước khó khăn về lớp học, địa phương đầu tư xây dựng dãy phòng học với 2 tầng kiên cố. Trớ trêu hơn, khi xây dựng thêm phòng học thì nhà trường lại không có bàn ghế học tập vì dự án chỉ đầu tư xây dựng trường học không có bàn ghế.
Thiếu bàn ghế, học sinh TH và THCS dùng tre để làm giường và nơi học tập.

Thiếu bàn ghế, học sinh TH và THCS dùng tre để làm giường và nơi học tập.

Khó khăn chồng chất khó khăn, bởi lượng HS tăng lên gần gấp đôi nhưng số phòng học hữu dụng vẫn không tăng lên. Buộc lòng trường Tiểu học và THCS Ba Giang “đòi lại” phòng học ở thôn Ba Nhà mà nhà trường cho HS mầm non mượn học trước đó.

Chung cảnh thiệt thòi với thế hệ cấp học trên, hơn 70 trẻ em trường Mầm non Ba Giang đành mượn phòng học ở thôn Ba Nhà, đến năm học 2014-2015, nơi này bị lấy lại và số học sinh mầm non di chuyển đến phòng học như khu ổ chuột rộng 5m2 "nhiều không" (không điện, không nước, không có ánh sáng cửa sổ…).
Một số phòng học xập xệ chưa đầy 5m2 là nơi học sinh mầm non gắn bó trong năm học 2014-2015.

Một số phòng học xập xệ chưa đầy 5m2 là nơi học sinh mầm non gắn bó trong năm học 2014-2015.

Một số giáo viên tiết lộ (xin đề nghị giấu tên vì cấp trên chưa cho phép phát ngôn), từ 2 năm học trường, chính quyền địa phương xây dựng mới trường Mầm non xã Ba Giang. Khi vừa xây xong, tường phòng học bị nứt toạc, mái ngói bong tróc, không thể sử dụng được và đành đóng cửa. Kể từ đó, HS và giáo viên di chuyển nhiều nơi để học nhờ, dạy tạm; trong đó mượn phòng học ở thôn Ba Nhà của trường Tiểu học và THCS Ba Giang.

 
Chất lượng xây dựng trường Mầm non mới không đảm bảo, học sinh nơi đây phải đi học nhờ nơi khác.

Chất lượng xây dựng trường Mầm non mới không đảm bảo, học sinh nơi đây phải đi học nhờ nơi khác.
Tường trường Mầm non Ba Giang vừa xây xong đã nứt toạc như thế này.

Tường trường Mầm non Ba Giang vừa xây xong đã nứt toạc như thế này.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Hàn Phong - Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ cho biết: “Hiện nay kinh phí của huyện rất hạn hẹp, do đó khó có thể xây dựng đủ trường, lớp ở những xã cách trung tâm. Huyện đang rà soát, báo cáo thực trạng và đề nghị tỉnh đầu tư”.

Hồng Long