Gian lận trong tuyển sinh ĐH: Vì sao vẫn nở rộ?
Ngày 30/3/2005, thêm một đường dây làm giấy báo điểm giả để trúng tuyển nguyện vọng 2 vào các trường ĐH khu vực phía Bắc bị phanh phui. Lợi nhuận cao, không tốn kém nhiều và đặc biệt là mức độ an toàn cao đã khiến việc thi thuê, làm giấy báo trúng tuyển giả, giấy chứng nhận điểm giả... thành một thị trường béo bở.
Mặc dù theo qui chế tuyển sinh, các trường hợp gian lận đều bị xử lý nghiêm khắc, nhưng trong thực tế lại chẳng có mấy ai bị xử lý nghiêm khắc!
May mắn thì phát hiện được!
Tại cầu truyền hình tuyển sinh ĐH, CĐ 2005 mới đây, ĐH Huế đã báo cáo thành tích với Bộ GD-ĐT về việc phát hiện một trường hợp gian lận trong thi cử (làm giấy báo điểm giả) và tất nhiên SV này đã bị buộc thôi học.
Và hầu như năm nào các trường cũng phát hiện các trường hợp sử dụng phiếu báo điểm giả để chui vào cổng trường ĐH. Gần đây nhất và cũng là thông tin mới nhất là thanh tra Bộ GD-ĐT đã phát hiện bốn trường hợp thi hộ, thông qua các dữ liệu do Trung tâm Công nghệ thông tin cung cấp.
Theo phía trung tâm, qua thống kê có khoảng 100 trường hợp nghi vấn vì có những biểu hiện giống nhau về họ tên, ngày tháng năm sinh, hộ khẩu thường trú... trong khi lại xuất hiện ở hai địa điểm thi trong cùng một thời điểm.
Hầu hết các trường hợp được phát hiện đều từ đơn thư khiếu nại tố cáo, do nhà trường kiểm tra đầu vào, do cơ quan công an tiến hành điều tra... Còn bao nhiêu trường hợp thí sinh (TS) gian lận chưa phát hiện và hiện là SV đang ung dung trên giảng đường ĐH, trong khi thủ đoạn của những kẻ làm giấy chứng nhận điểm thi giả ngày càng tinh vi hơn?
Người ta có thể tìm mọi cách để làm giấy tờ giả, mà trường hợp TS Đ.T.T. (tỉnh Bắc Giang) là một ví dụ điển hình. Thí sinh này đã dùng ống đựng tăm, nắp chai rượu vang Thăng Long và bút màu để tạo ra... con dấu giả trên giấy chứng nhận kết quả tuyển sinh giả. Qua một học kỳ sự việc mới bị phát hiện khi ĐH Tây Bắc nhờ ĐH Đà Nẵng xác minh. Tại Trường ĐHDL Hồng Bàng, một SV khi bị phát hiện sử dụng giấy tờ giả, gia đình mới phát hiện người mẹ và đứa con gái đã lặng lẽ đi... mua.
Đó là những trường hợp có thể coi là tự phát, còn những đường dây thi thuê, thi hộ, làm giấy báo điểm giả... có tổ chức vẫn âm thầm hoạt động, khó mà dập tắt hoặc ngăn cản được. Có thể liệt kê một số vụ việc tiêu biểu, như trong kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2003, đường dây làm giả giấy báo trúng tuyển ĐH do thạc sĩ Đinh Văn Nhã (cựu giảng viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) cầm đầu đã thực hiện trót lọt 18 phi vụ vào các trường ĐH Kinh tế TP.HCM, KHXH & NV (ĐHQG TPHCM), ĐHDL Hùng Vương... Ngày 8/7/2004, lực lượng công an đã phát hiện một đường dây thi thuê vào ĐH, CĐ qui mô rất lớn do Đinh Đức Thịnh, 53 tuổi (trú phường Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội), cầm đầu.
Đường dây này đã tổ chức làm giả hồ sơ tuyển sinh tại 13 trường ĐH, học viện; chín trường CĐ và năm trường trung cấp đóng tại 10 tỉnh thành ở phía Bắc. Thịnh khai từ năm 2002 đến nay đã nhận tiền và hồ sơ của 50 người; giá tiền thấp nhất 4-5 triệu đồng/TS, nhiều nhất là 60 triệu và một nửa số này đã được nhập học.
Ngày 18/3/2005, Tòa án nhân dân TPHCM xử phạt bốn SV, cựu SV Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TPHCM) gồm Tôn Long Hòa, Lê Văn Đại cùng mức án 18 tháng tù, Trần Thái Phước 12 tháng tù treo, Đinh Quang Trung 8 tháng tù treo về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Thông qua các trung tâm môi giới dạy kèm, Hòa đã tiếp cận với các gia đình mong muốn cho con vào ĐH với lời hứa "sẽ thi hộ đảm bảo đậu" bằng cách làm giả hồ sơ tuyển sinh và bố trí thi hộ cho những TS có "nhu cầu" với mức giá là 45 triệu đồng.
Và gần đây nhất, ngày 30/3/2005, Phòng An ninh văn hóa - tư tưởng và Phòng An ninh điều tra - Công an TP Hà Nội đã bắt khẩn cấp Phạm Huy Hồng (sinh năm 1964), quê ở Đại Đồng, Tiên Du, Bắc Ninh, tạm trú tại phường Đồng Tâm, Hai Bà Trưng vì hành vi làm và sử dụng giấy tờ giả, trong đó có giấy báo trúng tuyển ĐH. Qua xác minh có khoảng 10 trường hợp SV đã nhập học bằng giấy báo trúng tuyển giả do Hồng cung cấp...
Xử phạt theo qui chế: có cũng như không!
Theo qui chế tuyển sinh, điều 39 "Xử lý TS dự thi vi phạm qui chế" nêu rõ: "Tước quyền vào học ở các trường ngay trong năm đó và tước quyền tham dự kỳ thi tuyển sinh vào các trường trong hai năm tiếp theo, hoặc đề nghị các cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những TS vi phạm một trong các lỗi sau: có hành vi giả mạo hồ sơ để hưởng chính sách ưu tiên khu vực hoặc theo đối tượng trong tuyển sinh; sử dụng văn bằng tốt nghiệp không hợp pháp; nhờ người khác thi hộ, làm bài thi hộ dưới mọi hình thức...".
Văn bản pháp qui ban hành xem ra có vẻ nghiêm ngặt nhưng thực tế thì sao? Ngoài những trường hợp bị pháp luật xử lý, cho đến nay việc quản lý những trường hợp thuộc điều 39 hầu như nằm ngoài tầm tay của Bộ GD-ĐT và các trường. Bởi lẽ qui chế chỉ nêu ra thôi mà không hề thực hiện, không hề có bản danh sách những TS vi phạm theo điều 39 để cung cấp cho các trường, để các trường xử lý. Chính vì thế mà những TS năm nay vi phạm trường này, sang năm lại nộp hồ sơ đi thi trường khác như không hề xảy ra chuyện gì! Nộp giấy chứng nhận điểm giả, phát hiện thì TS tự ý nghỉ học.
Các trường xem như là xong "món nợ" và cũng cảm thấy "thương" các em nếu như bị cấm thi hai năm, do đó cũng cho qua luôn. Có lẽ vì thế mà thi thuê, thi hộ, làm giấy tờ giả... vẫn nở rộ nhan nhản, bất chấp tất cả những răn đe từ phía các cơ quan bảo vệ pháp luật và tất nhiên cũng bất chấp cả qui chế tuyển sinh.
Mặc dù Bộ GD-ĐT cũng có qui định phải kiểm tra tất cả bài thi của TS, kiểm tra hồ sơ trúng tuyển nguyện vọng 2 của TS... nhưng với một qui trình tuyển sinh vòng vèo, kéo dài gần cả năm trời khiến các trường quá chán ngán và mệt mỏi, không thể kiểm tra hết tất cả bài thi, hồ sơ trúng tuyển các nguyện vọng của trường mình. Các trường hợp kiểm tra cũng chỉ tiến hành nếu có đơn thư tố cáo, hoặc kiểm tra theo kiểu ngẫu nhiên và chấp nhận an tâm với mức độ "ngẫu nhiên" ấy!
Đã đến lúc Bộ GD-ĐT cần ban hành ngay các bước triển khai điều 39 của qui chế tuyển sinh, dù đã chậm trễ. Đó là đề nghị các trường báo cáo những TS vi phạm điều 39 của qui chế, sau đó lên danh sách và gửi về cho các ban tuyển sinh để gạt những trường hợp gian lận.
Tiếp theo cần yêu cầu các trường phải có nghĩa vụ kiểm tra chéo hồ sơ trúng tuyển với nhau một cách nghiêm túc; rà soát lại toàn bộ hồ sơ trúng tuyển nguyện vọng 2, 3... Có như vậy mới có thể làm thui chột ít nhiều ý tưởng dùng tiền vào ĐH và hạn chế cơ hội kinh doanh đối với những kẻ trục lợi từ sự hờ hững thực thi qui chế tuyển sinh.
Theo Nguyễn Phan
Tuổi trẻ