Bình Định:
Giảm thiểu rác thải nhựa vào đại dương qua phương thức giáo dục
(Dân trí) - Hội Gặp gỡ Việt Nam tổ chức hội thảo về giảm thiểu chất thải nhựa vào đại dương nhằm nâng cao kiến thức và khả năng hiểu biết về ô nhiễm rác thải nhựa cho các giáo viên.
Ngày 19/8, hội thảo khoa học có chủ đề “Giảm thiểu chất thải nhựa vào đại dương: Mô hình giáo dục cho các nhà giáo dục” do Hội Gặp gỡ Việt Nam, Hội Địa lý toàn cầu, Đại học Loyola (Chicago, Mỹ) và UBND tỉnh Bình Định tổ chức đã khai mạc tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE, ở TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định).
Đây là hội thảo thí điểm dành riêng cho 100 cán bộ quản lý và giáo viên các môn sinh học, hóa học và địa lý ở 20 trường THPT của tỉnh Bình Định. Trong khuôn khổ của hội thảo, ban tổ chức còn tổ chức lớp học về môi trường cho giáo viên.
Theo GS Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội gặp gỡ Việt Nam, mục đích của hội thảo nhằm nâng cao kiến thức và khả năng hiểu biết về khoa học môi trường, ô nhiễm rác thải nhựa và ảnh hưởng của nó đến hệ sinh thái, sức khỏe con người và phát triển kinh tế xã hội cho các giáo viên dạy tại các trường THPT trong tỉnh Bình Định.
Các đại biểu tham gia lớp học này sẽ sử dụng kiến thức học hỏi được để kết hợp giảng dạy học sinh về khoa học môi trường, ý thức bảo vệ môi trường và tầm quan trọng của việc giảm thiểu rác thải nhựa đối với hệ sinh thái, đời sống con người và phát triển kinh tế xã hội.
“Phát triển ở Việt Nam sẽ không bền vững nếu vấn đề ô nhiễm môi trường không được khắc phục và ngăn chặn kịp thời. Vấn đề ô nhiễm môi trường có thể được khắc phục từ việc thắt chặt quản lý của nhà nước và từ việc nâng cao hiểu biết và ý thức bảo vệ môi trường cho mỗi người dân”, GS Trần Thanh Vân chia sẻ.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân rất hoan nghênh tỉnh Bình Định đi đầu đăng cai tổ chức thí điểm thực hiện mô hình giáo dục nói trên. Đồng thời, đề nghị ICISE tiếp tục vận động tổ chức các hội thảo, lớp tập huấn về giảm thiểu rác thải nhựa, túi ni lông, tái chế… để tiếp tục nâng cao nhận thức, giáo dục môi trường cho các đội ngũ giáo dục quản lý, giáo viên tại Việt Nam.
“Theo cá nhân tôi, muốn chống rác thải nhựa vào đại dương, chúng ta phải chống rác thải nhựa, túi ni lông ngay trong đất liền, ngay trong ý thức người sử dụng. Tôi hy vọng từ 20 trường ven biển ở tỉnh Bình Định được tập huấn lần này sẽ lan rộng ra các trường trong cả nước. Tất cả phải cùng chung tay vào phong trào này. Muốn phong trào chống rác thải nhựa vào đại dương mới thực sự hiệu quả thì chúng ta phải chặn rác thải nhựa ngay trong đất liền, ngay trong sản xuất và tiêu dùng”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.
Theo ban tổ chức hội thảo, sự phát triển nhanh về kinh tế và công nghiệp của Việt Nam gần đây đã giúp nâng cao đời sống vật chất cho người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích kinh tế, vấn đề môi trường của Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn. Môi trường ở nhiều vùng miền ở nông thôn và thành thị của Việt Nam hiện nay đang bị ô nhiễm nặng. Sự ô nhiễm này có chiều hướng gia tăng cùng với sự phát triển công nghiệp và đô thị.
Một trong những vấn đề cấp bách hiện nay ở Việt Nam là ô nhiễm rác thải từ việc sử dụng các vật liệu nhựa sử dụng một lần. Trong khi đó, ý thức và hiểu biết về ảnh hưởng của sự ô nhiễm chất thải nhựa vào môi trường ở Việt Nam hiện ở mức báo động.
Theo thống kê của các tổ chức khoa học và kinh tế quốc tế, Việt Nam là một trong 5 nước phát thải rác thải nhựa vào môi trường đại dương nhiều nhất.
Doãn Công