Giám khảo Việt duy nhất tại giải thưởng “Nobel giáo dục" 2016 (P1)

Các hoạt động đề cử cho Giải thưởng Nhà giáo Toàn cầu (Global Teacher Prize) năm 2016 đã chính thức bắt đầu dưới sự kêu gọi của Quỹ Varkey Foundation.

TS. Phạm Minh Tuấn, (nhà sáng lập Tổ hợp công nghệ giáo dục Topica), giám khảo người Việt duy nhất của giải thưởng được coi là “Nobel Giáo dục” này cho biết: “Các nhà giáo Việt Nam hoàn toàn có cơ hội được vinh danh trong giải thưởng toàn cầu danh giá!”.

TS. Phạm Minh Tuấn phát biểu tại Hội nghị Kinh tế toàn cầu 2014, Kuala Lumpur, Malaysia.
TS. Phạm Minh Tuấn phát biểu tại Hội nghị Kinh tế toàn cầu 2014, Kuala Lumpur, Malaysia.

Có một điều đáng tiếc là các năm trước đây, giải thưởng toàn cầu danh giá và nhiều ý nghĩa này chưa được biết đến rộng rãi tại Việt Nam, do đó các Nhà giáo Việt tuy cũng có rất nhiều cống hiến nhưng lại khá thiệt thòi vì chưa có cơ hội được đề cử và tôn vinh xứng đáng. Để bạn đọc hiểu thêm về giải thưởng này và có thêm thông tin về các hoạt động đề cử, chúng tôi đã có phần phỏng vấn với TS. Phạm Minh Tuấn.

Thưa TS. Phạm Minh Tuấn, theo ông, các Nhà giáo Việt Nam có nhiều cơ hội đạt giải thưởng cao quý này hay không, khi mà cơ hội được chia đều cho tất cả các quốc gia trên thế giới với những nền giáo dục vô cùng phát triển như Mỹ, Châu Âu...?

Bên cạnh một giải thưởng chính trị giá 1 triệu USD, Global Teacher Prize cũng sẽ tôn vinh 49 Nhà giáo khác trên toàn cầu. Theo tôi, ở Việt Nam có rất nhiều Nhà giáo có nhiều đóng góp to lớn cho nền giáo dục và cơ hội đối với họ là không nhỏ. Có thể kể đến những công trình của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, cha đẻ của hệ thống Trường thực nghiệm và khái niệm “Công nghệ giáo dục”, theo tôi hoàn toàn có thể sánh ngang tầm với Nancie Atwell, người đã giành giải thưởng này năm vừa qua. Hay như Thầy giáo Đặng Văn Chính ở Cao Lãnh, Đồng Tháp gần 20 năm đi “tìm" học sinh nghèo, học sinh bỏ học để vận động các em đến lớp, và dành tiền cá nhân của mình để hỗ trợ học bổng cho các em. Thầy Nguyễn Xuân Phi ở Nam Giang, Quảng Nam, hơn 30 năm gieo chữ cho trẻ vùng cao, bám trụ ở xã Đắc Pree - Đắc Pring cách thị trấn 70km đường lội bộ, nơi mà điện chỉ mới về cách đây 2 năm.

Ngoài ra còn rất nhiều tấm gương lớn và công trình đồ sộ của các nhà giáo khác trên khắp Việt Nam mà tôi không thể nêu ra hết, cũng như chưa có cơ hội được biết đến hết. Chính vì vậy, tôi rất hi vọng cộng đồng xã hội Việt Nam sẽ cùng chúng tôi góp sức tìm kiếm, phát hiện và đề cử những tấm gương như vậy cho giải thưởng này để họ được ghi nhận và tôn vinh xứng đáng, đặc biệt là ở quy mô toàn cầu.

Giải thưởng này dành cho các Nhà giáo đang giảng dạy ở bậc phổ thông. Ban tổ chức nêu ra 6 tiêu chí xét giải thưởng: thành tựu đạt được như giải thưởng, ghi nhận của học sinh; sáng tạo phương pháp giảng dạy, ví dụ như ứng dụng công nghệ; hoạt động cộng đồng ngoài lớp hợc; đóng góp vào tranh luận công khai về sự nghiệp giáo dục; và hội nhập quốc tế. Chúng tôi đã dịch một số thông tin chính về giải thưởng, tiêu chí ra tiếng Việt để cộng đồng cùng tham khảo: www.topica.asia/prizevn .

Một lớp học vùng cao.
Một lớp học vùng cao.

Trong thời gian qua, ngành giáo dục gặp không ít lời phàn nàn. Là một người tâm huyết với lĩnh vực giáo dục và đang đại diện Việt Nam tham gia “cầm cân nảy mực” cho 1 giải thưởng giáo dục toàn cầu, ông đánh giá ra sao về vấn đề này?

Đúng là người Việt chúng ta có thói quen và xu thế kêu ca phàn nàn nhiều hơn là góp sức giải quyết vấn đề, hay ít nhất là động viên những người đang góp sức. Một cách tự nhiên, các thầy cô vẫn luôn bị đổ lỗi cho nhiều vấn đề của xã hội, mà theo tôi, đôi lúc hơi thiếu tính khách quan và công bằng. Đạo đức giới trẻ xuống cấp? Chúng ta đổ lỗi cho các thầy cô, chứ không nhắc đến trách nhiệm của phụ huynh, gia đình - nền tảng tiên quyết cấu thành nhân cách cho mỗi con người. Đào tạo không đáp ứng nhu cầu xã hội? Chúng ta đổ lỗi cho thầy cô, chứ không hướng đến trách nhiệm của các doanh nghiệp khi chưa tìm cách tham gia sâu hơn vào đào tạo.

Tôi luôn ngưỡng mộ những tấm gương góp sức thay vì phàn nàn, vì đổ lỗi bao giờ cũng dễ hơn đề xuất giải pháp, và đề xuất giải pháp dễ hơn bắt tay vào thực hiện. Ví dụ như tấm gương của cô giáo Mai Thị Bích Nguyện, ở Quỳnh Phụ, Thái Bình. Cô Nguyện lập tủ sách cá nhân với hơn 1000 đầu sách dùng chung cho tất cả giáo viên, học sinh, và là đồng tác giả phần mềm đoạt giải nhất tại Hội thi Sáng tạo toàn quốc lần thứ 12; đạt Huy chương vàng Quốc tế của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới (WIPO) năm 2013 và danh hiệu Người phụ nữ tiêu biểu năm 2014. Thay vì ngồi một chỗ phàn nàn và trách móc tại sao trường mình chưa được cấp thư viện, cô Nguyện bắt tay vào làm, và kêu gọi mọi người góp sức cùng mình để làm.

Hay như Thạc sĩ Nguyễn Thu Hoài ở Hà Nội, ngoài công việc chính là Giám đốc Tài chính ở tập đoàn công nghệ thông tin, cô còn dành hơn 660 giờ trong năm 2014 năm để giảng dạy trực tuyến cho sinh viên, và được tuyên dương trong số 30 Giảng viên doanh nhân tiêu biểu do Hội Doanh nhân trẻ VN và Cổng Thánh gióng tổ chức. Thay vì phàn nàn tại sao giáo dục không đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, cô Hoài bắt tay vào làm: từ đóng góp ý tưởng, đến trực tiếp tham gia giảng dạy cho sinh viên những kiến thức mà doanh nghiệp cần.

Đáng nhẽ đó mới là những trường hợp, những tấm gương đáng được dư luận quan tâm, được nhắc đến và khen ngợi trên báo chí, trên các diễn đàn hay mạng xã hội. Hàng vạn người kêu ca cũng chẳng giúp được gì cho giáo dục, nhưng chỉ cần vài ngàn người mạnh dạn góp sức thì sẽ tạo ra những bước tiến đáng kể và lan tỏa tới hàng triệu người khác.
Xin chân thành cảm ơn ông!

Xin chân thành cảm ơn ông!
 

Tổ hợp công nghệ giáo dục TOPICA là đơn vị đào tạo trực tuyến hàng đầu Đông Nam Á, và là tổ chức Việt Nam đầu tiên xuất khẩu công nghệ giáo dục ra nước ngoài. TOPICA Uni cung cấp hạ tầng công nghệ và dịch vụ cho 8 trường ĐH ở Việt Nam và Philippines để triển khai đào tạo Cử nhân trực tuyến chất lượng cao. TOPICA Native triển khai chương trình luyện nói tiếng Anh trực tuyến cho học viên tại Thái Lan và Việt Nam, và là đơn vị đầu tiên trên thế giới phát triển ứng dụng luyện nói qua Google Glass. TOPICA Founder Institute là vườn ươm khởi nghiệp duy nhất tại Việt Nam đã có các startup nhận đầu tư tổng cộng gần 10 triệu USD. Một dự án giai đoạn đầu của TOPICA do đích thân cựu Chủ tịch Microsoft Bill Gates khởi động. TOPICA hiện có hơn 500 nhân viên toàn thời gian, 1.400 giảng viên bán thời gian ở các văn phòng Manila, Singapore, Bangkok, Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng.

www.topica.asia

 
Quỳnh Trang