Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM: Không nên cấm dạy thêm

Cần có chế độ, chính sách đối với giám thị, bảo mẫu, cấp dưỡng, tổng phụ trách đội… Nhiều giáo viên giỏi không muốn làm quản lý vì bị cắt phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi.

Ngày 28/9, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã có buổi tiếp xúc cử tri ngành GD&ĐT TP. Ngay sau khi Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Hồng Sơn kiến nghị: “Thông tư 17 ban hành năm 2012 của Bộ GD&ĐT quy định về dạy thêm - học thêm cần được điều chỉnh không quá chặt chẽ đối với giáo viên để họ sống được với nghề. Chính vì vậy mà đến nay TP.HCM vẫn chưa có chỉ thị của UBND TP để thực hiện thông tư này” thì cử tri là giáo viên, cán bộ quản lý đều đồng tình.

 

Quyền dạy thêm

 

Bà Võ Ngọc Thu, Trưởng phòng GD&ĐT quận 5, góp ý: “Thông tư 17 có tiêu chí là cấm dạy thêm - học thêm học sinh hai buổi khi học sinh đã tham gia học hai buổi/ngày. Theo tôi, không nên dùng từ “cấm dạy thêm” mà nên thay bằng cách tổ chức quản lý như thế nào về dạy thêm. Chúng tôi sẵn sàng phê bình, góp ý những giáo viên làm sai nhưng nhu cầu học thêm là có thật”. Ông Hồ Cung, giáo viên Trung tâm GDTX quận Bình Thạnh, nói: “Hiện nay giáo viên mới ra trường lương khoảng 3,1 triệu đồng, làm sao người ta sống được nếu chỉ đi dạy ở trường. Dạy thêm thì không được dạy, chẳng lẽ làm giáo viên mà còn kiếm việc để làm thêm?”.

 

Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM: Không nên cấm dạy thêm
Bà Võ Ngọc Thu, Trưởng phòng GD&ĐT quận 5 (TP.HCM), kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM. (Ảnh: Quốc Dũng)

 

Ông Lê Hồng Sơn kiến nghị: “Nếu có được tác động thêm của đại biểu Quốc hội cho Thông tư 17 thì rất tốt. Cần có những cơ chế thoáng hơn trong việc tổ chức dạy thêm - học thêm. Chỉ cần quản lý làm sao để giáo viên không tổ chức dạy một cách tiêu cực, bắt ép học sinh. Trong khi đời sống giáo viên chúng ta không đảm bảo được thì phải để giáo viên sống được bằng nghề của mình”.

 

Có ngân sách sẽ hết lạm thu

 

Phát biểu xung quanh vấn đề thu chi đầu năm của bà Phạm Thị Huệ, Hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng (quận 3), nhận được tràng pháo tay vang dội trong hội trường. Theo bà Huệ, hằng năm cứ sau ngày khai giảng thì báo chí đều đưa lên việc các trường thu tiền. Bà Huệ bày tỏ: “Vì sao chúng tôi phải thu? Chúng tôi được hướng dẫn phải nâng cao chất lượng giáo dục, phải xây dựng trường tiên tiến, hiện đại. Trong khi đó, ngân sách cấp về hầu hết ngốn hết vào lương, thậm chí không đủ tiền phụ cấp. Vậy lấy tiền đâu để có các hoạt động? Thế thì làm sao hiệu trưởng không đau đầu được!”. Theo bà Huệ, cuối cùng hiệu trưởng phải nghĩ đến việc phối hợp với phụ huynh và “hiệu trưởng chúng tôi vừa là nhà giáo dục, vừa là nhà chính trị, giờ thêm là nhà kinh tế” - bà Huệ nói.

 

Giáo viên giỏi không muốn làm quản lý

 
“Hệ lụy hết sức nguy hiểm hiện nay là tại sao những giáo viên năng lực giỏi được điều lên làm ở phòng, sở nhưng không ai nhận? Vì nếu đi họ sẽ bị mất chế độ lẽ ra họ đáng phải có. Một chính sách ban hành không đúng sẽ đi đến một di căn rất hại, làm giáo viên nản lòng” - ông Đặng Văn An đặt vấn đề. Bà Phạm Thị Huệ nêu ý kiến: “Người làm lãnh đạo nhưng không được phụ cấp ưu đãi, không được phụ cấp thâm niên, mà phụ cấp thâm niên liên quan đến lương hưu. Điều này vô lý. Giờ ai về phòng là mất tất cả phụ cấp”.

 

Bằng kinh nghiệm bản thân, bà Võ Ngọc Thu nói: “Tôi được điều động về làm công tác quản lý ở phòng, đang là ngạch giáo viên thì tôi phải chuyển sang ngạch là chuyên viên. Không ngờ chuyển xong thì tôi mất tất cả những gì mà người giáo viên được hưởng là phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi. Như vậy là tôi mất luôn tất cả hàng chục năm đứng lớp. Đây cũng là một khó khăn khi đội ngũ quản lý của phòng đang thiếu nhưng chúng tôi không tuyển được người lên. Bản thân tôi cũng cảm thấy có lỗi với giáo viên, bởi họ giỏi mới được tuyển lên nhưng khi lên thì họ mất các khoản đó. Hiện nay Chính phủ đã cho phép bảo lưu phụ cấp ưu đãi (tối đa 36 tháng) đối với các nhà giáo được điều động về công tác tại các phòng, sở. Nhưng sau thời gian đó thì thế nào. Do đó các phòng, sở khi mời giáo viên về làm thì rất khó khăn”.

 

Ông Lê Hồng Sơn kiến nghị đại biểu Quốc hội thúc đẩy làm sao để Luật Nhà giáo đang dự thảo được ban hành sớm hơn. Bởi hiện giờ giáo viên vẫn được gọi là công chức, viên chức. Luật Nhà giáo sớm được ban hành để rõ rằng nhà giáo không chỉ là người trực tiếp đứng lớp mà còn rất nhiều thành viên khác đang thực hiện góp phần cho tổ chức hoạt động giáo dục trong nhà trường.

 

Cần định biên các chức danh

 

Bà Phạm Thị Huệ cho biết: “Đội ngũ giám thị đã tồn tại mấy chục năm trong ngành giáo dục nhưng không được Bộ GD&ĐT thừa nhận. Cả nước này trường nào cũng có giám thị nhưng họ không được một chức danh. Một số người suy nghĩ sai lệch cho rằng ai dạy không được thì đưa làm giám thị thì điều đó hết sức sai lầm. Bởi anh không quản được lớp nhỏ của anh thì làm sao quản lý cả trường. Nên lực lượng giám thị rất quan trọng trong nhà trường, họ phải được đào tạo, được bồi dưỡng về mặt tâm lý để có ứng xử phù hợp với học sinh”.
 

Bà Võ Ngọc Thu dẫn chứng: “Hiện nay chưa có định biên của chế độ bảo mẫu, cấp dưỡng, tổng phụ trách đội. Trong khi chính Bộ GD&ĐT đề nghị với tất cả tỉnh, thành là phải phấn đấu làm sao cho học sinh học hai buổi/ngày. Mà để làm được điều này phải đưa đến chuyện tổ chức bán trú trong nhà trường. Nhưng khi tổ chức bán trú thì phải có đội ngũ bảo mẫu, cấp dưỡng. Đội ngũ này các trường phải hoàn toàn tự lực, phải bồi dưỡng bằng tiền thu của phụ huynh. Với những mức bồi dưỡng này không thể đảm bảo cho đời sống hiện nay của họ”.

 

Ông Lê Hồng Sơn kiến nghị: “Thông tư 35 về định biên chức danh bảo mẫu, giám thị, tổng phụ trách đội,… chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều năm. Nhân có các đại biểu Quốc hội, mong rằng chuyển đến các Bộ GD&ĐT, Nội vụ, Tài chính… xem xét vấn đề này”.

 

Theo Quốc Dũng

Pháp luật TPHCM