Bạn đọc viết:

Giảm bạo lực học đường: Cần lắm vai trò của bố mẹ!

(Dân trí) - Tại sao nữ sinh lại ra tay đánh đấm bạn dữ dội đến thế? Câu trả lời ấy nằm ở những lỗ hổng trong cách giáo dục của nhà trường và tác động tiêu cực từ mặt trái của xã hội. Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận rằng, vai trò của gia đình trong cách giáo dục trẻ đang bị buông lỏng, xem nhẹ.

Chưa bao giờ “vấn nạn” bạo lực học đường trong nữ sinh lại bùng lên mạnh mẽ như lúc này. Sau khi vụ việc nữ sinh 14 tuổi ở Hà Nội bị 3 “đàn chị” đánh bằng mũ bảo hiểm phải nhập viện và nữ sinh ở Quảng Trị bị đánh hội đồng đến mức thủng màng nhĩ, nhiều người lo ngại về sự xuống cấp trầm trọng của lối sống và văn hóa ứng xử trong giới trẻ, đặc biệt là học sinh.

Sự ám ảnh, nỗi lo về bạo lực học đường chưa kịp lắng xuống sau nhiều vụ việc liên tiếp, dồn dập. Mới đây, vụ nữ sinh trường THCS Huỳnh Thúc Kháng ở TP Huế đánh bạn rồi phát trực tiếp (livestream) trên mạng xã hội một lần nữa khiến chúng ta không khỏi giật mình.

Nữ sinh trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (TP Huế) đánh bạn rồi phát trực tiếp (livestream) trên mạng xã hội.
Nữ sinh trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (TP Huế) đánh bạn rồi phát trực tiếp (livestream) trên mạng xã hội.

Phải thẳng thắn thừa nhận rằng chuyện học sinh cư xử thiếu chuẩn mực, dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn xảy ra ở nhiều nơi.

Tại sao nữ sinh lại ra tay đánh đấm bạn dữ dội đến thế? Các em có thể nhẫn tâm xuống tay không chút động lòng thương cảm trước lời van xin và tiếng khóc tức tưởi của người khác thế ư? Lẽ nào các em không hề biết sợ, biết lo và đắn đo suy nghĩ trước mỗi hành động của mình sau rất nhiều vụ việc bị kỷ luật đình chỉ học, buộc thôi học?...

Câu trả lời ấy nằm ở những lỗ hổng trong cách giáo dục của nhà trường và tác động tiêu cực từ mặt trái của xã hội. Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận rằng, vai trò của gia đình trong cách giáo dục trẻ đang bị buông lỏng, xem nhẹ.

Gần nhà tôi là một cô bé học lớp 8 ở ngay ngôi trường Huỳnh Thúc Kháng vừa xảy ra vụ nữ sinh đánh bạn “dằn mặt” và phát livestream ấy. Cô bé bắt đầu hư thật sự từ năm lớp 6. Ăn chơi, chưng diện, đánh bạn, nói tục, chửi thề, cãi lời thầy cô… không thiếu một thứ gì. Giáo viên mời phụ huynh mãi cũng nhờn, cha mẹ la mắng, đánh đập mãi cũng chán.

Thế là gia đình đành buông xuôi bất lực trước cô con gái mới 14 tuổi. Những ngày tháng trốn nhà đi chơi, bỏ nhà đi biệt suốt tuần của cô bé bắt đầu. Ban đầu bố mẹ cũng mải miết kiếm tìm, dần dần cũng thả lỏng, muốn đi muốn về tùy ý.

Thú thật, cô bé ấy hư, nhưng lỗi không chỉ ở một mình đứa con. Bố mẹ suốt ngày ham vui với những sở thích cá nhân, nào là bóng đá, bài bạc rồi tụ tập nhậu nhẹt mỗi ngày. Việc học, việc chơi của con không ai quản, đến khi xảy ra sự cố thì mới lôi con ra mắng nhiếc trước bàn dân thiên hạ, trói tay cột chân đánh đập, lúc đó mọi chuyện đã muộn rồi. Đòn roi không còn làm cô bé ấy sợ, lời khuyên nhủ đều bị bỏ ngoài tai…

Lứa tuổi trung học cực kỳ nhạy cảm với những thay đổi về tâm sinh lý phức tạp đòi hỏi sự quan tâm, uốn nắn, rèn giũa từng chút một của người lớn, nhất là bố mẹ. Trẻ đòi hỏi ta phải biết lắng nghe, đồng cảm và chia sẻ rất nhiều mối quan tâm từ chuyện học, chuyện giải trí, quan hệ bạn bè. Khi bố mẹ đồng hành cùng trẻ sẽ nhanh chóng phát hiện ra những biểu hiện khác thường của con để kịp thời can thiệp, giúp con tìm giải pháp tích cực.

Gia đình tôi cũng có con trong độ tuổi “dở dở ương ương” ấy. Lắm lúc vợ chồng tôi cũng bực mình hết sức với sự trở tính, trái nết của cháu nhưng đành phải kìm lòng lại, chấp nhận nó như một phần vốn có của lứa tuổi. Chúng tôi có thể tranh cãi, tranh cãi một cách quyết liệt về những bất đồng, mâu thuẫn chứ tuyệt nhiên không dùng đòn roi trong dạy dỗ. Sau tranh cãi, những kết luận cuối cùng giữa người lớn và con trẻ phải được thống nhất. Có lẽ vì vậy mà giữa bố mẹ và con rất ít có khoảng cách.

Vợ chồng tôi và con hay bàn luận về mối quan hệ bạn bè, cách giao tiếp ứng xử nên và không nên, cần tránh tuyệt đối điều gì, cách dùng mạng xã hội… Tôi cũng thường cùng cháu xem những clip bạo lực học đường trên mạng và phân tích ai đúng, ai sai, cái được và cái mất sau những hành động bốc đồng, ra oai của tuổi trẻ.

Cháu cũng không giấu diếm các mối xung đột trong quan hệ bạn bè ở trường. Những xích mích vụn vặt ở lớp và trên mạng xã hội cần được tháo gỡ một cách tích cực từ thầy cô chủ nhiệm và bố mẹ. Ngay đến bạn bè cũng có thể giúp nhau giải tỏa mâu thuẫn bằng những lời khuyên, góp ý chân tình.

Và một “trợ thủ” đắc lực của gia đình tôi chính là sách. Hiện nay các nhà sách có rất nhiều quyển sách dạy kỹ năng sống, cẩm nang ứng xử, sách dạy lối sống đẹp, sách ngợi ca tình bạn, tình thầy trò… Đó là món quà vô giá mà bố mẹ có thể tặng con nhằm vun đắp cách nghĩ, cách sống tích cực trong mỗi đứa trẻ!

Ngọc Hùng

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm