Giải đáp 10 thắc mắc của học sinh giỏi quốc gia
(Dân trí) - Ngay sau khi Bộ GD- ĐT ban hành các văn bản về xét tuyển thẳng, Dân trí liên tục nhận được các thắc mắc của thí sinh xoay quanh vấn đề này. Trường nào sẽ tuyển thẳng, trường nào không, các điều kiện tuyển thẳng cụ thể đối với từng trường sẽ như thế nào? Hồ sơ tuyển thẳng cần lưu ý những gì?…
Dưới đây, chúng tôi xin giải đáp 10 vướng mắc thường gặp nhất đối với thí sinh là học sinh giỏi quốc gia (HSGQG) trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay:
1. HSGQG của năm 2006 có phải thi dự thi ĐH để đảm bảo yêu cầu có kết quả thi trên điểm sàn?
Để đảm bảo sự công bằng, HSGQG của năm 2006 sẽ vẫn được tuyển thẳng vào các trường ĐH, CĐ như theo quy chế tuyển thẳng của năm 2006 mà không cần phải qua kỳ thi ĐH, CĐ.
2. Nếu HSGQG của năm 2006 và HSGQG của năm 2007 cùng thi vào một trường, cùng thi vào một ngành, cùng có kết quả thi tốt nghiệp THPT, kết quả thi ĐH cùng đạt kết quả trên sàn, không có môn nào điểm 0, trong trường hợp chỉ tiêu của ngành đó hạn chế thì thí sinh nào sẽ được ưu tiên hơn trong việc xét tuyển thẳng?
Mọi thông tin về tuyển sinh cần được giải đáp, thí sinh gửi về địa chỉ e.mail tuyensinh.dantri@gmail.com để nhận được câu trả lời trong thời gian sớm nhất.
Việc xét tuyển thẳng khi đó sẽ tuỳ theo sự linh hoạt của các trường. Bộ GD- ĐT không có quy định nào đối với những trường hợp cụ thể như vậy và giao cho các trường hoàn toàn được tự chủ trong việc xét tuyển căn cứ vào quy chế cứng của Bộ vừa ban hành. Tuy nhiên, đối với trường hợp HSG QG năm 2006 đã được ưu tiên tuyển thẳng, nhưng khi thí sinh “từ chối”quyền tuyển thẳng này để vẫn dự thi ĐH, CĐ thì sẽ phải tuân theo những quy định về việc xét tuyển thẳng của năm 2007. Trong trường hợp ngành mà thí sinh dự xét tuyển có ít chỉ tiêu như vậy thì việc xét tuyển thẳng có thể căn cứ vào kết quả thi ĐH, CĐ của thí sinh, thí sinh nào có kết quả cao hơn sẽ được ưu tiên hơn.
3. Mọi trường ĐH, CĐ đều ưu tiên đối với HSG QG?
Theo quy định của Bộ GD- ĐT áp dụng đối với thí sinh thuộc diện HSGQG vừa ban hành thì mọi trường ĐH, CĐ đều phải dành ưu tiên cho HSGQG. Tuy nhiên, mức độ ưu tiên thế nào sẽ do các trường tự quyết định giữa hai hình thức: hoặc tuyển thẳng đối với tất cả thí sinh thuộc diện HSGQG vào trường khi thí sinh đó có kết quả thi ĐH trên sàn và không có môn nào bị điểm 0, hoặc sẽ cộng điểm vào kết quả thi ĐH của thí sinh đó khi xét tuyển vào trường.
4. Mọi HSGQG năm 2007 có kết quả thi ĐH trên sàn và không có môn nào bị điểm 0 đều có cơ hội trúng tuyển vào ĐH?
Không phải tất cả những thí sinh nào là HSGQG có kết quả thi ĐH trên sàn và không có môn nào bị điểm 0 cũng đều sẽ trúng tuyển ĐH. Đối với những trường ĐH không xét tuyển thẳng mà chỉ cộng điểm cho thí sinh đạt giải quốc gia thì thí sinh là HSGQG phải có kết quả thi (sau khi đã được cộng thêm điểm) đạt điểm chuẩn của trường thì mới được trúng tuyển.
5. Thí sinh là HSGQG dự thi vào một trường ĐH, có kết quả thi trên sàn, không có môn nào bị điểm 0 liệu có được lấy kết quả này để xét tuyển thẳng vào một trường ĐH khác?
Việc có xét tuyển những trường hợp như vậy hay không cũng hoàn toàn phụ thuộc vào quy định của từng trường. Bộ không có quy định cứng áp dụng cho các trường. Hiệu trưởng mỗi trường ĐH sẽ tự đưa ra quyết định. Có một số trường sẽ chỉ thực hiện việc xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng đối với những thí sinh đã dự thi vào trường mình, đối với một số trường khác để hút nhân tài, họ sẵn sàng xét tuyến tất cả những thí sinh là HSGQG đã dự thi ở trường ĐH khác, đạt kết quả trên sàn, không có môn nào bị 0, miễn là thí sinh đó dự thi đúng khối thi của trường Chẳng hạn như ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM xét tuyển tất cả thí sinh là HSGQG đã dự thi khối A, có kết quả thi ĐH trên sàn và không có môn nào bị điểm 0.
6. Tất cả các ngành của mỗi trường ĐH đều sẽ ưu tiên xét tuyển thẳng đối với HSGQG?
Hầu hết các ngành của mỗi trường ĐH đều sẽ ưu tiên xét tuyển thẳng HSGQG. Thí sinh có thể đăng ký vào bất kỳ ngành mình thích trong trường ĐH mà mình đã nộp hồ sơ xét tuyển thẳng. Tuy nhiên, theo khuyến cáo hàng năm của Bộ GD- ĐT thì thí sinh cần đặc biệt cân nhắc khi lựa chọn vào một số ngành của một số trường ĐH có quá ít chỉ tiêu. Chẳng hạn như Học viện Quan hệ Quốc tế, ngành Bác sĩ đa khoa của các ĐH Y, ĐH Răng Hàm Mặt, Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Y Dược TP Hồ Chí Minh. Ngành Tiếng Pháp, Trường Đại học Ngoại thương. Ngành Sư phạm Văn, ngành Sư phạm Sử và Ngành Sư phạm Địa của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội…
7. Những trường ĐH nào có những yêu cầu đặc biệt với việc xét tuyển thẳng?
Đó là những ngành hoặc trường có yêu cầu sơ tuyển (các trường thuộc khối Quốc phòng, Công an) chỉ những người đạt yêu cầu sơ tuyển mới thuộc diện xem xét tuyển thẳng. Đối với các ngành và các trường năng khiếu (Kiến trúc, Mỹ thuật, Âm nhạc...) thí sinh thuộc diện tuyển thẳng, nếu đạt yêu cầu sơ tuyển, được miễn thi các môn văn hoá, nhưng phải dự thi các môn năng khiếu và phải đạt điểm năng khiếu do trường qui định mới thuộc diện trúng tuyển. Đối với các ngành và các trường Thể dục Thể thao, Hàng hải phải đạt yêu cầu qui định về tiêu chuẩn sức khoẻ, thể hình...
8. Hạn cuối cùng của hồ sơ tuyển thẳng? Thế nào là một bồ hồ sơ tuyển thẳng đầy đủ?
Hạn cuối cùng của việc nộp hồ sơ tuyển thẳng là trước ngày 18/6/2007.Một bộ hồ sơ được xem là hợp lệ cần có đủ 4 loại giấy tờ sau:
- Một túi đựng hồ sơ. Mặt trước của túi là phiếu đăng ký tuyển thẳng. Mặt sau in hướng dẫn ghi phiếu đăng ký tuyển thẳng.
-Trong túi đựng các giấy tờ: Giấy chứng nhận đạt giải quốc tế hoặc quốc gia (đối với học sinh đạt giải) do Sở Giáo dục và Đào tạo cấp căn cứ thông báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (nếu vào thời điểm đó đã có giấy chứng nhận đạt giải của Bộ thì nộp bản sao hợp lệ giấy chứng nhận này), giấy chứng nhận đạt giải hoặc huy chương, đẳng cấp vận động viên do Uỷ ban Thể dục thể thao hoặc Bộ Văn hoá cấp (đối với học sinh diện năng khiếu TDTT, nghệ thuật); hai phong bì đã dán tem ghi rõ địa chỉ liên lạc của thí sinh, hai ảnh chân dung cỡ 4 x 6.
- Giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT năm 2005.
- Bản sao hợp lệ học bạ lớp 12 để có cơ sở xem xét về học lực và hạnh kiểm.
9. Một bộ hồ sơ tuyển thẳng không được chấp nhận khi nào?
Một bộ hồ sơ tuyển thẳng không được chấp nhận trong trường hợp thiếu một trong bất kỳ loại giấy tờ trên. Cùng đó, khi khai hồ sơ, thí sinh phải tuyệt đối khai chính xác, đầy đủ và tuyệt đối không tẩy xoá tất cả 7 mục trong phiếu đăng ký tuyển thẳng.
10. Số lượng HSG quốc tế, HSGQG thuộc diện được ưu tiên hàng năm?
Năm 2004, số lượng HS được tuyển thẳng vào các trường ĐH, CĐ là 1590 thí sinh, năm 2005 là 1704 thí sinh, năm 2006 là 1923 thí sinh. Năm 2007 có 1635 thí sinh đạt giải HSGQG.
MM