“Giải cứu”... tiếng Việt

"Iem sẽ coo gắng hong n' chiẹn riengỳ" (em sẽ cố gắng không nói chuyện riêng). Với những câu viết như thế này khiến không ít giáo viên… “choáng váng” về “sự sáng tạo ngôn ngữ” của học trò hiện nay.

Không phải ngẫu nhiên mà khi gõ từ khóa “báo động tình trạng sử dụng sai tiếng Việt” trên trang tìm kiếm Google lại có đến 4,56 triệu kết quả. Điều đó cho thấy, tiếng Việt đang bị chính người Việt chúng ta làm cho "biến dạng", mà như phát biểu của nhiều học giả tại hội thảo về ngôn ngữ học toàn quốc diễn ra trong 2 ngày 26 và 27/11 tại Hà Nội, thì đã đến lúc cần có một bộ luật về ngôn ngữ để "giải cứu"... tiếng Việt.
 
“Giải cứu”... tiếng Việt  - 1

Nhiều bạn trẻ đang rất "chuộng" tiếng lóng để trò chuyện cùng nhau. (Ảnh chỉ có tính chất minh họa - nguồn: giadinh.net)

 

“Đọc hiểu được, chết liền”

 

“Tôi cảm thấy choáng váng thực sự trước sự sáng tạo về ngôn ngữ của học trò. Chưa bàn đến chuyện cú pháp thì tình trạng các em viết sai chính tả, tự "sáng tạo" ra những kiểu chữ, câu văn... mà chính chúng tôi luận mãi cũng mới hiểu” - cô Đỗ Thị Cúc, giáo viên Trường THPT Trưng Vương (Hưng Yên) đã thốt lên như vậy trước tình trạng tiếng Việt trong trường học đang bị xuống cấp. Cô Cúc kể, nhiều học sinh còn không biết viết bản kiểm điểm, thậm chí có em còn viết: "iem sẽ coo gắng hong n' chiẹn riengỳ" (em sẽ cố gắng không nói chuyện riêng).

 

Không chỉ trong trường học mà dễ dàng bắt gặp ở mọi nơi tình trạng xuống cấp trong sử dụng tiếng Việt. "Người ta quên mất điều cơ bản rằng tiếng Việt dùng để trao đổi giữa người dân Việt với nhau chứ đâu phải với người ngoại quốc. Nhiều gia đình con chưa vào lớp 1 nhưng nhất nhất cho con học ngoại ngữ và các trung tâm mở ra khắp nơi mà không thấy ai có ý kiến", nhà nghiên cứu Ka Sô Liễng cho biết.

  

Theo PGS-TS Nguyễn Công Đức (ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM) thì hiện tại đang có một thể loại ngôn ngữ tạm gọi là "tiếng Việt trên mạng" lan tràn vào cuộc sống, làm thay đổi tiếng Việt. "Có đến 6 loại biến thể của tiếng Việt trên mạng là: thay đổi dấu, dấu thanh; viết tắt và rút gọn; thay thế và biến đổi; dùng từ tiếng Anh để dịch từng từ một sang tiếng Việt; sử dụng các yếu tố ngoại lai và sửa chính tả", TS Đức cho biết.

 

Cần không bộ luật về ngôn ngữ?

 

Cố GS Nguyễn Văn Chiển từng cho biết, sở dĩ nước ta có thể dạy bằng tiếng Việt ở bậc đại học ngay sau cách mạng là do công lao của GS Nguyễn Xiển, năm 1942 đã sáng lập tờ báo Khoa học và GS Hoàng Xuân Hãn biên soạn cuốn danh từ khoa học đầu tiên. Việc dạy học từ cấp phổ thông đến đại học bằng chữ quốc ngữ được duy trì trong suốt những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Khi hòa bình lập lại, để đưa việc giảng dạy vào nền nếp, các nhà khoa học đầu ngành đã chủ trì việc xây dựng các từ điển khoa học chuyên ngành, sau đó hàng loạt từ điển đối chiếu Nga - Việt, Anh - Việt về tất cả môn khoa học cơ bản được ra đời vào những năm 60 của thế kỷ trước. Trong thời gian đó, Ủy ban Khoa học - Kỹ thuật Nhà nước có hẳn một tổ chuyên lo về các thuật ngữ khoa học theo ba phương châm dân tộc, khoa học và đại chúng. Trong những năm 90 của thế kỷ trước, nhiều học giả và nhà báo đồng loạt lên tiếng đề nghị Nhà nước sớm có một đạo luật về tiếng Việt.

 

PGS-TS Nguyễn Công Đức cho rằng, nếu chính sách ngôn ngữ thiếu hợp lý và thống nhất rất dễ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Do đó, các cơ quan quản lý văn hóa cần có yêu cầu và quy định rõ ràng về chuẩn tiếng Việt đối với các ấn phẩm, đối với hình thức của nội dung tiếng Việt đăng tải trên báo điện tử, trang tin của các cơ quan, đoàn thể. Riêng các phương tiện thông tin đại chúng cần phải có ý thức hơn trong việc tuyên truyền hạn chế sử dụng tiếng Việt trên mạng trong những môi trường không phù hợp.

 

Trong khi đó, GS-TS Nguyễn Đức Tồn, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học cho rằng: Ngôn ngữ là một trong những yếu tố quan trọng nhất của ý thức giác ngộ dân tộc, là phương tiện thống nhất dân tộc. Do đó, ông đề nghị Nhà nước cần sớm nghiên cứu xây dựng ngay bộ luật về ngôn ngữ, trong đó quy định rõ vị thế của mỗi ngôn ngữ trong hệ thống giao tiếp của cộng đồng người Việt Nam.

 

Tiếng Việt cũng như các ngôn ngữ khác trên thế giới đều phát triển không ngừng. Nhưng sự phát triển không có nghĩa là để cho nó tự phát, lệch lạc. Điều đó ắt dẫn đến đòi hỏi một cuộc "giải cứu" tiếng Việt....

 
 
Theo Hà Nội Mới