Giấc mơ con chữ vạn chài
(Dân trí) - “Dân vạn chài không đẻ “vô tội vạ” như trước nữa, mỗi nhà chỉ 2 - 3 đứa thôi. Để còn nuôi con ăn học chứ, thế mới mong thoát khỏi “lời nguyền của dòng sông” được”, ông Thông mở đầu câu chuyện về cái sự học của làng chài mình như thế.
Để có tiền cho con theo học cái chữ, cha mẹ phải ngược xuôi nay neo thuyền khúc sông này. Nhà có điều kiện thì sắm cái thuyền làm nghề vận tải cát sỏi, nhà ít tiền thì mưu sinh bằng con cá, con tôm. Cả mấy thế hệ nổi trôi theo sự lên xuống của dòng nước sông Lam. “Khi còn nhỏ thì cha mẹ, con cái trú cả trên thuyền. Đến tuổi đi học thì liều dựng lều trên bờ cho con ở hoặc gửi vào nhà ông bà, người thân trên bờ cho con đi học”, chị Trần Thị Linh - một người dân làng chài cho biết.
Khó khăn trăm bề, không đủ điều kiện như những đứa trẻ trong đê, vào mùa lũ thì lội nước, chèo thuyền đi học nhưng mấy năm nay không có trẻ con làng chài nào bỏ học giữa chừng. “Người dân chài bây giờ nghĩ khác ngày xưa rồi. Nói dân vạn chài đẻ “vô tội vạ” là không đúng mô. Mỗi nhà chỉ có 2-3 đứa con thôi. Để còn nuôi chúng học nữa chứ. Có học, mới thoát khỏi cái cảnh lênh đênh, mới mong được lên bờ, mới thoát được cái lời nguyền “sống không đất ở, chết không chỗ chôn” ám ảnh dân chài mấy thế kỷ qua”, ông Lưu Văn Thông - xóm trưởng xóm 16 nói về cái sự học của làng chài mình như thế.
Làng chài Nghĩa Sơn nằm tách biệt với khu dân cư. Muốn vào xã phải học, các em phải vượt qua một cánh đồng rộng, vượt qua đê Tả Lam để đến trường. Ngày thường không sao, nhưng đến mùa lũ (tháng 7 - 8 âm lịch) thì quãng đường đó là điều ám ảnh của không chỉ học sinh và cả các phụ huynh. Lũ lên, nước ngập mênh mông, cả xóm trưng dụng 3 - 4 chiếc thuyền chở các cháu vào trong đê. Nước rút xuống, thuyền không đi được thì phải cõng từng đứa.
Ông xóm trưởng giở cuốn sổ tay ghi chép ra và khoe, cả xóm 100% trẻ trong độ tuổi được đến trường, số học sinh bỏ học giữa chừng ngày càng ít. Con cái trong làng cũng cố gắng học hết THPT rồi thi ĐH, CĐ để mong cơ hội đổi đời. “Đại học thì chưa có nhưng làng chài này đã có đến 5 sinh viên CĐ rồi đấy”, ông Thông tự hào nói.
Những chiếc thuyền cũ kỹ, rách nát của người dân chài xóm Vận tải (xã Võ Liệt, Thanh Chương, Nghệ An) túm tụm dưới chân cầu Rộ. Buộc chiếc thuyền cho chắc chắn kẻo bị nước đẩy trôi ra xa chân cầu, bà Nguyễn Thị Hà (60 tuổi) chép miệng: “Không đất đai, không nghề ngỗng, mấy đứa con tui dắt díu nhau vào Nam làm công nhân cả rồi, gửi lại cho tui 3 đứa cháu nội ở đây để chúng nó còn đi học”.
3 đứa cháu của bà, đứa lớn học lớp 4, nhỏ năm nay vào lớp 1. Ngày hai buổi chúng dắt nhau lên bờ đi học. Tiền học phí bố mẹ chắt góp gửi về, còn quần áo, sách vở thì xin của các anh chị trên bờ. 4 bà cháu trú ngụ trong cái lều cũ rích rách tả tơi này. Mấy cuốn sách, cuốn vở được tống hết vào chiếc ba lô treo nơi vách để phòng nước tràn vào thuyền bị ướt. Đến chiếc bàn cũng không có, mấy đứa nhỏ cứ gò lưng xuống lòng thuyền mà tập viết. Con thuyền chòng chành, chữ viết cũng chòng chành… Chỉ có hơn một nửa số trẻ em làng chài nơi đây theo học được hết bậc THPT, còn lại bỏ ngang giữa chừng tìm đường vào Nam kiếm sống.
Không được như trẻ em vạn chài Nghĩa Sơn (Hưng Long, Hưng Nguyên), phần nhiều học sinh vạn chài Đặng Sơn (Đô Lương) phải bỏ học giữa chừng vì bố mẹ không có tiền đóng học cho con. Anh Nguyễn Đình In có 7 đứa con nhưng hiện tại chỉ có duy nhất Nguyễn Đình Ngọc (SN 2000) được đến trường. Các anh chị của Ngọc đều phải bỏ học từ rất sớm, ai gắng gượng lắm cũng chỉ mới học hết lớp 3.
Anh In tâm sự: “Không tấc đất cắm dùi, cuộc sống khó khăn khi tôm cá cạn kiệt, việc vận tải cát sạn trên sông giờ đã có những thuyền máy lớn, có băng tời, máy múc... Chạy ăn từng bữa đã bở hơi tai. Hai vợ chồng quần quật từ sáng tới tối mà mỗi tháng cũng chỉ kiếm được hơn 1 triệu bạc, tâm trí mô mà lo cho con học. Thôi thì đành mang tội với con. Cho chúng nghỉ học sớm, phụ mình bắt con tôm con cá mà sống cho qua ngày”.
Biết rằng sự học là cần lắm, là cái cứu cánh duy nhất để mong con cái có cơ hội được đổi đời, không phải sống cái kiếp lênh đênh như cha mẹ nhưng nghèo quá, không đủ sức xoay xở, người dân làng chài đành gạt nước mắt bắt con nghỉ học. Những em may mắn được tiếp tục đến trường luôn phải sống trong cảnh phấp phỏng có thể bị nghỉ học bất cứ lúc nào. Em Hoàng Thế Anh, học sinh lớp 8 cho biết: “Các chị trước em đã nghỉ học khi mới hết cấp 1. Em là con trai nên được ưu tiên học lên cấp 2. Em muốn được học lên cấp 3, được học đại học để sau này có công việc ổn định nhưng hiện giờ hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chưa biết sẽ phải nghỉ học lúc nào...”.
Dòng sông Lam vẫn lững lờ trôi, những con thuyền như phận dân chài dập dềnh theo con nước. Ước mơ con chữ vẫn sáng như những ánh đèn điện nổi bật giữa khoảng mênh mông sông nước lúc màn đêm ập xuống. Những đứa trẻ vạn chài vẫn gò lưng trên những mảnh chiếu trong lòng thuyền giữa những tiếng thở dài rất khẽ của cha mẹ và những người anh chị kém may mắn hơn.
Hoàng Lam