Giã từ “thủ lĩnh” 3 chung
(Dân trí) - Năm 2009, kỳ thi tốt nghiệp kiểu “truyền thống” đồng thời khép lại cùng cải cách tuyển sinh 3 chung, đó cũng là lúc mà Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long nói lời từ biệt sau 7 năm ròng rã rong ruổi trong nắng bỏng mùa hè trên các nẻo đường thi...
Học sinh THPT trong gần một thập kỷ qua, hẳn là chỉ có rất ít em không biết đến “bác Long”, dù có thể chưa từng gặp mặt, vì bác Long gần như là một người bạn, người Thầy với nhiều lời khuyên ân cần nhất vào mỗi mùa thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH.
Lăn lộn cùng thí sinh trong mưa nắng chốn trường thi, giữ cương vị Trưởng ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH trong suốt 7 năm qua, có lẽ không một ai hiểu tâm trạng, nỗi niềm của thí sinh hơn ông.
“Điều mà tôi quan tâm nhất là các em đã biết chọn trường vừa sức chưa”; “Các em đừng quan tâm tới tỷ lệ chọi”; “Đừng học tủ học lệch, đề thi sẽ không có chỗ dành cho những kiến thức học tỷ, học lệch đâu các em”; “Đừng mất thời gian trong các lò luyện thi”; “Hãy luôn nghiêm túc và đừng khi nào nghĩ tới chuyện gian lận trong khi thi”… Năm nào cũng như năm nào, vào mỗi mùa thi, Thứ trưởng Long cũng luôn dành thời gian để “kêu gọi” thí sinh như vậy. Gắn bó cũng các em, ông cũng có không ít những kỷ niệm buồn vui cùng các em.
Ngay sau khi nhận được lá thư này, Thứ trưởng Long đã chuyển ngay cho Vụ ĐH và Trung tâm Tin học (giờ là Cục Công nghệ thông tin) yêu cầu cần có những phản hồi về những nội dung trong thư. Dù đó chỉ là một lá thư của một cô bé con nhưng ông cũng vẫn rất trân trọng và coi đó là một cơ hội được trực tiếp lắng nghe tâm tư, kiến nghị từ thí sinh và cảm ơn em đã tin tưởng, gửi gắm những đánh giá và mạnh dạn đề xuất ý kiến góp phần cải tiến công tác tuyển sinh ĐH, CĐ.
Lá thư không có địa chỉ rõ ràng, ông đành gửi lời qua dư luận để tới em. Hàng trăm nghìn học sinh THPT khi đó đã rất xúc động khi đọc được những dòng này của ông trên báo: “Không chỉ với tư cách là mộtTthứ trưởng Bộ GD-ĐT mà còn với tư cách một người thầy, tôi rất mong em sẽ tiếp tục vững bước trên con đường đời, đừng vì thiểu số một vài cá nhân, một vài hành động tiêu cực mà mất đi niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống, vào những người xung quanh. Đồng thời cũng mong muốn em luôn giữ được sự thẳng thắn, dám lên án, đấu tranh với những tiêu cực trong cuộc sống, học tập, trong công việc...”
Một năm sau đó, chế độ cộng điểm thưởng ĐH, CĐ đã được bãi bỏ, “cởi” sự ấm ức cho hàng triệu thí sinh trong các kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ.
Dư luận từng sôi sục vì các nguyện vọng 2, 3 trong thì tuyển sinh, từng nín thở vì các mức điểm sàn, điểm chuẩn… Nhưng rồi cuối cùng đều thở phào vì tất cả cải cách 3 chung đều đi vào trật tự, các kỳ thi nóng nhất này ngày càng đi vào quỹ đạo ổn định và tiệm cận hơn với sự an toàn, nghiêm túc và công bằng.
Năm 2009, kỳ thi cuối cùng của 3 chung. Sứ mạng đáng nhớ trong “lịch sử” tuyển sinh của ngành giáo dục kết thúc để chuyển sang một thời kỳ mới sau gần một thập kỷ hình thành, phát triển và thành công. Đó cũng là lúc dư luận và thí sinh phải nói lời giã biệt với “thủ lĩnh” 3 chung.
Điềm tĩnh, nhẹ nhàng nhưng sát sao đến từng những “góc tối” nhất của các kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh. Vào mỗi mùa thi, người ta thường thấy Thứ trưởng Long chiều tối hôm trước còn ở Cần Thơ, Đồng Tháp, sáng hôm sau đã thị sát thi ở Thanh Hoá, Nghệ An… “Thủ lĩnh” 3 chung dường như luôn có những đêm không ngủ cùng thí sinh.
Dạo quanh phòng thi, công việc quen thuộc của Thứ trưởng Long trong trong suốt 7 năm qua
Trìu mến nhìn thí sinh qua khung của phòng thi là hình ảnh thường thấy ở "Thủ lĩnh" 3 chung
Kiểm tra số lượng thí sinh dự thi, một trong những mối quan tâm hàng đầu của Thứ trưởng Long
Thứ trưởng dặn dò một số công việc với Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Thị Ngô Minh trước khi rời Cần Thơ.