Gia nhập WTO - giáo dục sẽ phải cạnh tranh

(Dân trí) - Trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, vận hội mới đang mở ra cho Việt Nam. Bên cạnh những thuận lợi mới, các ngành kinh tế, thương mại, công nghiệp, nông nghiệp, giáo dục… cũng sẽ gặp nhiều thách thức mới.

PV Dân trí đã có cuộc trao đổi ngắn với bà Jean Krasocki - Tổng Giám đốc Điều hành khối 11 trường đại học Bắc Anh (NCUK).

 

Việt Nam đã gia nhập WTO. Bên cạnh những thuận lợi mà WTO mang lại, tất cả các ngành, trong đó có giáo dục, sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Là một chuyên gia giáo dục của Anh quốc, bà thấy giáo dục Việt Nam sẽ phải vượt qua những trở ngại gì?

 

WTO sẽ mở ra nhiều cơ hội tốt cho giới trẻ Việt Nam. Tất cả những kiến thức sẽ được đào luyện trong một môi trường mở, nghĩa là khi cánh cửa WTO mở ra đối với nền kinh tế thì lượng kiến thức và học vấn của giới trẻ khi đó cũng cần phải được nâng lên ngang tầm với yêu cầu chung của quốc tế thì mới có thể hòa nhập được. Như vậy, nhu cầu về những khóa học chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của môi trường thương mại sẽ tăng lên rất nhiều. Và khi môi trường mở ra sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn đối với sinh viên.

 

Nhưng “cửa mở” sẽ xảy ra sự cạnh tranh lớn về các khóa học chất lượng cao, môi trường học và phương pháp giáo dục đối với các đơn vị hoạt động trong ngành hoặc liên quan đến giáo dục.

 

Bên cạnh đó, sinh viên Việt Nam cũng gặp phải thách thức: cạnh tranh giữa các sinh viên với nhau. Điều này buộc các sinh viên phải luôn bổ sung kiến thức mới, tích lũy kinh nghiệm thực tế, tự đánh giá bản thân và tìm cho mình một hướng học tập, nghiên cứu đúng đắn.

 

Theo bà, trong thời gian tới, những ngành học nào sẽ là thế mạnh ở Việt Nam?

 

Theo nhìn nhận của cá nhân tôi, với kinh nghiệm của Trung Quốc khi gia nhập WTO, những ngành học phát triển mạnh và đang hấp dẫn sinh viên là Quan hệ Quốc tế, Kinh tế, Thương mại… Còn đối với Việt Nam, ngoài những ngành học này, các bạn cần nghiên cứu và đối chiếu với thực tiễn để rút ra những chuyên ngành nào phù hợp với nhu cầu xã hội.

 

Việt Nam đang dự kiến xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế. Hai phương án được đặt ra là xây mới và nâng cấp dựa trên nền tảng đã có sẵn. Theo bà phương án nào là hướng đi đúng?

 

Theo tôi, nếu ta nâng cấp dựa trên nền tảng đã có sẵn thì sẽ tận dụng được nhiều kết quả tốt của những năm trước. Còn phương án xây mới cũng sẽ đem lại những thuận lợi khác. Nhưng không thể đánh giá phương án nào là đúng nhất mà chỉ có thể nói rằng ngành giáo dục Việt Nam cần nhìn lại nội lực của mình để chọn ra một phương án phù hợp nhất.

 

Xin cảm ơn bà!

 

Trí Kiên
(Thực hiện)