Thanh Hóa:

Gặp đôi bạn thân giành giải đặc biệt của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ

(Dân trí) - Học chuyên Tin và chuyên Anh nhưng đôi bạn thân Trường THPT Chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa) lại rất đam mê nghiên cứu khoa học. Hai em đã vinh dự giành giải đặc biệt của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ trong hội thi Khoa học và Kỹ thuật Quốc tế Intel ISEF 2015 tại Hoa Kỳ.

Đó là Trần Minh Hiếu và Lê Hoàng Nhất, cùng là học sinh lớp 12, Trường THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa). Hai em đã được Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ trao giải đặc biệt với đề tài “Nghiên cứu tác dụng của insulin qua đường nhỏ mũi đến trí nhớ không gian và khả năng điều chỉnh nhận thức ở chuột”.

Gần 1 năm chinh phục đam mê

Hiếu và Nhất là đôi bạn vốn học và chơi thân với nhau từ nhỏ. Với niềm đam mê nghiên cứu khoa học lại được sự ủng hộ của bố mẹ cùng với sự vun đắp ý tưởng sáng tạo từ cô giáo dạy môn Sinh học Trịnh Thị Lan Anh, hai em quyết tâm theo đuổi thực hiện đề tài liên quan đến y học: “Nghiên cứu tác dụng của Insulin qua đường nhỏ mũi đến trí nhớ không gian và khả năng điều chỉnh nhận thức ở chuột”.

Để thực hiện đề tài này, Hiếu và Nhất đã phải bỏ công sức ra thực hiện đề tài suốt gần 1 năm trời. Từ tháng 6/2014 đến tháng 3/2015, hai em luôn miệt mài thực hiện niềm đam mê.

Điều đáng nói, Hiếu là học sinh chuyên Tin còn Nhất là học sinh chuyên Anh. Thế nhưng, cả hai lại quyết tâm theo đuổi đề tài y học này. Nhất cho biết: “Ban đầu, em không có ý định sẽ tham dự hội thi ISEF mà chỉ muốn tiếp tục chinh phục “đấu trường” cấp quốc gia ở môn tiếng Anh - môn học thế mạnh mà em yêu thích. Tuy nhiên, em cũng rất hào hứng với nghiên cứu khoa học, em muốn được trải nghiệm, khám phá những điều mới lạ nên khi được bạn Hiếu đề xuất, em đã quyết định cùng tham gia nghiên cứu”.  

Khác với Nhất, Hiếu được thừa hưởng từ bố niềm đam mê y học (bố Hiếu hiện là bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa - PV). Hiếu chia sẻ: “Trong xã hội hiện đại, các bệnh suy giảm trí nhớ ngày càng gia tăng và đã trở thành một trong những gánh nặng kinh tế, xã hội và y tế. Gần đây, một số nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy tác dụng của insulin trong việc hình thành trí nhớ. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào đề cập đến tác dụng của insulin trong việc xóa bỏ trí nhớ không gian cũ, hình thành trí nhớ không gian mới và điều chỉnh nhận thức khi môi trường thay đổi. Vì vậy, chúng em đã chọn đề tài này với mong muốn góp một phần nhỏ vào việc tìm phương pháp phòng và chữa các bệnh về suy giảm trí nhớ vốn đang rất phổ biến ở con người”.

 

Hiếu (
Hiếu (bên trái) và Nhất là đôi bạn thân từ nhỏ và đều có đam mê nghiên cứu khoa học.

 

Trong quá trình thực hiện đề tài, kiến thức, vốn hiểu biết, kinh nghiệm của mỗi thành viên có vai trò tương hỗ, bổ trợ nhau trong hoạt động nghiên cứu khoa học ứng dụng. Hiếu là người trực tiếp thực hiện các thí nghiệm, còn Nhất là người chịu trách nhiệm chính trong việc dịch các tài liệu liên quan, trình bày kết quả nghiên cứu.

Vì hai em là học sinh chuyên Tin và chuyên Anh nên việc thực hiện một đề tài liên quan đến y khoa cũng không hề đơn giản. Dịch các tài liệu, viết báo cáo và thuyết trình bằng tiếng Anh chuyên ngành đã khiến các em phải đối mặt với rất nhiều khó khăn bởi nó chiếm một lượng thời gian rất lớn. Bên cạnh đó, việc tiếp xúc với các thiết bị hiện tại còn nhiều hạn chế, vấn đề nghiên cứu khoa học ở bậc phổ thông còn khá mới lạ và chưa được đầu tư nhiều

Thế nhưng, với sự hướng dẫn nhiệt tình của cô Lan Anh và cố vấn khoa học, Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Minh Núi (Học viện Quân y) và đặc biệt là được Trung tâm kiểm nghiệm thuộc Sở Y tế Thanh Hóa tạo điều kiện về trang thiết bị, dụng cụ, phòng thí nghiệm phục vụ hoạt động nghiên cứu, Hiếu và Nhất vượt qua những khó khăn để có thể hoàn thành đề tài nghiên cứu của mình.

Sử dụng Insulin phòng, điều trị suy giảm trí nhớ

Đề tài được Hiếu và Nhất triển khai thí nghiệm nhỏ Insulin qua mũi các con chuột bạch và nhỏ nước muối sinh lý qua mũi nhóm chuột bạch khác làm đối chứng.

Nhóm nghiên cứu thả chuột bơi trong mê lộ nước để chúng vượt qua vùng nước sâu tới đảo và tìm đảo khi di chuyển đảo tới vị trí khác; sử dụng máy đo đường huyết, máy tính cài phần mềm có khả năng ghi hình, đo thời gian, quãng đường bơi zích zắc một cách chính xác để so sánh.

Kết quả cho thấy chuột nhỏ Insulin có thời gian bơi, quãng đường bơi đến đảo ngắn hơn so với chuột đối chứng. Khi hòn đảo bị dỡ bỏ, nhóm chuột nhỏ Insulin ở lại vị trí đảo cũ ngắn hơn và tìm ra hòn đảo ở vị trí mới nhanh hơn so với nhóm chuột đối chứng. Kết quả kiểm tra nồng độ đường trong máu ngoại vi cho thấy nhỏ Insulin qua đường mũi không ảnh hưởng đến đường huyết. Hơn nữa, khi nhỏ qua đường mũi,Insulin có thể được vận chuyển trực tiếp đến não, không cần đến biện pháp xâm nhập nghiêm trọng. Theo đó, Insulin có tác dụng hình thành trí nhớ không gian nhanh hơn, tăng khả năng xóa bỏ trí nhớ không gian cũ, thúc đẩy hình thành trí nhớ không gian mới, giúp điều chỉnh nhận thức, khả năng thích nghi khi môi trường thay đổi.

 

Hiếu (
Sự cố gắng của cô và trò đã khiến đề tài nghiên cứu khoa học về lĩnh vực y học của các em thành công.

 

Tại vòng chung kết Hội thi Khoa học và Kỹ thuật Quốc tế Intel ISEF 2015, các thành viên trong hội đồng giám khảo và chuyên gia đánh giá: Kết quả nghiên cứu trí nhớ không gian qua thực hiện đề tài của hai học sinh Trường THPT chuyên Lam Sơn cho nhận thức mới: Insulin có tác dụng đến việc xóa bỏ trí nhớ không gian cũ-cơ sở để hình thành trí nhớ không gian mới, giúp động vật điều chỉnh nhận thức, thích ứng nhanh hơn khi môi trường sống thay đổi.

Đưa Insulin qua mũi dễ thực hiện, có hiệu quả cao mà không ảnh hưởng đến đường huyết.  Điểm sáng của đề tài là thiết lập quy trình nghiên cứu mới đánh giá được tác dụng của Insulin đến trí nhớ không gian, tìm ra được con đường mới đưa Insulin vào não nhanh chóng, đơn giản, dễ làm. Kết quả nghiên cứu bổ sung những hiểu biết về tác dụng của Insulin trong việc hình thành trí nhớ không gian; tạo cơ sở khoa học và mở ra hướng đi mới, biện pháp đơn giản cho việc sử dụng Insulin trong điều trị các bệnh liên quan đến trí nhớ, phòng, chống bệnh suy giảm trí nhớ hiện có xu hướng gia tăng ở con người.

“Quy chế hội thi cho phép được nhờ cố vấn khoa học nhưng ngay khi xem tài liệu do Nhất dịch, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Núi đã khâm phục vốn tiếng Anh của các thành viên tham gia thực hiện đề tài, đặc biệt phương pháp mới cùng tính thực tiễn trong nghiên cứu tính năng của Insulin” - gô giáo Trịnh Thị Lan Anh, giáo viên bộ môn Sinh học- người hướng dẫn đề tài cho Hiếu và Nhất chia sẻ.

Nhờ đạt giải trong hội thi Khoa học và Kỹ thuật Quốc tế Intel ISEF năm 2015, hai em được tuyển thẳng vào đại học. Ước mơ của Nhất là học ngành Kinh tế, còn Hiếu cho biết sẽ học ngành Y và tiếp tục nghiên cứu khoa học.

Bình Minh
 
 

Tân sinh viên không tay truyền cảm hứng cho giới trẻ