Dạy ngoại ngữ ở bậc tiểu học:

Gần chục năm, vẫn như lúc khởi đầu!

Năm 1996, tiếng Anh bắt đầu được đưa vào chương trình thử nghiệm từ lớp 3 đến lớp 5 với tư cách là một môn học tự chọn. Nay đã gần 10 năm trôi qua, nhưng việc giảng dạy môn tiếng Anh ở bậc tiểu học vẫn chưa ổn.

Chất lượng dạy môn tiếng Anh ở bậc phổ thông từ lâu đã là một vấn đề được dư luận hết sức quan tâm và hầu như không mấy ai cảm thấy hài lòng về kết quả học tập của học sinh ở môn này.

 

Có khá nhiều nguyên nhân và "người dạy" là một trong số đó. Thực trạng đội ngũ giáo viên môn tiếng Anh ở bậc tiểu học thật sự còn nhiều bất cập. Điều bất cập lớn nhất là biên chế dành cho giáo viên tiếng Anh tiểu học hầu như không có.

 

Ông  Trịnh Quốc Thái, Vụ trưởng Vụ Tiểu học (Bộ GD-ĐT) cho biết: trên thực tế có tỉnh chỉ trả lương cho giáo viên dạy tiếng Anh 110 nghìn đồng/tháng: Với mức lương này không thể đòi hỏi người giáo viên chuyên tâm vào giảng dạy. Chính vì những điều kiện hạn hẹp, nhiều trường không thể tuyển chọn được giáo viên có chất lượng chuyên môn cao cũng như phương pháp sư phạm tốt được đào tạo bài bản.

 

Hiện tại, các trường huy động số giáo viên dạy tiếng Anh ở bậc tiểu học qua nhiều nguồn khác nhau như: hệ đại học, cao đẳng, trung tâm ngoại ngữ... Vì vậy, chất lượng chuyên môn khá chênh lệch. Nhưng đáng buồn hơn cả là phương pháp sư phạm - điều vô cùng quan trọng đối với bậc học đầu tiên thường không đạt yêu cầu.

 

Môn tiếng Anh ở bậc tiểu học hiện đang được Bộ GD-ĐT xác định là một môn học tự chọn với thời lượng 2 tiết/tuần. Vì là môn tự chọn nên phụ huynh học sinh phải đóng góp tài chính. Vì thế, ở bậc học này, môn tiếng Anh đang phát triển một cách thiếu hệ thống, thiếu đồng bộ. Những nơi được sự ủng hộ của phụ huynh thì “phong trào" học tiếng Anh phát triển mạnh. Nhưng cũng có những nơi phụ huynh học sinh không đồng tình, thậm chí còn phản đối kịch liệt.

 

Là một thầy giáo có nhiều năm giảng dạy bộ môn Ngoại ngữ, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Bình (Đại học Ngoại ngữ, Đai học Quốc gia Hà Nội) khẳng định: dạy cho trẻ làm quen và tiếp cận với ngoại ngữ càng sớm càng tốt, điều này hoàn toàn phù hợp và thuận lợi cho quá trình học của trẻ. Cũng theo ông Bình, sẽ không hề quá tải nếu chúng ta biên soạn tốt một chương trình "khung" vừa sức của trẻ và tổ chức việc dạy và học thật hiệu quả.

 

Trên thực tế hiện nay, nhiều trường mới chỉ dạy ngoại ngữ như một môn học bình thường trong chương trình ở mọi cấp, bậc học mà không định hướng cho việc học ngoại ngữ như một phương tiện để học sinh có thể sử dụng trong học tập và làm việc sau khi rời ghế nhà trường. Học sinh đã học tiếng Anh ở tiểu học, lên bậc THCS lại học lại từ đầu, thậm chí có nơi lên bậc PTTH cũng dạy trình độ tiếng Anh từ sơ khai. Sự trùng lặp này không làm cho khả năng tiếng Anh của các em tốt lên mà trái lại  còn phi sự phạm và gây lãng phí lớn.

  

Kết quả một cuộc điều tra gần đây được công bố tại Hội nghị quốc tế về Giáo dục Việt Nam - Hội nhập và thách thức do Viện Chiến lược và chương trình giáo dục tổ chức đã xếp trình độ tiếng Anh của học sinh Việt Nam đứng thấp nhất trong số các nước cùng khối ASEAN. Quan điểm chỉ đạo chưa thống nhất và cách giảng dạy tiếng Anh trong các trường học hiện nay cũng khiến cho chất lượng môn học này không cao. Cũng thời lượng học tương đương, nhưng do có bước đi thích hợp và sự kế tiếp chương trình trong tất cả các cấp học nên khả năng tiếng Anh của học sinh: Thái-lan, Singapore... giỏi hơn học sinh nước ta rất nhiều.

 

Mới đây, trong buổi tọa đàm "Nghiên cứu đề xuất những giải pháp hiện đại hóa nền giáo dục Việt Nam", Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc đã đưa ra ý kiến nên bắt đầu cuộc "cách mạng" giáo dục bằng cách đưa tiếng Anh vào giảng dạy ở bậc tiểu học. Ông Phúc cho rằng: nếu làm được như vậy thì 10 năm nữa chúng ta mới có cơ may có được một thế hệ thực sự  tiếp cận được với thế giới.

 

Nhận xét về thức trạng của việc dạy và học ngoại ngữ ở nước ta hiện nay, nhiều nhà chuyên môn cho rằng  cần một định hướng cụ thể  cho phù hợp với quá trình hội  nhập của đất nước để nhanh chóng đổi mới quan niệm, cải thiện trình độ ngoại ngữ cho lớp trẻ. Cần có những quy chế động viên, khuyến khích nhằm bảo đảm công việc, đời sống cho đội ngũ giáo viên ngoại ngữ có trình độ chuyên môn cao. Nếu không làm tốt được điều này, chịu thiệt thòi nhất sẽ là thế hệ mai sau bởi  ngoại ngữ là một yêu cầu không thể thiếu đối với những chủ nhân tương lai của đất nước.

 

 

Theo Tin tức