Gần 80 tuổi vẫn say mê công tác khuyến học

(Dân trí) - Năm nay đã 78 tuổi nhưng hàng ngày ông Nguyễn Đức Dục vẫn đạp xe đi khắp đường làng ngõ xóm để “làm” khuyến học. Với ông, công tác khuyến học giờ đã ngấm vào máu thịt và là công việc không thể thiếu mỗi ngày dù tuổi đã cao, sức đã yếu.

Chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Đức Dục (SN 1937) không khó bởi ở xã Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) không ai là không biết “ông khuyến học” này. Ông quê gốc ở huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, vốn là một thầy giáo. Năm 1994, ông về nghỉ hưu và sinh sống ở quê vợ. Sở dĩ, ông Dục được nhiều người biết đến bởi 15 năm qua, ông gắn trọn cuộc sống của mình với phong trào khuyến học địa phương.

Ông Nguyễn Đức Dục - Chủ tịch Hội khuyến học xã Ninh Mỹ, Hoa Lư, Ninh Bình

Ông Nguyễn Đức Dục - Chủ tịch Hội khuyến học xã Ninh Mỹ, Hoa Lư, Ninh Bình.

Năm 2000, Hội Khuyến học xã Ninh Mỹ thành lập, ông là một trong những người đầu tiên tham gia công tác hội. Đến năm 2005, ông được bầu làm Chủ tịch Hội và làm công việc này cho đến nay. Người dân xã Ninh Mỹ quen gọi ông với cái tên trìu mến là “ông Dục khuyến học”. Còn Hội khuyến học cấp trên thường gọi ông là “ông sáng kiến” bởi ông Dục luôn nghĩ, đưa ra những cách làm hay và hiệu quả trong công tác khuyến học.

Ông Dục chia sẻ: “Là một trong những xã thuộc cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) nhưng Ninh Mỹ lại không có truyền thống khoa bảng. Đổi lại, người dân nơi đây có truyền thống hiếu học và luôn đặt việc học lên hàng đầu. Mọi nhà, mọi người đều quan tâm đến việc học tập của con em mình. Chính điều này là tiền đề tạo thuận lợi cho công tác khuyến học của địa phương”.

Nhiều năm qua, với sự cống hiến nhiệt tình và tâm huyết của ông Dục, Hội Khuyến học xã Ninh Mỹ đã đạt được nhiều thành quả cao, luôn là địa phương đi đầu trong công tác khuyến học, khuyến tài của tỉnh Ninh Bình. Đặc biệt, nhờ sự “chèo lái” của ông mà Hội Khuyến học Ninh Mỹ đã đạt được nhiều giải thưởng cao quý, trong đó có “Giải thưởng khuyến học Việt Nam”, nhiều lần được Trung ương Hội tặng bằng khen cờ thi đua xuất sắc, được Trung ương MTTQ Việt Nam tặng bằng khen…

Ông Nguyễn Đức Dục - Chủ tịch Hội khuyến học xã Ninh Mỹ, Hoa Lư, Ninh Bình
Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng bằng khen cho ông Nguyễn Đức Dục vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào khuyến học.

15 năm cống hiến cho sự nghiệp khuyến học, cho đến hôm nay bước chân ông Dục vẫn không ngừng nghỉ. Ông Cho biết: “Để làm tốt được phong trào khuyến học trước hết phải xây dựng vững chắc tổ chức Hội. Đây là nền tảng đem lại sự thành công, tiếp đến người làm khuyến học phải có tâm, lòng nhiệt huyết, sự hy sinh thì dù có khó khăn đến mấy phong trào cũng sẽ dần lớn mạnh và đạt được thành công”.

Nói về những cách làm hay đã áp dụng vào phong trào khuyến học của xã, ông Dục tâm sự: “Mỗi địa phương đều có cách làm hay và riêng biệt. Ở Ninh Mỹ, mỗi phương án đưa ra đều được sự đồng thuận của chính quyền, nhất trí của các Chi hội và người dân nên có được thành công. Sự nghiệp khuyến học ở đây, giờ người người, nhà nhà đều tham gia cung làm với Hội”.

Ông Dục là người đã có những “sáng kiến” đặc biệt trong công tác khuyến học ở Ninh Bình. Trong đó phải kể đến phong trào “nuôi lợn khuyến học”, “nuôi gà khuyến học”, các lớp khuyến học cộng đồng, đón “danh nhân về làng”, “giao thừa khuyến học”... Những sáng kiến trên của ông đã đem lại nhiều thành công và được nhiều địa phương học tập.

“Những ngày đầu khi Hội mới thành lập, quỹ hội không có nên rất khó để hoạt động các phong trào. Lúc đầu, để gây dựng quỹ hội anh em chúng tôi chỉ có cách là đi xin kinh phí. Thiết nghĩ những người từng làm nghề giáo như chúng tôi mà đi xin thì không hợp lắm. Tôi trăn trở mãi cuối cùng nghĩ ra cách làm là nuôi lợn và nuôi gà khuyến học. Không chỉ phát động được mọi người làm khuyến học mà Hội cũng không phải đi xin mà vẫn có kinh phí để hoạt động” – ông Dục tâm sự.

Ông Dục chia sẻ tiếp: “Việc nuôi lợn khuyến học thực hiện rất đơn giản, Hội khuyến học mua lợn nhựa phát cho mỗi hộ gia đình một con vào dịp đầu năm. Đến cuối năm thì mở “ngày hội mổ lợn” để tất cả các gia đình cùng tham gia. Số tiền tiết kiệm từ việc nuôi lợn nhựa này các gia đình có quyền định đoạt. Gia đình nào có lòng thì ủng hộ cho quỹ khuyến học, gia đình nào không có thì ủng hộ một phần. Nhiều gia đình góp lại là Hội có một số quỹ để hoạt động thường xuyên”.

Cũng giống như nuôi lợn, phong trào “nuôi gà khuyến học” cũng được ông Dục lên phương án và phát động trên toàn xã. Đầu năm, Hội khuyến học xã phát động toàn dân nuôi gà, đến cuối năm mỗi một hộ gia đình phải nộp một kg gà thịt trị giá 70.000 đồng. Số tiền này sẽ nộp lại cho xã 30.000 đồng, gia đình hưởng 20.000 đồng, còn lại ủng hộ cho Hội khuyến học 20.000 đồng. Từ việc làm nhỏ này, mỗi hộ gia đình chỉ bỏ ra 20.000 đồng từ nuôi gà, khi nhân lên số tiền này sẽ rất lớn. Góp phần làm tăng thêm quỹ khuyến học cả địa phương để hoạt động tốt các phong trào của Hội.

“Việc phát động nuôi gà khuyến học không chỉ là để đóng góp tiền mà còn nâng cao ý thức giáo dục trong mỗi gia đình. Ông bà, bố mẹ chung tay “nuôi gà khuyến học” sẽ giáo dục nhân cách cho cho cháu. Dạy cho con cháu biết điều hay lẽ phải, sự sẻ chia vì cộng đồng. Đặc biệt là biết quan tâm hơn nữa trong sự nghiệp học tập của mình từ chính những con gà đang được nuôi để khuyến học cho chính bản thân” – ông Dục chia sẻ.

Thành công nhất đối với phong trào khuyến học ở xã Ninh Mỹ phải kể đến các lớp học cộng đồng do ông Dục sáng kiến. Trong thời gian dài các lớp về nhạc lý, tin học, ngoại ngữ do Hội khuyến học trủ trì đã “vi tính hóa”, “ngoại ngữ hóa” địa phương này. Từ người già cho đến trẻ em ở Ninh Mỹ đều tham gia các lớp học trên để nâng cao kiến thức về tin học và ngoại ngữ. Bên cạnh đó là phát huy năng khiếu về âm nhạc để phát triển tương lại

Ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng ông Dục vẫn nhiệt tình với công tác khuyến học của địa phương
Gần 80 tuổi, ông Dục vẫn nhiệt tình với công tác khuyến học của địa phương.

“Nhiều cháu sau khi tham dự các lớp học này đã thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, các học viện âm nhạc... Hội mở lớp hoàn toàn miễn phí để mọi người dân trong xã đều được tham gia. Đến nay đã hơn 10 năm, các lớp học này hiện vẫn được duy trì và hoạt động tốt” – ông Dục nói.

Ngoài những lớp học trên, ông Dục còn đưa ra sáng kiến để Hội khuyến học mở lớp dạy các nghề thủ công, mỹ nghệ cho người dân địa phương. Phương trâm “mỗi người một nghề” đã lan tỏa khắp toàn xã Ninh Mỹ”. Nhiều người sau khi tham dự các lớp học trên đã đạt được kết quả cao, sau đó có công ăn việc làm ổn định, mở công ty riêng...

Tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng niềm đam mê trong công tác khuyến học của ông Dục vẫn chưa dừng lại. Hàng ngày ông vẫn hăng say làm công tác hội như một việc làm không thể thiếu của mình. 15 năm với phong trào khuyến học của địa phương, ông hai lần được Trung ương Hội khuyến học Việt Nam tặng bằng khen và tặng thưởng Huy chương vì sự nghiệp khuyến học. Nhiều lần ông được tỉnh Ninh Bình, huyện Hoa Lư tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào khuyến học của địa phương.

Thái Sơn
 

 

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn. Xin trân trọng cảm ơn!