Hội nghị Kinh tế trẻ Châu Á 2019:

Gần 500 nhà khoa học thế giới hội tụ chia sẻ, truyền cảm hứng về kinh tế học

(Dân trí) - Ngày 12/8, ĐH Quốc gia Hà Nội đã khai mạc Hội nghị Kinh tế trẻ Châu Á 2019 với sự tham gia của gần 500 học giả đến từ khắp nơi trên thế giới.

Hội nghị do Chương trình Sáng kiến Học giả trẻ (YSI) thuộc Viện Nghiên cứu Tư duy Kinh tế mới (INET) phối hợp cùng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (VNU-UEB) tổ chức.

Gần 500 nhà khoa học thế giới hội tụ chia sẻ, truyền cảm hứng về kinh tế học - 1

Các đại biểu quốc tế tham dự hội nghị

Hội nghị này nằm trong chuỗi hội nghị khu vực do Chương trình Sáng kiến Học giả trẻ thuộc INET chủ trì nhằm tạo điều kiện để các nhà kinh tế trẻ từ nhiều nhánh nghiên cứu quy tụ, gặp gỡ, chia sẻ ý tưởng và truyền cảm hứng học thuật liên quan đến những thách thức xã hội của thế kỷ 21.

 Đây là Hội nghị Kinh tế trẻ đầu tiên tại Châu Á và là hội nghị khu vực thứ 5 do YSI tổ chức. Các hội nghị trước đây được tổ chức tại châu Âu, châu Mỹ Latinh, châu Phi và Bắc Mỹ.

Trong số gần 500 học giả trong nước và quốc tế đến dự hội nghị có 200 học giả trẻ quốc tế, 24 giáo sư là chuyên gia quốc tế, 5 diễn giả chính là các giáo sư kinh tế hàng đầu quốc tế và hơn 200 học giả Việt Nam quan tâm.

Gần 500 nhà khoa học thế giới hội tụ chia sẻ, truyền cảm hứng về kinh tế học - 2

Ông Jay Pocklington - Đại diện YSI phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, ông Jay Pocklington - Đại diện YSI nhấn mạnh: Tổ chức học giả trẻ quốc tế là cộng đồng các nhà kinh tế trẻ từ khắp nơi trên thế giới, cùng nhau phát triển những tư duy mới về kinh tế. Hội nghị lần này với sự tham dự của gần 500 nhà khoa học sẽ là cơ hội tuyệt vời để gặp gỡ, trao đổi, thảo luận và truyền cảm hứng về kinh tế học.

Phát biểu tại buổi khai mạc Hội nghị, là người kết nối và mang Hội nghị đến Việt Nam, TS. Jenny Tuệ Anh Nguyễn - Trưởng nhóm điều phối nghiên cứu kinh tế phát triển của Viện Nghiên cứu Kinh tế mới - bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới những nỗ lực không ngừng của Ban tổ chức để hội nghị được diễn ra. Bà hy vọng, các nhà kinh tế trẻ sẽ nhận được những chia sẻ và bài học giá trị từ hội nghị này.

Gần 500 nhà khoa học thế giới hội tụ chia sẻ, truyền cảm hứng về kinh tế học - 3

PGS.TS Nguyễn Anh Thu – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN phát biểu chào mừng các đại biểu tham dự hội nghị

Thay mặt Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, PGS.TS. Nguyễn Anh Thu nhiệt liệt chào mừng các học giả đến tham dự chương trình.

Với mong muốn kết nối các học giả trẻ từ khắp nơi trên thế giới cũng như mang lại những trải nghiệm đáng nhớ cho các nhà kinh tế tham dự chương trình, Trường Đại học Kinh tế và Ban tổ chức hội nghị đã vô cùng nỗ lực chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để hội nghị diễn ra. Đồng thời, bà hy vọng, các học giả sẽ có khoảng thời gian tuyệt vời khám phá đất nước và con người Việt Nam.

Gần 500 nhà khoa học thế giới hội tụ chia sẻ, truyền cảm hứng về kinh tế học - 4

Giáo sư Jayati Ghosh - một trong những nhà kinh tế học hàng đầu trên thế giới về kinh tế phát triển trình bày tham luận tại hội nghị

Ngay sau phần phát biểu của đại diện Ban tổ chức, các học giả bước vào phiên toàn thể đầu tiên của Hội nghị, được trình bày bởi Giáo sư Jayati Ghosh - Trung tâm Nghiên cứu và Quy hoạch Kinh tế, Trường Khoa học Xã hội, Đại học Jawaharlal Nehru, New Delhi, Ấn Độ - một trong những nhà kinh tế học hàng đầu trên thế giới về kinh tế phát triển. Chủ đề bà đề cập đến tại Hội nghị là “Các thế lực kinh tế ở Châu Á: Phát triển và những thách thức” (Asian Economic Powerhouses: Developmental transformations and challenges).

Trong phần trình bày, GS. Jayati Ghosh đã đưa ra những kết quả nghiên cứu mới nhất về sự phát triển kinh tế của các nước Châu Á đồng thời so sánh với các nước phát triển như Đức, Châu Âu. Phần thuyết trình của bà gây ấn tượng với những khuyến nghị về định hướng phát triển bền vững cho các nền kinh tế Châu Á để đối phó với những lo ngại về sự phát triển thiếu bền vững tại các quốc gia này.

Các học giả đã đưa ra nhiều câu hỏi liên quan đến nội dung tham luận. TS. Morris Altman - ĐH Kinh doanh Dundee, Scotland quan tâm đến vai trò của nông nghiệp đối với sự phát triển các nền kinh tế Châu Á và định hướng phát triển đối với lĩnh vực này. Cùng với đó, TS. Kishorekumar Suryaprakash đến từ Đại học Massachusetts thảo luận về khả năng hợp tác giữa các quốc gia để cùng giải quyết những vấn đề của khu vực.

Ngay sau phiên toàn thể, các học giả chia nhóm và tiếp tục thảo luận tại các phiên song song. Hội nghị sẽ tiếp tục diễn ra trong các ngày từ 12/8 đến ngày 15/8.

Tại hội nghị, gần 200 học giả trẻ được lựa chọn có cơ hội trình bày nghiên cứu của mình trong 17 nhóm lĩnh vực.

 Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm