Éo le cảnh ngộ của cô giáo bỗng dưng bị mù mắt
(Dân trí) - Căn bệnh quái ác đột ngột xuất hiện đã cướp đi đôi mắt và cả ước mơ, hoài bão của cô giáo yêu nghề, biến cô trở thành gánh nặng cho gia đình và hằng ngày đối diện với tình trạng bệnh ngày càng nặng thêm...
Hoàn cảnh của cô giáo Nguyễn Thị Hương (SN 1976, ngụ Tổ dân phố 7, thị trấn Cư M’gar, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) là một trong những số phận mà chúng tôi được nghe kể đã không khỏi xót thương trước những gì cô đã phải gánh chịu.
Trước đây, cô giáo Hương là giáo viên dạy môn Văn cho trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Cư M’gar). Khoảng 5 năm về trước, trong một buổi chiều đứng lớp giảng dạy cô giáo Hương bỗng thấy mắt mình đột ngột mờ dần dần và trong người có cảm giác khó chịu, cô liền xin nhà trường cho người dạy thay và được về sớm để đi khám.
Thấy vợ bị bệnh, anh Mai Quang Cường (chồng cô Hương) không nề hà đưa vợ đi khám khắp nơi chữa trị. Tại bệnh viện Mắt (TP. Hồ Chí Minh) cô Hương được chẩn đoán mắc bệnh “Viêm màng bồ đào” và điều trị tại bệnh viện được khoảng 1 tháng, thấy không đỡ, anh Cường lại tiếp tục chuyển vợ ra Hà Nội với mong muốn tìm được thầy giỏi để “gặp thầy gặp thuốc” chữa cho vợ mau khỏi bệnh. Khoảng thời gian tiếp theo, thị lực của cô Hương cứ thế mờ hẳn, cô vẫn gắng gượng đi dạy và tranh thủ cuối tuần đi khám bệnh, nhưng cho đến khoảng tháng 12/2014 thì cô Hương không thể thấy đường được nữa.
“Mắt vợ tôi cứ thế mờ dần rồi tối sầm, đến giờ thì không còn thấy được gì nữa, đi khám thì họ bảo mắt chứng bệnh “Teo gai thị” - đây là căn bệnh mà hiện chưa có thuốc chữa. Mặc dù, gia đình luôn hi vọng chữa lành bệnh cho vợ, ai chỉ đi nơi nào chữa được là tôi lại tất bật đưa vợ đi, cũng qua vài lần mổ mắt rồi nhưng tất cả đều tuyệt vọng với gia đình tôi, nhìn vợ tôi tàn tạ, héo úa mỗi ngày tôi thấy xót vô cùng”, anh Cường chua xót nói.
Anh Cường chưa ngừng hi vọng sẽ chữa được bệnh cho vợ.
Căn bệnh không chỉ lấy đi đôi mắt của cô giáo Hương mà còn còn lấy đi đôi tai của cô, căn bệnh mỗi lúc mỗi nặng, tất cả ập vào người của cô giáo trẻ “Trong khoảng thời gian chữa mắt, thì vợ tôi lại bị ù tai, đau đầu chóng mặt rất nhiều, tôi thấy lo lắng nên đưa vợ đi bệnh viện Tai – mũi – họng Trung ương khám thì được bác sĩ cho biết, ngoài căn bệnh về mắt vợ tôi còn bị điếc đột ngột, nghe thấy vậy tôi như nghe sét đánh ngang tai, không tin được vào những gì người ta nói nữa”, anh Cường buồn rầu nói.
Để có tiền chữa bệnh cho vợ, anh Cường một mình đi vay mượn khắp nơi của anh em, làng xóm. Cũng theo anh Cường, do sức khỏe của cô Hương từ ngày phát bệnh rất yếu nên cô rất khó khăn trong di chuyển, nên mỗi lần đi bệnh viện vợ chồng anh đều phải di chuyển bằng máy bay khiến khó khăn lại chồng thêm khó khăn cho gia đình nhỏ, số nợ hiện tại của gia đình anh đã lên tới hơn 150 triệu đồng.
Cô Hương bên cạnh 2 con nhỏ của mình.
Cô giáo Hương có 2 người con gái nhỏ, con gái lớn năm nay học lớp 3 và con út vào lớp 1. Ngày mẹ phát bệnh, cả 2 con được bố gửi tạm nhà bà ngoại để đưa mẹ đi chữa bệnh, thương mẹ nên con gái của cô cũng không quấy khóc và cố gắng học tốt để bố mẹ không buồn phiền.
Từ khi phát bệnh, tinh thần cô Hương trở nên bấn loạn phần vì sốc, phần vì không muốn từ giã con đường dạy học của mình nên cô Hương luôn áp lực và không muốn bỏ cuộc. Những sau khi được biết căn bệnh của mình không thể chữa nữa, cô rơi vào trạng thái trầm cảm nặng, cô hay buồn khóc cả ngày và liên tục giày vò bản thân vì mình trở thành gánh nặng cho gia đình. Cứ vậy sức khỏe cô Hương giảm sút nghiêm trọng, từ 54kg cô giảm sút còn 35kg, việc đi lại cô ngày một yếu dần, tay chân lều khều không còn cử động linh hoạt như trước, người cô trở nên xanh xao vàng vọt rất nhiều.
“Tôi biết cô ấy buồn quá mà trở nên như vậy, tôi cũng động viên vợ nhưng giờ tai vợ tôi cũng không còn nghe gì, nhiều khi tôi hét lớn lên để cho vợ tôi nghe thấy thì lại tưởng tôi mắng rồi ngồi khóc. Thương vợ, tôi thực sự hết cách rồi, giờ ăn uống cũng phải chồng đút cho ăn, tắm rửa, cho đến mọi thứ tôi cũng phải giúp từ tí một”, anh Cường ngậm ngùi.
Lần gần đây nhất anh Cường đi vợ đi khám ở bệnh viện Tâm thần Đắk Lắk để xem bệnh tình thì được thông báo cô Hương mắc thêm bệnh “suy nhược thần kinh”, nên hiện tại anh Cường cũng không dám buồn bã hay cáu gắt gì, sợ vợ anh thấy vậy mà đâm sinh thêm bệnh.
Từ ngày vợ bệnh, mọi gánh nặng đều đè lên đôi vai anh Cường tất cả mọi việc từ việc đồng áng đến việc nhà, chăm vợ, chăm con… anh đều phải làm hết. Để thêm tiền chữa trị cho vợ, anh Cường vừa làm ít cà phê ở rẫy nhà, vừa chạy đi làm thuê cho bà con trong vùng, nhưng vì vợ anh không thể ở nhà một mình không ai chăm sóc nên anh không dám đi làm nhiều, khiến kinh tế gia đình ngày một kiệt quệ. Tuy vậy anh Cường dù đã nản chí nhưng anh vẫn nuôi một hi vọng dẫu nhỏ nhoi sẽ có một vị thầy thuốc nào chữa lành cho vợ anh.
“Nếu giờ ông trời cho tôi điều ước, tôi chỉ mong vợ tôi được quay lại như xưa, hàng ngày vợ đi dạy học, chồng đi làm rẫy. Chiều về vợ chồng, con cái quay quần bên mâm cơm thật là hạnh phúc không gì hơn. Biết là rất khó và không tưởng nhưng tôi luôn mong điều kỳ diệu sẽ đến với vợ tôi, mắt vợ tôi sẽ thấy được phần nào, tai cô ấy cũng nghe được tiếng tôi và nghe được con cái nói để sống vui với gia đình là điều mong ước lớn nhất”, anh Cường tâm sự.
Đến gặp cô giáo Hương, thấy cô ngồi lặng một chỗ, gương mặt cô xanh xao đến đáng thương. Biết có khách lạ đến nhà chơi, miệng cô ú ớ không nói nổi nên lời, đôi mắt vô hồn của cô dáo dác cố nhìn xung quanh để xem ai đến thăm, nhưng có lẽ bất lực vì không thấy rõ mọi thứ nên cô ngồi bần thần, cố gắng gồng mình trước những đau đớn mà bản thân phải chịu đựng trong suốt thời gian qua.
Đã có rất nhiều đồng nghiệp của cô giáo Hương đã xung phong đứng lớp phụ cô một thời gian để cô có thể an tâm chữa bệnh mà vẫn có thể có chút tiền lương hàng tháng để trang trải. Tuy nhiên đến nay cô giáo Hương chuẩn bị phải nghỉ hẳn khỏi nghề giáo, nên áp lực càng lớn cho gia đình.
Thầy Trần Đình Đào - Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Cư M’gar, cho biết: “Cô giáo Hương công tác trong ngành 12 năm, cô là một giáo viên từng đoạt giải Giáo viên Giỏi của huyện, rất được đồng nghiệp và học sinh yêu mến. Cô đột ngột phát bệnh, hoàn cảnh vô cùng khó khăn nên ngành cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên cô nhưng kinh phí cũng chỉ có mức độ. Mỗi lần thấy có đồng nghiệp tới thăm là cô Hương lại khóc, khiến chúng tôi rất xót xa cũng mong sao cho cô có thể chữa được căn bệnh này, để cô có thể quay trở lại trường tiếp tục công tác. Phòng đã tạo điều kiện rất nhiều cho cô Hương, nhưng cứ đà này, cô sẽ phải nghỉ hẳn trong ngành đây là điều mà chúng tôi không ai mong muốn”.
Thúy Diễm
Mọi thông tin, ý kiến đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!