“Em hãy đánh thầy cho hả giận đi!”
Đó là lời của thầy giáo Lâm Thanh Châu nói với T - đứa học trò lớp 3 nhưng lớn tồng ngồng như một học sinh cuối cấp II - nơi lớp học tình thương do thầy “sáng lập” ở thôn Tân Bình bên cửa Thuận An (Phú Tân, Phú Vang, Thừa Thiên - Huế).
Không chút thách thức, giận hờn, thầy đã nói với đứa học trò có tiếng biếng lười và ương bướng của mình câu nói thoạt nghe khá lạ lẫm ấy bằng âm giọng đầy nhu ái. Trước đó T đã lên tiếng cùng đám bạn: “Tau sẽ đánh thầy một bữa để ổng biết sức” sau khi thầy buộc T ở lại lớp sau giờ học để đọc lại đến dăm bảy lần bài tập đọc đã học nhằm cải hóa sự nghịch ngợm trong giờ học của em.
Dự liệu đứa học trò này sẽ không từ chối dùng đôi tay bạo lực với thầy của thầy Châu quả không sai. Thầy vừa dứt lời, T liền đưa tay đấm thình thịch vào lưng người thầy già đã hết lòng với đám trẻ cơ nhỡ chuyện sách đèn. Đau, nhưng thầy nói thầy ráng chịu, cái đau hơn với thầy là sự dốt nát, tối tăm của đứa học trò vừa trút cơn giận vào thầy.
Nhìn đứa học trò thật sự đáng thương kia bằng cái nhìn trìu mến, thầy ôn tồn tiếp: “Nếu em chưa đã giận, hãy đánh thêm thầy mấy cái nữa. Nhưng em phải cố học chăm lên. Thầy không giận em mô!”. Và lần này, dù tin ở sự cảm hóa của mình, thầy vẫn ngạc nhiên khi đứa học trò ương ngạnh kia bỗng òa lên khóc, rồi tự động quì sụp dưới chân thầy và thốt lên trong nước mắt: “Em xin thầy tha tội. Em lỡ dại. Em hứa...”.
Không giận hờn, trách móc người còn u tối, dại dột, lỡ lầm. Chỉ có yêu thương, chỉ có tấm lòng mới cảm hóa được họ. Thầy Lâm Thanh Châu nói làm thầy giáo tình thương là làm “sứ giả” của yêu thương, không đủ “lửa” của tình thương thì khó mà đứng dạy ở lớp học tình thương dù có thừa khả năng sư phạm.
Với ngọn lửa yêu thương như thế, sau khi nghỉ hưu - vốn là vệ quốc quân, là cán bộ giảng dạy ở Trường Tài chính - thầy tạm rời xa căn nhà ở TP Huế để về vùng đầm phá Phú Tân dựng nhà làm lớp học tình thương cho đám trẻ khó nghèo. Từ tấm lòng của thầy, với sự cộng sức của xã hội, đến nay hàng trăm đứa trẻ vốn không có giấy khai sinh, không được đến lớp đã có được những con chữ quí hóa để làm hành trang vào đời.
Theo Huỳnh Văn Mỹ
Tuổi Trẻ