Đường đến giảng đường của Công
(Dân trí) - Nhóm bạn trai: “Một, hai, ba… lên nè”, còn các bạn gái: “Cố lên Công ơi!” những tiếng động viên ấy mỗi sáng vẫn cứ vang lên trong sự ngỡ ngàng của nhiều đôi mắt hiếu kì đang dõi theo một chàng trai trông trầm tư, lãng tử cố lăn từng vòng xe để vào lớp học.
Chàng trai ấy là Nguyễn Thành Công, lớp Công nghệ thông tin K29 trường Đại học Khoa Học Huế.
Vòng xe cuộc đời
Nguyễn Thành Công sinh ra ở một miền quê nghèo ở xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình. 4 tuổi mất cha, một mình mẹ phải oằn lưng kiếm từng bữa cơm lo cho ba chị em ăn học. Trong khi cuộc sống gia đình hết sức khó khăn thì cũng là lúc Công gặp phải một tai nạn “bỉ cực tử sinh”.
Mọi sự giúp đỡ và chia sẻ của quý độc giả với Nguyễn Thành Công xin liên hệ: Tòa soạn báo Khuyến học & Dân trí - Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội. Điện thoại: 090. 325 8541 Email:tamlongnhanai@gmail.com |
“Năm ấy em mới học lớp 6, một hôm đi học về thì thấy mệt mỏi, người giật từng hồi, ít bữa thấy tay chân co lại. Vì nhà nghèo, mẹ tưởng em ốm bình thường nên không đưa đi bệnh viện, khi bệnh nặng mới đi viện thì đã muộn, chân em bị tê liệt hoàn toàn” - Thành Công nhớ lại.
Phải nghỉ học mất 2 năm, ở nhà Công vừa điều trị bệnh vừa tự học bài. Thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn và sự ham học của Công nên ban khuyến học xã đã vận động quyên góp tặng em chiếc xe lăn để tiện đi lại.
Từ khi có được chiếc xe lăn, Công coi đó là một phần thưởng cho lớn mình, ngày ngày trên con đường đất đỏ ấy một mình Công lại rong ruổi đến trường. Công chăm học hơn nhiều, rồi liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi của trường. Lớp 8 đạt học sinh giỏi huyện môn toán, lớp 10 đạt giải 3 môn hóa học cấp tỉnh, lớp 11 đạt giải khuyến khích môn toán của tỉnh…
Đỗ đại học: Không bất ngờ!
Trong kỳ thi tuyển ĐH năm 2005, chuyện cậu bé tật nguyền Nguyễn Thành Công thi đậu ngành Công nghệ thông tin (ĐH Khoa học Huế) không mấy bất ngờ, nhưng với số điểm 26 (kém thủ khoa 1 điểm) đã làm cho thầy cô, bạn bè và mẹ của Công ngạc nhiên và rất tự hào. Công kể: “Thấy mình học nhiều, có lúc thức trắng đêm ôn bài mẹ lo ảnh hưởng đến bệnh tật lắm. Thời gian ôn thi mình sốt đến hơn chục lần, giảm hơn ba cân, may mà bệnh không tái phát”.
Ngày nhập học, bên cạnh niềm vui là nỗi lo của người mẹ với bao khoản chi tiêu cho hai đứa con theo học đại học. “Mẹ em đã phải chạy vạy từ chỗ này đến chỗ khác mới kiếm được mấy trăm ngàn cho em và chị vào học” - Long nói tiếp: Biết mẹ khổ nên em đã xin ở thôi học ở nhà để lo cho chị học tiếp nhưng mẹ lại khuyên “chị em vào đó ráng chăm học là mẹ vui lắm rồi, còn tiền bạc mẹ xoay xở được”!
Ngày vào Huế, mấy mẹ con chỉ làm mâm cơn đơn sơ báo với cha rồi hai chị em khăn gói lặng lẽ vào Huế để học. Hai chị em Công thuê phòng trọ ở cuối kiệt 81 đường Nguyễn Huệ (TP Huế).
Ngày ngày chị đi học rồi về dạy kèm để có thêm tiền thu nhập lo thêm tiền nhà, tiền ăn. Còn Công ngày tự đến trường trên chiếc xe lăn, khi về nhà lại tranh thủ lê từng bước làm các việc vặt như nấu ăn, giặt giũ để khỏi nhờ tới chị.
Đồng hành với Công trên đường đến giảng đường là hàng trăm đôi mắt ngỡ ngàng dõi theo một chàng trai khuyết tật đang cố lê từng bánh xe. Nhưng với Thành Công, trên con đường đó không có sự mặc cảm nào mà là một ý chí nghị lực để vươn lên khó khăn.
Những vòng quay bánh xe của Công pha lẫn từng giọt mồ hôi, ở đó có những người bạn tốt như Viết Xuân, Chiêu Hoàng… đang đứng đợi ở góc cầu thang và có cả hình bóng của mẹ tiếp sức cho em trên giảng đường ĐH. Công tâm sự: “Mình bị bệnh thế này không biết khi ra trường có xin được việc không, nhưng mình muốn học để làm một điều gì đó giúp những người có hoàn cảnh như mình, về tin học chẳng hạn?”
(Lớp Báo chí K27 - ĐH Khoa học Huế)