Đừng tập trẻ nói dối

Nhiều phụ huynh nghĩ đơn giản nói dối cho qua chuyện nhưng vô tình tiêm nhiễm thói quen này cho trẻ.

Tại hội thảo “Thực trạng văn hóa học đường và nhu cầu giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trung học” tổ chức mới đây, GS-TS Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học lý luận và ứng dụng (ĐHQG TP HCM), đã đưa ra một kết quả điều tra cho thấy tỉ lệ nói dối ở học sinh tiểu học là 22%, cấp THCS 50%, THPT 64% và sinh viên là 80%. Trẻ nói dối ngày càng tăng là do đâu?

Cha mẹ bày vẽ

Nói về vấn đề này, bà Phạm Thị Thúy Linh, Chủ nhiệm CLB Yêu Trẻ tại TPHCM, kể câu chuyện chứng kiến tại một nhà hàng buffet làm cho bà lo lắng.

 

Trẻ em như tờ giấy trắng, người lớn đừng để tiêm nhiễm những thói xấu. (Ảnh: Bút Nam)
Trẻ em như tờ giấy trắng, người lớn đừng để tiêm nhiễm những thói xấu. (Ảnh: Bút Nam)
 

Ngay cửa ra vào nhà hàng có tấm bảng ghi: “Miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi”. Một người mẹ có vẻ sang trọng đi cùng cô con gái vào nói với nhân viên lễ tân: “Bé nhà chị mới 5 tuổi”. Tuy nhiên, cô bé nhanh nhảu: “Con 6 tuổi mà mẹ?”. Người mẹ có vẻ sượng sùng nhưng đối đáp thật nhanh: “Chưa đến sinh nhật thì chưa 6 tuổi con ạ”. Hai cô nhân viên nhìn nhau có phần ái ngại nhưng rồi họ vẫn vui vẻ mời 2 mẹ con vào.

“Lúc vào trong, tình cờ tôi lại ngồi cạnh bàn mẹ con họ và nghe người mẹ bảo con rằng nếu nói 6 tuổi thì phải mua thêm 1 vé, tốn tiền. Cô bé “dạ” nhưng vẻ mặt trầm ngâm. Tôi thấy thật sự lo lắng khi có vị phụ huynh vì sợ tốn tiền mà dạy con dối trá như vậy” - bà Linh băn khoăn.

Anh Nguyễn Văn Phú - chạy xe ba gác tại quận 12, TP HCM - kể một câu chuyện làm anh vừa bực dọc vừa buồn cười. Hôm rồi, anh ghé một nhà hàng xóm gửi biếu ít trái cây của người thân ở quê mang vào. “ Khi tôi hỏi con anh hàng xóm: “Ba cháu có nhà không?”, thằng bé mau mắn: “Ba con bảo nói với chú ba con đi rồi”. Chắc người ta sợ tôi qua mượn tiền nên bảo con nói thế” - anh Phú ưu tư.

Tác hại khó lường

Cô Lê Ánh Tuyết - giáo viên Trường THCS Nguyễn Hiền, quận 12, TP HCM - cho biết mới đây, một phụ huynh gọi điện thoại lúc nửa đêm nhờ can thiệp tình trạng nói dối ngày càng tăng của con trai chị.

“Gia đình cậu bé khá giả nên rất nuông chiều con. Khi cậu bé xin tiền mua sách vở, dụng cụ học tập, ông bố hào phóng đưa tờ 500.000 đồng. Mua đồ dùng không hết, cậu bé bao bạn bè, kéo phe cánh về phía mình. Mức độ vòi tiền cha mẹ của cậu ngày càng “siêu” với hàng tá lý do: Học thêm, mua sách tiếng Anh, dã ngoại, đóng quỹ lớp, quỹ ủng hộ đồng bào bị thiên tai...” - cô Tuyết kể.

“Tôi không lạ gì trường hợp học sinh này vì trước đây, tôi đã nhiều lần nhắc nhở, thậm chí yêu cầu phụ huynh quan tâm đến con mình hơn nhưng họ vẫn lờ đi. Em hay nghỉ học đi chơi rồi gửi giấy xin phép với chữ ký phụ huynh rất nguệch ngoạc. Tôi gọi điện thoại xác minh thì mẹ em luôn xác nhận con mình bệnh, khi thì gia đình có tang... Bây giờ thì họ phải gánh chịu hậu quả chính từ việc làm của mình” - cô Tuyết nhấn mạnh.

Cách đây không lâu, một chị bạn thân than phiền với tôi: “Thằng bé nhà chị ngày càng khó dạy. Nó luôn đổ lỗi cho người khác dù chị biết chắc việc đó là nó làm”. Tôi định nói “đó là do chị dạy” nhưng kịp kìm lại.

Tôi biết thường thì buổi chiều đi làm về, chị ghé đón con nhưng chẳng mang mũ bảo hiểm vì ỷ y đoạn đường đó ít khi có công an. Hôm nào gặp công an, chị bảo con giả vờ mắc bệnh, mắt lim dim, các anh thấy thế cũng cho qua. Nhiều lần như vậy, thằng bé ngày càng tinh quái trong việc đối phó với cha mẹ mình...

 

Nhiễm từ người lớn

Theo bà Phạm Thị Thúy Linh, trẻ em là tấm gương phản xạ cuộc sống. Nếu sống trong môi trường mà cha mẹ nói dối, người xung quanh nói dối thì tự nhiên các em cũng nhiễm thói xấu này. Vì thế, người lớn khi nói, làm điều gì cũng cần phải cân nhắc thật kỹ, nếu không sẽ vô tình tập thói nói dối cho con. Dần dần lớn lên, trẻ dễ trở thành người đối phó, không tự chịu trách nhiệm với việc mình làm và trở nên hèn nhát.

 

Theo Hồng Đào

Người Lao Động