Đừng dúi điện thoại vào tay con cho "yên chuyện"

Vĩnh Ngọc

(Dân trí) - Nhiều bậc phụ huynh có thói quen khi con quấy khóc thì đưa con điện thoại cho "yên chuyện" nhưng nghiên cứu mới cho biết, điều này sẽ dẫn đến các vấn đề về điều chỉnh cảm xúc ở trẻ em.

Nhiều bậc cha mẹ rơi vào hoàn cảnh là đứa con nhỏ bất ngờ quấy khóc ở nơi công cộng. Tiếng khóc của con thu hút sự chú ý của mọi người khiến bố mẹ cảm thấy ái ngại.

Trong hoàn cảnh đó, nhiều bậc cha mẹ "cực chẳng đã" đành đưa cho con điện thoại của mình. Đứa trẻ nhỏ có trên tay chiếc điện thoại cũng nhanh chóng yên lặng.

Sự thật thì các bậc cha mẹ nên cân nhắc lại việc sử dụng điện thoại để giữ bình tĩnh cho con mình. Một nghiên cứu mới cho biết rằng làm điều này thường xuyên sẽ dẫn đến các vấn đề về điều chỉnh cảm xúc ở trẻ em.

Ảnh hưởng của việc sử dụng thiết bị di động để trấn an con trẻ

Nghiên cứu thực hiện tại Đại học Michigan và được công bố trên tạp chí y khoa JAMA Pediatrics do Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ xuất bản, đã xem xét hơn 400 phụ huynh và con của họ trong độ tuổi từ 3 đến 5 tuổi.

Các nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu xem điều gì đã xảy ra khi người lớn lấy điện thoại làm công cụ giữ cho trẻ yên lặng.

Họ tìm thấy mối liên hệ giữa việc sử dụng các thiết bị để xoa dịu những đứa trẻ khó chịu và khả năng tự điều chỉnh của chúng. Nói cách khác, những đứa trẻ được đưa điện thoại khi chúng quấy khóc có xu hướng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc xử lý các tình huống khó chịu trong tương lai.

Những em nhỏ đã bộc lộ các vấn đề như hiếu động thái quá, bốc đồng... đặc biệt bị ảnh hưởng khi được "dúi điện thoại cho yên chuyện".

Nghiên cứu đã khuyến nghị các bác sĩ nhi khoa và nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe nên cân nhắc thảo luận với các bậc cha mẹ về các phương pháp khác để xoa dịu con trẻ.

Đừng dúi điện thoại vào tay con cho yên chuyện - 1

Nên tránh cho trẻ nhỏ xem máy tính, điện thoại quá nhiều (Ảnh minh họa: Shutterstock).

Trẻ bỏ lỡ cơ hội học cách tự xoa dịu

Những cơn giận dữ mất kiểm soát thường xảy ra ở trẻ từ 3 đến 5 tuổi và việc ngăn chặn cơn thịnh nộ của con bằng bất kỳ cách nào có hiệu quả nghe rất dễ hiểu.

Tuy nhiên chính ở những độ tuổi này, trẻ em cần được tạo cơ hội để đương đầu với những thách thức về mặt cảm xúc để chúng có thể phát triển các kỹ năng đối phó với những vấn đề khó khăn trong tương lai.

Tiến sĩ Scott Roth, giám đốc của một phòng khám tâm lý tại New Jersey, Mỹ, cho biết: "Trải qua những cảm xúc tiêu cực như thất vọng, tức giận và buồn bã và sau đó phục hồi là một bài học quý giá cho trẻ em. Điều đó giúp chúng chuẩn bị tinh thần đối phó với những sự thất vọng tiếp theo và có thể tự xây dựng khả năng phục hồi".

Các nhà nghiên cứu cho biết, việc điều chỉnh cảm xúc có thể còn quan trọng hơn trí thông minh để giúp trẻ gặt hái thành công khi tới trường. Họ nói rằng, khi trẻ sớm điều khiển được cảm xúc, chúng sẽ giữ bình tĩnh, tập trung và linh hoạt khi đối mặt với những thử thách mới.

Trên thực tế, trẻ em càng có nhiều kinh nghiệm đối mặt với cảm xúc của chính mình thì chúng càng hiểu rõ bản thân hơn. Tiến sĩ Roth cho biết: "Việc một đứa trẻ có thể điều chỉnh hoặc giảm thiểu mức độ đau khổ sẽ giúp chúng xây dựng sự tự tin vào khả năng của chính mình".

Khi chúng ta làm trẻ phân tâm thay vì giúp chúng vượt qua những tình huống khó khăn, chúng ta đã lấy đi những cơ hội để trẻ thực hành cách "vượt khó". 

Bố mẹ tìm phương án thay thế

Nếu bạn cảm thấy mình không có cách nào giữ cho con im lặng hoặc bình tĩnh mà không "dúi điện thoại", đừng nản lòng. Hãy lên kế hoạch trước cho một số công cụ có thể giúp bạn đối phó với các tình huống khó khăn.

Giúp con bạn đặt tên cho cảm xúc của chúng là một mẹo đơn giản có thể đem lại lợi ích lâu dài. Ali Alhassani, bác sĩ nhi khoa tại dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa của Mỹ Summer Health, cho biết: "Hãy giúp con bạn xác định chính xác những gì chúng đang cảm thấy và lý do tại sao chúng lại cảm thấy như vậy.

Một khi con hiểu được cảm xúc của mình, bạn có thể giúp con vượt qua những trạng thái tâm lý không tốt bằng cách hít thở sâu, ngồi thư giãn, tập thiền...

Khi bạn nhận thấy con mình đang khó chịu, hãy thừa nhận điều đó. Trẻ cần biết cảm xúc tiêu cực là bình thường. Tiến sĩ Roth gợi ý bố mẹ có thể hỏi con những câu hỏi mang tính xác thực như: "'Mẹ thấy con đang rất tức giận. Hãy nói cho mẹ biết con cảm thấy tức giận ở đâu trên cơ thể?'".

Tiến sĩ Roth nói: "Một khi đứa trẻ có thể tạo ra mối liên hệ giữa tâm trí và cơ thể, cha mẹ có thể hướng dẫn con các kỹ thuật hít thở nhằm thúc đẩy ý tưởng rằng một cơ thể thoải mái sẽ dẫn đến một tâm trí thoải mái".

Bạn cũng nên thực hành các kỹ thuật xoa dịu vào thời điểm con bạn không bị dồn nén cảm xúc. Ví như tưởng tượng địa điểm con yêu thích, kể tên các con vật theo bảng chữ cái, nghĩ về những điều mà con yêu thích, nặn đất sét, uống một cốc nước mát...

Tiến sĩ Roth nói: "Cố gắng dạy cho con bạn những kỹ năng và bài học quý giá khi con đang giận dữ thường là một việc làm vô ích. Hãy trò chuyện với con trong lúc con thư thái, vui vẻ để việc đó trở thành một phần của bộ kỹ năng đối phó với cảm xúc khi con rơi vào trạng thái mất bình tĩnh".