“Đừng chĩa khẩu súng cảm xúc vào con trẻ”
(Dân trí) - “Đừng chĩa khẩu súng cảm xúc vào đầu con trẻ. Đừng cố tình kiểm soát bé và đánh mất lòng tin. Bạn mất kiểm soát bản thân thì bé cũng sẽ lặp lại y như thế. Bạn hoàn thiện mình chừng nào, bé sẽ lớn lên và học được chừng đó”.
Thiên tài và sự giáo dục sớm
Nhà thơ Đức Goethe có thể đọc thông viết thạo tiếng Đức, Pháp, Ý, La-tinh và Hy Lạp từ năm 8 tuổi. Kiệt tác “Bàn tay thép của Goetz von Berlichigen” được viết khi ông mới 22 tuổi. Ông trở thành Bộ trưởng Bộ Tài chính năm 23 tuổi, Thủ tướng năm 24 tuổi.
Nhà thơ Ấn Độ vĩ đại Tagore cũng bộc lộ niềm đam mê thơ ca mãnh liệt ngay từ khi còn rất nhỏ; và ông cũng lớn lên từ một nỗ lực miệt mài học tập và rèn luyện.
Nhà luật học người Đức Karl White mới 8, 9 tuổi đã thông thạo sáu thứ tiếng: Đức, Pháp, Ý, La-tinh, Anh và Hy Lạp; không những thế còn hiểu biết động vật học, thực vật học, vật lý, hóa học và đặc biệt là toán học. Karl trở thành tiến sĩ tại Đại học Giessen năm 14 tuổi và ngay sau đó được tới ba chính phủ chi trả tiền học phí tại đại học Gottingen.
William Sidis - con trai của nhà tâm lý học nổi tiếng người M, Boris Sidis - bước vào Đại học Harvard khi mới 11 tuổi, không lâu sau đó cậu đã tham gia diễn thuyết về “Không gian bốn chiều”, một vấn đề rất khó của toán học.
Để trở thành thiên tài, tất cả các gương mặt kể trên đều lớn lên trong chế độ giáo dục khắc kỷ. Thế nhưng, giáo dục sớm thường bị coi là “nhồi nhét” kiến thức; các biện pháp kiểm soát chặt chẽ thậm chí còn bị đả kích là phản giáo dục.
Có nên kiểm soát con cái? Xã hội hiện đại đầy rẫy nguy cơ, liệu có thể buông lơi? Nếu không áp đặt, liệu có thể dậy con thành người? Chưa nói tới thành tài?
Không áp đặt, có giáo dục được không?
Trong cuộc gặp gỡ mới đây với khán thính giả, độc giả Việt Nam tại TPHCM, Mike George - tác giả của nhiều cuốn sách best seller hướng dẫn kỹ năng sống - đã trả lời: Khi bạn quát nạt, yêu cầu, kiểm soát trẻ, áp đặt việc học tập, động cơ của trẻ sẽ không xuất phát từ mong muốn học hỏi mà là từ sự sợ hãi và mong muốn làm vừa lòng người lớn.
Cho dù trẻ đạt điểm số cao nhưng chắc chắn sẽ trở thành những bé nhút nhát, tránh né, luôn tìm cách nói dối và quan trọng hơn nữa là bé sẽ tự lây nhiễm cách suy nghĩ tìm ai đó (hoặc việc gì đó) để đổ lỗi cho kết quả của chính mình. Bạn phiền lòng vì con không học giỏi; còn bé phiền lòng vì mình không học giỏi là tại thầy cô giảng không hay/áp lực bài vở quá nặng/môi trường học tập chưa đủ tốt…
Vì thế, hãy tách bạch mọi chuyện: Con học chưa tốt không phải là nguyên nhân khiến bạn phiền lòng. Bé tự chịu trách nhiệm về hành vi học tập của bé chứ không vì động cơ làm vui lòng cha mẹ.
Nói như vậy không có nghĩa là buông xuôi mọi việc. Bé rất cần sự chỉ dẫn của người lớn, nhưng là với cách thức đồng hành, chan hòa và thấu hiểu. Hãy chỉ đường cho con, hướng dẫn bé, thậm chí đưa ra những thách thức cho bé. Và, cùng bé vượt qua. Điều quan trọng nhất là bạn làm điều đó với thật nhiều tình yêu.
Điều đó khó không? Chắc hẳn rất khó. Nhưng, hãy nghĩ lại, việc trở thành cha mẹ đã là một thách thức khó nhất đời rồi. Bạn sẽ làm được. Cha mẹ của các thiên tài cũng vậy thôi, họ cũng là các bậc cha mẹ; khi đã hướng dẫn con cái thành công đến thế, chắc chắn họ không thất bại trong việc đồng hành với con.
Hãy quản lý bản thân, điều chỉnh cảm xúc, thật cương quyết nhưng nhẫn nại, và luôn nhớ rằng bé sẽ quan sát chính cha mẹ mình, để học hỏi nhiều nhất.
Đừng chĩa khẩu súng cảm xúc vào đầu con trẻ. Đừng cố tình kiểm soát bé và đánh mất lòng tin. Bạn mất kiểm soát bản thân thì bé cũng sẽ lặp lại y như thế. Bạn hoàn thiện mình chừng nào, bé sẽ lớn lên và học được chừng đó.
Hãy tràn ngập yêu thương, hãy nghĩ đến điều cốt lõi nhất là bạn yêu bé. Và, bản chất của tình yêu là cho đi mà không mong cầu nhận lại. Hãy cho thật nhiều, cho bé, cho người thân trong gia đình, cho bạn bè, đồng nghiệp, và cho từng nhành cây ngọn cỏ bạn gặp. Bởi vì, tức giận hay hòa nhã, ghét bỏ hay yêu thương đều là sự lựa chọn của chính bạn, mỗi ngày!
Bình An