Đừng chỉ dạy sinh viên kiến thức, cần dạy cả sự văn minh

(Dân trí) - Những ứng xử đẹp cần được rèn luyện từ những thói quen tưởng chừng đơn giản trong đời sống thường nhật. Trong phạm vi giảng đường đại học, là người đứng trên bục giảng, người thầy rất cần quan tâm đầu tư xây dựng những thói quen lịch sự cho người học.

Ngoài việc truyền đạt kiến thức chuyên môn để dạy các em thành danh, người thầy còn gánh trên vai công việc dạy các em thành nhân, thành người văn minh.

Khi sinh viên nộp bài kiểm tra, bài thi cần xếp hàng theo thứ tự mã số sinh viên, hoặc theo thứ tự ai làm bài xong trước nộp trước, ai làm bài xong sau nộp sau, không chen lấn, không cùng lúc ùa lên bàn giáo viên. Bạn nào thực hiện không nghiêm túc thì bị trừ điểm vào bài kiểm tra, bài thi. Ai cũng muốn về sớm, ai cũng xem thời gian của bản thân là quan trọng nhưng kỳ thực, nếu không xếp hàng, sẽ không có sự công bằng, và thời gian xử lý lại lâu hơn vì gặp trở ngại trong việc kiểm tra bài làm.

Thời gian vào học cũng phải được thực hiện nghiêm túc. Ở bậc đại học, sinh viên thường mang tâm lý đã trên 18 tuổi, đã trở thành công dân với đầy đủ bản lĩnh trách nhiệm và sự tự do nên thường cho phép bản thân hành xử có nhiều điều tùy tiện. Vin vào tư tưởng không gian sáng tạo, không gian tự do trong môi trường đại học, nhiều sinh viên vào lớp học tự tiện, thoải mái như đi vào chốn không người, bất chấp sự không hài lòng của thầy cô và bè bạn.

Câu chuyện tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng lâu dần hình thành tư duy coi thường nề nếp, xem thường quy định xử sự nơi công cộng, thiếu sự tôn trọng đối với cộng đồng, tập thể. Đó là chưa kể đến những hệ lụy như người học không nắm kịp bài học hoặc bỏ sót những kiến thức quan trọng của môn học.

Được biết, còn một số cơ sở đào tạo cũng khá thoáng về vấn đề ra vào lớp học vì cho rằng cần tôn trọng sinh viên. Thiết nghĩ, cần đặt lại vấn đề, cách suy nghĩ này có hợp lý hay không. Theo đó, nên có những quy định cụ thể, những chế tài nghiêm ngặt về giờ giấc học tập, và giảng viên cũng nên xử lý triệt để các trường hợp vi phạm để tạo dựng thói quen đúng giờ.

Một vấn nạn của học đường cứ ngỡ nhỏ nhặt nhưng hệ lụy về mặt ý thức rất lớn đó là vẽ bậy trên bàn học, trên tường. Nhiều tác phẩm nghệ thuật thường đem tình huống vẽ bậy trên bàn học, trên tường làm thành những kỷ niệm mang tính chất hoài niệm riêng có của tuổi học trò nhiều thơ mộng, đáng yêu. Tuy vậy, bản chất của hành động này vẫn là thiếu tôn trọng, không giữ gìn tài sản và cảnh quan nơi công cộng. Thật khó để kêu gọi người trẻ từ bỏ thói quen vẽ bậy hoặc khắc tên họ ở những nơi công cộng, nơi du lịch khi mà ngay tại giảng đường hành động sai trái tương tự không bị lên án và trừng phạt thích đáng.

Tôi nghĩ rằng, thái độ nghiêm khắc trong các tình huống sư phạm đơn giản như những ví dụ vừa nêu sẽ dần hình thành ý thức và thói quen về một lối sống đẹp cho học sinh, sinh viên.

Trần Xuân Tiến

(Trường Đại học Văn Hiến)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm