TPHCM:
Đưa giáo dục tài chính vào chương trình học chính khóa
(Dân trí) - Ngày 12/6, Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp với Tổ chức Cứu trợ trẻ em SCI và Quỹ Citi tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động giai đoạn 4 dự án Giáo dục tài chính cho học sinh THPT.
Nội dung của các tiết học gồm: tìm hiểu về tiền và tầm quan trọng của việc học cách quản lý tiền bạc hiệu quả, tiết kiệm, lập kế hoạch ngân sách cá nhân, giao tiếp giữa cha mẹ và con cái về vấn đề liên quan đến tiền bạc...
Trước đó, theo khảo sát của Sở GD-ĐT TPHCM và SCI thì học sinh độ tuổi 13 đến 18 bắt đầu xài tiền và có nhu cầu cần xài tiền nhưng chưa hiểu giá trị sức lao động, thiếu cân nhắc khi chi tiêu. Cụ thể kết quả khảo sát học sinh ở 7 trường THPT cho thấy chỉ 17,2% học sinh cho biết mình dành tiền được cho để tiết kiệm và chỉ xài rất ít. Có tới 8,8% dành phần lớn tiền để mua những thứ thuộc về sở thích và đặc biệt có 12% không nắm được kế hoạch tiêu tiền của bản thân. Do đó, có khoảng 1/3 học sinh cảm thấy rằng mình không có đủ tiền để chi tiêu. Và khi số tiền chi tiêu không đủ thì các em có xu hướng tự cắt giảm chi tiêu bản thân (73,5%) hơn là những cách như kiếm việc làm thêm (21,9%) và tiết kiệm (34,2%).
Tuy nhiên, sau khi được giáo dục tài chính thì 73,6 % học sinh cho biết đã thay đổi thói quen sử dụng tiền vào các khoản chi chính đáng. Chỉ còn 13,8% em dành phần lớn tiền được cho để tiết kiệm và chỉ xài rất ít. Chỉ còn 7,4% dành phần lớn tiền để mua những thứ thuộc về sở thích và tỉ lệ không nắm được kế hoạch tiêu tiền của bản than giảm xuống chỉ còn 5,2%. Có 31,1% học sinh rất tự tin về việc quản lý tài chính của mình. Số học sinh biết quan tâm đến tài chính của gia đình tăng lên với tỉ lệ 43,3%.
Lê Phương