Dự thảo thi 2017: Học sinh và nhà trường lo “trở tay không kịp”

(Dân trí) - Dự thảo phương án thi 2017 vừa được Bộ GD&ĐT chính thức công bố đã thu hút quan tâm của hàng triệu học sinh và giáo viên. Nhiều hiệu trưởng, giáo viên đồng tình phải có đổi mới nhưng nếu thay đổi bất ngờ, học sinh và nhà trường lo "trở tay không kịp".

Thầy trò đều khổ

Chia sẻ với PV Dân trí, ông Nguyễn Quốc Bình, hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho biết, nếu có thay đổi về phương án thi trong năm 2017 như dự thảo đưa ra, quả đúng rất lo lắng cho việc giảng dạy và ôn tập hiện nay ở trường phổ thông. Trong đó, quan trọng nhất là làm sao cho học sinh nắm được kiến thức theo phương thức thi năm nay.

Ông chia sẻ thêm, qua thông tin báo chí nên nhiều người trong trường biết được Dự thảo phương thức thi mới và rất lo lắng băn khoăn.

Thứ nhất, một số học sinh lo lắng cho rằng môn trước nay thường kiểm tra tự luận như Toán hoặc các môn KHXH như Sử, Địa, Giáo dục công dân… nhưng giờ phải làm quen với bài trắc nghiệm thì cả thầy và trò phải “xoay” theo hướng trắc nghiệm rất khổ.

Thí dụ, nếu thi theo hướng tự luận, thầy trò có thể dạy cách khác nhưng nếu thi trắc nghiệm, học sinh phải được dạy thế nào để nắm sâu hơn, nắm chắc hơn chứ không đơn thuần học thuộc như trước kia bởi khi thi trắc nghiệm, các em cần kiến thức đủ để loại trừ tất cả các phương án gần đúng và chọn đáp án đúng nhất.

Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2016 (ảnh Mỹ Hà)
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2016 (ảnh Mỹ Hà)

Ông Kiều Trung Tiến, nguyên Hiệu trưởng THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) cũng thẳng thắn thừa nhận, nếu triển khai Dự thảo phương án thi mới trong năm nay, chắc chắn sẽ rất khó khăn. Nếu yêu cầu thêm một số môn trắc nghiệm, học sinh cũng phải làm theo nhưng chắc chắn kết quả sẽ không cao.

“Thực lòng tôi là dân Toán nhưng tôi cũng không ủng hộ thi trắc nghiệm bởi nếu các em chỉ chọn một đáp án toàn bộ, mỗi em cũng được ít nhất 2 điểm. Nhưng nếu thi tự luận, chắc chắn sẽ để có 2 điểm là rất khó và 0 điểm là chuyện bình thường. Vậy nên tôi cho rằng, một trong những đặc điểm thể hiện bệnh thành tích là việc thi trắc nghiệm bởi nếu để một kì thi mà điểm 0 nhiều quá thì ngành giáo dục sẽ rất đáng ngại”, ông Tiến nói.

Thứ hai, theo ông Tiến, lâu nay chúng ta đang thi tự luận và cách dạy cũng để các em thi theo cách thức này. Ở phương pháp dạy để thi tự luận, học sinh phải hết sức tỉ mỉ, giải bài từng bước rõ ràng từ A-Z. Nhưng nếu thi trắc nghiệm mà dạy như hiện nay thì thi sẽ… thất bại bởi học sinh không thể đủ thời gian làm.

Ông phân tích thêm: “Nếu thi trắc nghiệm, phải dạy những thứ hết sức cơ bản, học sinh nhìn vào có thể đoán được đáp án rất nhanh. Tóm tại, thi gì thì song song với giáo trình và cách dạy đó, cùng với việc tập huấn giáo viên để triển khai và hướng dẫn một cách rõ ràng. Nếu cứ cố ép thức hiện, thì phải làm thôi nhưng hiệu quả chắc chắn sẽ không cao như mong muốn và tôi sợ sẽ “phá sản”.

Không nên vội vàng áp dụng

Trao đổi với chúng tôi, một giáo viên dạy Lịch Sử tại Hà Nội cho hay, nhiều giáo viên và học sinh đang rất lo lắng bởi nếu triển khai phương án thi mới trong năm 2017, nhiều người sẽ trở tay không kịp do cách dạy và cách học lâu nay vẫn giữ nguyên.

Ông Bình cũng khẳng định: "Không nên thay đổi gì trong năm nay! Kỳ thi THPT quốc gia vừa mới triển khai được 2 năm. Học sinh và nhà trường vừa mới bắt nhịp được thì nay phải thay đổi là quá vội vã. Năm nào vào đầu năm học mới, cả học sinh, phụ huynh và thầy cô đều phải chờ đợi xem có thay đổi gì về kì thi không, quả thực rất mệt mỏi. Đồng ý chúng ta có thay đổi nhưng cần có tính toán dài hơi chứ vội vàng thế này không nên”.

Một số hiệu trưởng trường THPT đồng ý có thay đổi nhưng cần có lộ trình (ảnh minh họa)
Một số hiệu trưởng trường THPT đồng ý có thay đổi nhưng cần có lộ trình (ảnh minh họa)

Chia sẻ thêm với chúng tôi, hiệu trưởng Bình cho rằng, tất nhiên nếu ép buộc thì các nhà trường đều phải thực hiện thôi. Tuy nhiên, có chất lượng hay không lại là chuyện khác.

“Trong khi học sinh ở thành phố, có điều kiện học tập như chúng tôi, nếu thay đổi còn thấy lo lắng và băn khoăn thế này thì một số học sinh vùng sâu, vùng xa vùng khó khăn, năng lực tiếp thu và điều kiện học tập của các em còn vất vả thì việc thay đổi này có đáp ứng được hay không” - ông Bình đặt vấn đề.

Ông Kiều Trung Tiến cũng đồng tình khi cho rằng mọi thứ đều phải có lộ trình. Trong dự thảo phương án thi mới vừa được Bộ GD&ĐT công bố, theo ông nên chọn theo cách thi 3 môn Toán, Văn, Ngoại Ngữ và chọn một trong hai bài thi KHTN hoặc KHXH.

“Chúng tôi đã từng làm thi trong nhiều năm và rất tán thành kì thi như hai năm qua vì giảm áp lực và giảm mệt mỏi cho cả phụ huynh và học sinh. Thầy cô giáo cũng đã bắt nhịp tốt với phương thức thi mới.

Tư tưởng đổi mới kì thi là rất tốt, chúng tôi rất ủng hộ nhưng nên để sau năm 2018. Trong khoảng thời gian đó, phải thông báo rõ ràng cho học sinh và giáo viên về việc sẽ thi như thế nào, sách giáo khoa và dạy học ra sao…

Trong khi chương trình và sách giáo khoa đang giữ nguyên như hiện nay, sẽ rất khó cho giáo viên và học sinh nếu cứ áp đặt phải thực hiện. Một khi khó thực hiện, chắc chắn kết quả không cao và rất lúng túng", ông Tiến cho biết.

Mỹ Hà

(Email:myha@dantri.com.vn)