Dự thảo Luật Dạy nghề tiềm tàng nhiều bất ổn

(Dân trí) - Hiện, hệ thống dạy nghề đang nỗ lực tách ra khỏi hệ thống giáo dục để khẳng định vị trí của mình. Nỗ lực này được khẳng định bằng việc dạy nghề sẽ có một bộ luật riêng song song bên cạnh Luật giáo dục.

Song, có vẻ như, việc tách dạy nghề để điều chỉnh bằng một bộ luật riêng là Luật dạy nghề đang phá vỡ tính hệ thống của Luật giáo dục.

 

PGS.TS Nguyễn Viết Sự, Nghiên cứu viên cao cấp Viện chiến lược và chương trình giáo dục (Bộ GD-ĐT) đã cho biết: Luật giáo dục 2005 công bố ngày 27/6/2005 được coi là Luật khung và các luật bên dưới như Luật dạy nghề là để cụ thể hoá các quy định về dạy nghề của Luật giáo dục và tạo những hệ thống pháp luật về dạy nghề đồng bộ, thống nhất, có giá trị pháp lý cao.

 

Như vậy có thể hiểu Luật dạy nghề không thể vượt ngoài Luật khung giáo dục 2005 được. Dạy nghề và trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo Luật giáo dục đã quy định. Nếu Luật dạy nghề chỉ để điều chỉnh mỗi lĩnh vực dạy nghề thì bậc TCCN liệu có cần một đạo luật khác nữa không?

 

Theo tôi, việc tách dạy nghề để điểu chỉnh bằng một bộ luật riêng không những phá vỡ tính hệ thống của Luật giáo dục mà còn làm phức tạp cho hệ thống các trường TCCN và CĐ mà hiện nay các trường này đều tổ chức dạy nghề. Như vậy, một trường TCCN, CĐ sẽ chịu sự điều chỉnh của hai đạo luật liên quan đến giáo dục.

 

Nhưng thưa ông, có ý kiến lại cho rằng để có thể hội nhập kinh tế cần phải có nguồn nhân lực được đào tạo chuẩn hoá. Chính vì vậy, Luật dạy nghề ra đời sẽ là hành lang pháp lý để hệ thống dạy nghề phát triển đáp ứng yêu cầu lao động kỹ thuật trực tiếp sản xuất, dịch vụ cho phát triển kinh tế xã hội?

 

Đúng vậy, để có thể hội nhập kinh tế thì chúng ta phải có nguồn lao động có trình độ, có kỹ thuật nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường lao động trong nước và ngoài nước. Điều này được thực hiện tốt khi Luật dạy nghề ra đời. Thế nhưng, Dự thảo luật dạy nghề hiện vẫn đang tiềm tàng những bất ổn.

 

Những vấn đề bất ổn trong Dự thảo luật dạy nghề là gì, thưa ông?

 

Tôi thấy khá nhiều sai sót về mặt từ ngữ, nhiều nội dung còn dàn trải, chung chung, thiếu cụ thể, trung lập trong Dự thảo Luật dạy nghề. Điều đặc biệt, một trong những vấn đề rất quan trọng nhằm nâng cao trình độ nhân lực bằng hình thức liên thông lại không rõ ràng.

 

Giữa 3 trình độ dạy nghề liên thông với trung cấp chuyên nghiệp, CĐ, ĐH bằng cách nào và có khả thi, không thấy nói đến. Như vậy muốn liên thông phải thiết kế chương trình một cách đồng bộ, xuyên suốt và trên cơ sở hình thành chương trình đào tạo theo hệ thống các môđun.

Với một số ngành nghề khó mà thực hiện được như: nghề tiện, nghề xây dựng, nghề nấu ăn... với trình độ CĐ có thể lên ĐH gì? Hay là phải có đại học nghề để tiếp nhận liên thông?

 

Đối với chương trình dạy nghề trình độ sơ cấp, theo tôi không nên đặt ra chương trình khung sơ cấp nghề vì thời gian đào tạo đối với một nghề rất khác nhau, từ 3 tháng đến dưới 12 tháng, tùy theo nhu cầu người học. Bởi vậy không thể xác định được chuẩn chung cho trình độ này.

 

Nên chăng xác định chương trình đào tạo sơ cấp nghề cụ thể theo mục tiêu và yêu cầu của người học nghề để các cơ sở tiến hành đào tạo. Kết thúc khóa học ở trình độ này, các cơ sở cấp chứng chỉ nghề là hợp lý.

 

Cùng đó, không nên đưa hoạt động dịch vụ tư vấn dạy nghề vào Luật dạy nghề, vì đó là một trong các hoạt động hướng nghiệp do các nhà trường phổ thông, trường chuyên nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên tham gia thực hiện.

 

Còn về kiểm định chất lượng cơ sở dạy nghề, cần xác định rõ tiêu chí kiểm định chất lượng của cơ sở dạy nghề bằng định lượng. Ai phụ trách trung tâm kiểm định chất lượng cơ sở dạy nghề? Việc xử lý cơ sở dạy nghề như thế nào khi cơ sở dạy nghề không thực hiện kiểm định…

 

 

Mai Minh - Hồng Hạnh

(Thực hiện)