Du học sinh Việt kể chuyện cách ly trên báo Mỹ: "Tôi không thể phàn nàn gì"
(Dân trí) - Trở về nước, trong thời gian cách ly, Kai Nguyễn (Phương Anh) đã viết báo về trải nghiệm và công tác kiểm soát dịch bệnh tại Việt Nam gửi đăng tải trên tờ National Public Radio, Mỹ.
Kai Nguyễn hiện là du học sinh tại Đại học Syracuse (New York, Mỹ). Bài viết của em có tiêu đề: Kiểm dịch tại Việt Nam: Bên trong khu cách ly cho một công dân về nước.
Dưới đây là bài báo của nữ du học sinh Việt được National Public Radio đăng hôm 6/4 vừa qua:
Thường thì khi về đến nhà ở Hà Nội, tôi sẽ đi xe máy ra đường ngay trong ngày, lượn lờ trong làn xe đông đúc của thủ đô, đi qua những hàng cà phê và đồ ăn vỉa hè nhỏ.
Cảm giác phấn khích khi tôi lách kịp qua một biển người đi bộ, xe máy, và ô tô làm tôi thấy được tự do kì lạ.
Thế nhưng lần này lại khác. Tôi may mắn mua được một trong những tấm vé máy bay cuối cùng bay khỏi Syracuse, nơi tôi theo học ngành báo ảnh ở trường Đại học Syracuse.
Sau một chuyến đi kéo dài 30 tiếng với rất nhiều hành khách đeo khẩu trang, găng tay vinyl, và kính bảo vệ, thay vì đi qua cánh cửa tự động nơi mà bố và ông nội tôi luôn đợi đón tôi, tôi được đưa lên xe buýt tới khu cách ly ở phía bên kia thành phố và xe buýt được phun khử trùng.
Nơi cách ly tập trung của chúng tôi là ký túc xá Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, một trong những địa điểm được chuẩn bị để cách ly những người Việt Nam trở về từ khắp nơi trên thế giới. Phòng của tôi có 8 người, chia thành 4 chiếc giường tầng. Chúng tôi luôn cố gắng giữ khoảng cách với nhau xa nhất có thể và luôn đeo khẩu trang, trừ khi ăn uống.
Đêm đầu tiên bước chân tới khu cách ly, phòng của tôi đã được chuẩn bị sẵn màn, chăn gối, giấy vệ sinh và xà phòng rửa tay. Sáng hôm sau, chúng tôi được phát thêm cả cốc, khăn mặt, dầu gội, sữa tắm và móc treo quần áo.
Mỗi ngày, một người sẽ được nhận được 3 suất cơm cùng khẩu trang và nước rửa tay. Các phòng đều được khử trùng thường xuyên. Vài ngày sau khi tới đây, chúng tôi được xét nghiệm Covid-19. Tất cả mọi thứ đều miễn phí.
Cuộc sống ở đây rất dễ dàng. Tôi không thể phàn nàn gì. Tuy nhiên tôi không có việc gì để làm ngoài việc ăn và ngủ, nên ngoài làm bài tập về nhà thì tôi chơi game trên điện thoại, đi bộ quanh khu, và chụp ảnh để giữ đầu óc tỉnh táo.
Tôi biết rằng trong một đại dịch toàn cầu, nếu tôi chỉ thấy buồn chán thì tôi quá may mắn. Thế nhưng cùng lúc thì tôi cũng đang khó để không thấy hụt hẫng.
Khoảng thời gian ở Mỹ của tôi bị cắt ngắn và tôi không biết khi nào tôi mới có thể quay lại. Trường tôi đã huỷ lễ tốt nghiệp vào tháng 5 này và bố mẹ tôi cũng phải huỷ kế hoạch sang Mỹ để xem tôi mặc bộ đồ cử nhân.
Với tất cả những thời gian rảnh mà tôi có ở đây thì tôi lại càng nghĩ về các bạn tôi ở Mỹ, nhớ về những khoảng thời gian chúng tôi đi chụp ảnh cùng nhau, giúp nhau biên tập các dự án, những buổi đi uống và tâm sự. Việc phải chia tay các bạn đột ngột làm tôi rất buồn.
Ngay trong khu cách ly này, rất nhiều cuộc sống đã bị đảo lộn theo nhiều cách khác nhau. Một chị ở cùng phòng với tôi đã về nước cùng với hai đứa con 2 và 5 tuổi, trong khi chồng chị vẫn đang làm việc tại Nhật Bản.
Gia đình họ nói chuyện hàng tiếng mỗi buổi tối. Một em khác là sinh viên của một đại học ở Ohio cũng đang cố gắng theo kịp các lớp học online qua Zoom ở nơi cách Việt Nam 11 múi giờ. Một chị khác thì phải tạm hoãn đám cưới của mình.
Có một chú mặc quân phục là chỉ huy khu cách ly của chúng tôi. Có lần chú nhắc nhở một người không chịu đeo khẩu trang. Đồng thời, chú cũng thường mong bà con thấu hiểu cho những vất vả của nhân viên y tế tại đây, những người mà chú trìu mến gọi là “anh em”.
Ngay cả khi họ đang mặc những bộ đồ bảo hộ, những người nhân viên y tế đều đang đánh cược sức khoẻ của họ. Họ cũng sẽ phải cách ly thêm 2 tuần sau khi những người cuối cùng ra khỏi khu cách ly. Chúng tôi vỗ tay cổ vũ tinh thần cho họ, mong rằng họ biết rằng chúng tôi đều biết ơn cho những sự hy sinh của họ.
Trao đổi với PV Dân trí, nữ du học sinh Phương Anh cho hay, thực ra bài báo của em trên NPR không hoàn toàn là về cách kiểm soát dịch của Việt Nam, mà tập trung vào trải nghiệm của cá nhân em khi em đi từ Mỹ về và ở trong trại cách ly. Em ghi lại chuyến hành trình này vì nhiều lí do.
“Việc chụp ảnh giúp em lấy lại bình tĩnh trong những khoảng thời gian nhiễu loạn, vì nó bắt em phải tập trung vào hiện tại ngay trước mặt thay vì nghĩ quá nhiều về tương lai. Em cũng muốn ghi lại trải nghiệm của mình vì em nghĩ dù không phải ai cũng làm những thứ như em, những cảm xúc mà em thấy có thể sẽ nhiều người hiểu được.
Em thấy như thế nào thì em ghi lại như thế nên ý kiến hoàn toàn chủ quan nhưng thật lòng. Qua góc nhìn của em thì em cũng muốn người xem thấy được một khía cạnh nhỏ trong những nỗ lực rộng rãi kiểm soát Covid-19 ở Việt Nam, vì em nghĩ nước mình dù đang làm rất tốt trong khả năng của mình nhưng lại chưa được nhận ra”, Phương Anh nói.
Thêm nữa, Phương Anh hiện học ngành báo ảnh ở Mỹ thế nên đa số những người em quen trong ngành là ở bên đó.
“Em có gửi câu chuyện này với em đến cho một Giáo sư ảnh của em bên trường và bày tỏ mong muốn được đăng bài ở một báo nào đó.
Thầy em tin vào tiềm năng của câu chuyện ảnh này nên có gửi đến cho một số biên tập ảnh thì cô biên tập ảnh ở NPR, người mà em được từng gặp mặt vài lần, có email lại. Sau khi em gửi thêm ảnh và giải thích một chút thì cô đồng ý nhận đăng lên mục những câu chuyện ảnh của NPR.
Em hi vọng, thông qua câu chuyện mình kể, bạn đọc quốc tế có thể hiểu thêm về nỗ lực kiểm soát dịch của nước ta bằng ngòi bút cũng như những bức hình ẩn chứa niềm tự hào và khâm phục về quê hương Việt Nam”, Phương Anh bày tỏ.
Lệ Thu