Du học sinh thuê phòng: Hành trình gian truân

(Dân trí) - Trong hành trang chuẩn bị lên đường đi du học, nếu bạn đã có được xác nhận cho thuê phòng tại nơi mình sẽ sinh sống và học tập thì đó là điều tuyệt vời. Tuy nhiên, may mắn ấy đến với rất ít người.

Tìm qua nhiều nguồn thông tin

 

Hiện nay, rất nhiều bạn muốn đi du học rút kinh nghiệm từ những người đi trước là đã đăng tin trên các diễn đàn của du học sinh để tìm phòng trong khoảng thời gian nào đó. Đây là một sự chuẩn bị cần thiết vì có rất nhiều bạn khi sang đến nơi thì phải ở trong nhà nghỉ một thời gian dài vì không thể tìm được phòng cho thuê.

 

Thông qua việc được chỉ bảo “đường đi, nước nước”, các bạn có thể có phòng để khi sang là “vào ổ” ngay. Dù sao đi nữa thì người Việt với nhau cũng ưu tiên cho thành viên mới trước.

 

Một số bạn không có người thân tại thành phố mà mình muốn đến du học thì tìm cách “cầu cứu” phòng quản lý du học sinh của trường hoặc ban quản lý ký túc xá. Tuy nhiên, xác suất thành công là không lớn vì nhiều ký túc xá đã phân phát hết phòng cho những người liên hệ trước. Lúc này, hồi âm cũng chỉ là những gợi ý, những chỉ dẫn để các bạn có thêm thông tin và tìm ở các nơi khác.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa



Với những bạn đi làm nghiên cứu sinh thì có thể nhờ giáo sư hướng dẫn đề tài giúp đỡ việc này. Các giáo sư khi đã nhận hướng dẫn thì rất có trách nhiệm không chỉ trong học thuật mà còn trong nhiều việc khác như: tư vấn cách đi lại, ăn ở, mua sắm… Khi có xác nhận của giáo sư thì việc tìm phòng thuê sẽ dễ hơn, nhất là những trường hợp đang còn ở Việt Nam thì người cho thuê cũng không tin tưởng trong khi họ cần có chữ ký ngay trong hợp đồng.

 

Một trong nhiều cách để tìm phòng nữa là các bạn ở Việt Nam cũng có thể nhờ bạn bè, người thân tại thành phố mình sẽ đến học tìm giúp và đặt luôn cả tiền cọc. Có thể các bạn sẽ mất tiền thuê vài tháng khi mà mình chưa sang để ở vì sang muộn so với thời gian nhập học chẳng hạn. Nhưng, để có một căn phòng phù hợp với khoản tiền cho phép chi tiêu hàng tháng, gần nơi học, đi lại thuận tiện thì phải chấp nhận việc này.

 

…và những chú ý cần thiết

 

Có được phòng để ở dù là trong ký túc xá hay các căn hộ bên ngoài thì việc cần thiết là các bạn phải chú ý đến thời hạn cho thuê. Một số nơi chỉ ký hợp đồng cho thuê trong 1 học kỳ và sau đó tính tiếp. Vì người cho thuê chuẩn bị tăng giá phòng cho học kỳ tới hoặc chuẩn bị sửa chữa lại và không cho thuê nữa.

 

Khi đã ổn định nơi ở thì các bạn cũng có thể nộp đơn xin vào các ký túc xá khác nếu nơi đang ở mình cảm thấy bất tiện, giá thuê hàng tháng lại cao. Tuy nhiên, việc xin vào một nơi khác, tìm kiếm phòng ở nơi khác cần phải thực hiện nhanh chóng nhất là nhu cầu được vào ở trong các ký túc xá luôn luôn lớn. Đôi khi, đơn gửi cả năm vẫn không được duyệt vì còn rất nhiều người đang “xếp hàng” chờ.

 

Nhiều trường tại Đức thường không “duyệt” cho sinh viên vào ở ký túc xá khi mà sinh viên này đang hưởng một học bổng nào đó trong quá trình đi du học. Giải thích cho việc này là khi đã có học bổng thì có thể thuê phòng ở bên ngoài với giá cao hơn. Các phòng trong ký túc xá giá “mềm” hơn và ưu tiên dành cho sinh viên đang còn nhận “trợ cấp” từ gia đình.

 

Một chú ý cần thiết nữa với các du học sinh mong muốn làm nghiên cứu sinh ở Đức và cũng muốn ở ký túc xá là nhiều nơi chỉ cho phép người thuê ở đó khi họ đến 30 tuổi. Sau tuổi đó thì cho dù còn thời gian học tập, nghiên cứu cũng “xin mời”. Đây là quy định đôi khi không thể hiện trong hợp đồng và làm người khác bất ngờ khi chưa chuẩn bị tìm phòng mà đã có thông báo không cho gia hạn hợp đồng.

 

Ngoài ra, việc giữ gìn vệ sinh phòng thuê, bảo quản các đồ dùng của người cho thuê đã có sẵn trong phòng cũng cần các bạn hết sức chú ý. Khi nhận phòng, các bạn cần xem xét kỹ những hỏng hóc, dơ bẩn nếu có để yêu cầu người cho thuê ghi vào hợp đồng. Nếu không, ngày trả phòng thì những hư hỏng này sẽ bị trừ vào tiền “thế chân”. Và các bạn phải mua sơn về sơn lại phòng trước khi trả nếu trong quá trình sử dụng để xảy ra dơ bẩn trên tường.

 

Phòng ở trong quá trình du học luôn là nỗi lo của rất nhiều bạn, nhất là các bạn chuẩn bị sang hay mới sang và chưa có kinh nghiệm trong việc tìm phòng, thuê phòng. “An cư mới lạc nghiệp” – đó là điều các bạn cần chú ý để hành trình du học bớt gian nan.

 

Nguyễn Quốc Vỹ

DHS Đức – nguyenquocvy@gmail.com

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm