Du học sinh: Sốc ngược, sốc xuôi
Không chỉ lạ lẫm với môi trường mới khi chân ướt chân ráo đến xứ người, du học sinh Việt Nam còn ngỡ ngàng khi hòa nhập lại với thói quen ở quê nhà sau 4-5 năm du học.
“Xuôi” ở xứ người
Hiểu một cách đơn giản, đó là những bỡ ngỡ của du học sinh khi hòa mình sống trong một nền văn hóa, không gian sống, thói quen… khác hẳn với Việt Nam.
Hoàng Linh, sinh viên năm thứ 3 trường ĐH Monash (Australia) giờ vẫn chưa quên những ngỡ ngàng khi lần đầu tiên nhìn thấy nơi mình sẽ đến học và sinh sống. Người tư vấn có nói rằng nước Australia đất đai rộng rãi nhưng người dân thì ít, không đông đúc ồn ào. Vậy nhưng đến nơi, Linh “choáng” với sự thưa thớt và đơn giản ở nơi đây.
Ngạc nhiên hơn khi nhà cửa của một nước giàu có lại không có gì nguy nga tráng lệ cả. Người Australia không coi trọng hình dáng bên ngoài mà phần lớn chú trọng vào diện tích và thiết bị nội thất. Điều đặc biệt là trần nhà nào cũng thấp, hoàn toàn trái ngược so với vóc dáng cao to của người dân!
Nếu lần đầu đặt chân tới Mỹ, nhiều du học sinh sẽ phải thốt lên: “Ồ! Ăn mặc mát mẻ quá!”. Một bộ phận thanh thiếu niên Mỹ thích mặc quần trễ cạp và tất nhiên là phải... hở rốn. Có những cô cậu thì quần đã tụt đến nửa mông và chỉ được hờ hững giữ lại bằng một chiếc dây lưng. Còn nếu đi chơi, đi mua sắm hay cả khi tới trường, nhiều người chỉ diện quần soóc, mặc áo trễ cổ và thậm chí trễ tới... 2/3 phần ngực.
Giá cả xứ người cũng tạo ra không ít hình ảnh “mắt chữ O mồm chữ A” khi đọc giá ở cửa hàng, siêu thị. Mới hôm trước ở Việt Nam, mua chiếc chổi quét nhà chỉ đáng giá 5.000 đồng, nhưng chỉ ngày hôm sau, khi đặt chân ở Australia, bạn đã phải bỏ ra 5 AUD (khoảng 60.000 đồng) để mua một chiếc chổi tương tự. Còn nếu như phở Thìn nổi tiếng đất Hà Thành cũng chỉ có 20.000 đồng/bát thì khi sang Mỹ, cái giá bình dân của nó đã lên tới 180.000 đồng!
“Ngược” khi về nhà
Kinh nghiệm của nhiều sinh viên khi du học 4-5 năm quay trở về nhà thường là những lạ lẫm, khó khăn, thậm chí là vấp váp khi phải “làm quen” lại với môi trường từng nuôi dưỡng mình đến lúc trưởng thành. Để giảm cú sốc văn hóa ngược đó, những du học sinh sắp tốt nghiệp cần được chuẩn bị trước về mặt tâm lý cũng như trang bị một số kĩ năng.
Minh Thư, vừa trở về từ Australia, đã kể lại những cú sốc ngược với câu nói “cảm ơn” và “xin lỗi”. Những tưởng là người lịch sự nhưng mấy điều nho nhỏ trong giao tiếp học được ở xứ người đến khi mang về ứng dụng ở quê nhà lại là cả một sự rườm rà. Thư kể: Đi cùng bạn bè vào quán ăn, ai cũng đã quen với phong cách phục vụ của nhân viên là âm thầm bưng đồ ăn ra đặt xuống bàn rồi lặng lẽ bỏ đi. Quen đến mức cả thực khách lẫn nhân viên phục vụ ai cũng coi như chuyện đương nhiên.
Khi thấy nhân viên bưng đồ ăn ra, thay vì làm bộ thờ ơ hay lơ đễnh với món ăn như những người xung quanh, Thư lại bỏ ngang câu chuyện đang nói, quay ra “cảm ơn em” với người bưng đồ rồi mới lại tiếp tục câu chuyện bỏ dở với bạn bè. Chỉ một hành động nhỏ đó thôi, Thư cũng đã tạo ra sự khác biệt ngoài mong muốn với những người xung quanh. Người thân tình thì buông ngay câu nhận xét xuề xòa chẳng biết là khen hay không: “Đúng là mới đi Tây về có khác!”. Còn đa số thì lặng im.
Vừa trở về từ Mỹ, Hữu Mạnh lại gặp “trục trặc” tại nơi làm việc, một cơ quan của Bộ. “Giờ không biết là nói gì với đồng nghiệp cho phải nữa!”, Mạnh than phiền. Số là đến cơ quan, khi Mạnh chẳng may đứng chắn lối ai đó đang đi lại thì thay vì chỉ đơn giản đứng né sang một bên như mọi người thì cậu chàng, theo thói quen, kèm theo một câu “xin lỗi”. Chỉ sau một thời gian ngắn, cứ luôn miệng “xin lỗi” và “cảm ơn”, Mạnh đã bị nhìn ngó như một vật thể lạ. Người đố kị thì cho rằng Mạnh đang muốn ăn điểm ga-lăng trong mắt mọi người hoặc bày đặt chứng tỏ nọ kia.
Sự khác nhau giữa hai nơi khác biệt về hệ thống xã hội, kinh tế, nền tảng văn hóa, học vấn, dân trí, quan niệm đạo đức là điều đương nhiên và bạn phải học cách tiếp cận và chấp nhận. Nên nhớ, lấp khoảng trống giữa hai nền văn hóa hay hai quốc gia nơi bạn từng du học và nơi bạn trở về là điều không tưởng! Vậy thì cách tốt nhất là không tự khoét sâu thêm lỗ hổng đó trong cuộc sống của bản thân khi trở về bằng cách thiết thực nhất là hạn chế bớt rồi loại hẳn 1001 “tại sao” của mình!
Theo TG &VN