Du học sinh ở Mỹ về nước làm việc ngày một đông
(Dân trí) - Theo thống kê của Tổ chức du học sinh Việt Nam tại Mỹ thì lượng du học sinh tại Mỹ trở về Việt Nam làm việc trong năm vừa qua tăng mạnh lên đến 40%.
Theo anh Khoa, từ năm 1998 - 2008 ước tính có khoảng 50.000 học sinh, sinh viên Việt Nam sang Mỹ du học. Riêng trong năm học 2008 - 2009 số lượng du học sinh sang Mỹ học tăng “đột biến” lên tới 12.823 người với nhiều cấp học, (đạt 46,2%), trong đó hệ đại học là 72,1%. Với con số này, Việt Nam đứng thứ 7 trên thế giới đối với du học sinh học tại Mỹ, tốc độ tăng trưởng cũng nhanh nhất.
Song song với lượng du học sinh sang Mỹ tăng như vậy thì lượng du học sinh trở về Việt Nam làm việc cũng tăng đáng kể. Cũng theo anh Khoa, cách đây 7 năm, lượng du học sinh Việt Nam tại Mỹ trở về nước rất ít, thường chỉ chiếm 20%. Tuy nhiên, trong năm 2008 - 2009 thì tỷ lệ này đã thay đổi lên tới 40% .
Theo anh tại sao lại có sự thay đổi như vậy?
Lý do khủng hoảng tài chính của Mỹ trong năm vừa qua đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc làm và thu nhập của người dân. Nhiều công ty của Chính phủ Mỹ, họ đã không được quyền tuyển người nước ngoài vào làm việc.
Song song đó thì tình hình kinh tế ở Việt Nam hiện nay phát triển rất tốt, điều kiện làm việc cũng thuận lợi hơn, du học sinh có nhiều cơ hội tìm vị trí việc làm, thu nhập cũng trả xứng đáng nên các bạn du học sinh trở về là đương nhiên.
Vừa qua, Bộ GD- ĐT đã công bố dự thảo "Quy chế quản lý công dân Việt Nam đang đào tạo ở nước ngoài". Theo anh dự thảo này có ưu điểm và hạn chế gì đối với du học sinh?
Sau khi dự thảo công bố, lưu học sinh (LHS) ở Mỹ chúng tôi cũng đã họp lại và có góp ý phản hồi lại với Bộ GD- ĐT. Ưu điểm của dự thảo này là Bộ đã có sự quan tâm nhất định về Lưu học sinh (LHS) và cố gắng kiểm soát thông tin và phản hồi trực tiếp của LHS. Tuy nhiên, có điểm chúng tôi không đồng tình có điểm hơi cứng nhắc như quy định phải trở về Việt Nam sau thời gian học là 3 năm, đánh thuế 2 lần...
Chúng tôi cũng đã tìm hiểu một số quy chế ở nhiều nước, gần nhất là Trung Quốc, trước những năm 1970, lưu học sinh Trung Quốc đi du học rất nhiều và họ lúc nào cũng khuyến khích LHS về nước làm việc nhưng họ không có luật nào bắt buộc LHS phải về nước làm việc. Nhưng những LHS ở lại nước ngoài họ cũng có đóng góp nhất định cho đất nước hơn là trở về nước làm việc.
Hiện nay mình đang sống trong thế giới phẳng, khác thế giới cách đây 5 – 10 năm, tức là một bạn về Việt Nam chưa chắc đã có đóng góp cho đất nước như một bạn đang sống ở Mỹ. Tôi nghĩ Bộ Giáo dục nên linh động hơn về vấn đề này và nhìn nhận sát sao hơn.
Còn về vấn đề nộp thuế 2 lần. Tôi thiết nghĩ, việc đi làm nộp thuế là nghĩa vụ của công dân. Làm việc ở Mỹ hay ở Việt Nam thì cũng phải nộp thuế. Ở Việt Nam muốn đánh thuế thì theo thông lệ quốc tế thì Mỹ và Việt Nam phải có quan hệ với nhau về thuế để tránh đánh thuế 2 lần. Ví dụ: Ở Mỹ mình bị đánh thuế 40% khi về Việt Nam bị đánh thuế 30% thì người làm việc không còn gì nữa. Do vậy, tôi nghĩ, Bộ Giáo dục xem lại quy định này.
Dự thảo quy định LHS phải gửi thông tin về cho Bộ GD-ĐT. Theo anh như vậy có hợp lý hay không?
Hồng Hạnh