Du học ở Canada - Những điển hình thành công
Du học sinh Canada thành đạt và cảm nhận
“Canada đang xây dựng năng lực nghiên cứu đẳng cấp thế giới thông qua việc tuyển chọn các nghiên cứu sinh hàng đầu, đặc biệt ở cấp độ sau đại học”, Đại sứ Canada tại Việt Nam Deborah Chatsis nói.
Hiện nay có hơn 178.000 học sinh Việt Nam đang học tập từ PTTH đến bậc Cao học tại Canada. Hầu hết trong số họ đã trải qua những năm tháng học tập tuyệt vời trên con đường phát triển tri thức, nhân cách và thành đạt khi bước vào đời.
Dưới đây là những cảm nhận chân tình của những người trong cuộc.
Anh Nguyễn Văn Quang: “Cựu du học sinh Canada” - Giám đốc CEI Việt Nam, người đã từng sống và làm việc ở Canada hơn 20 năm:
Tôi sang Canada lần đầu tiên hôm đó là ngày 7, tháng Giêng năm 1977. Ngày hôm trước Canada có bão tuyết rất lớn, cao cả thước. Lúc đó mình cứ tưởng Canada khi nào mùa Đông cũng sẽ như vậy và không có mùa Hè. Đến giờ mình biết có rất nhiều em hiểu Canada theo cách đó nhưng thật sự là Canada có 4 mùa và mùa hè cũng tràn ánh nắng giống như Việt Nam.
Đặc biệt Canada là đất nước đa văn hóa. Tôi theo học Trung học tại một trường ở Montreal, sau này học Đại học tại MaGrill - đây là Trường ĐH được xếp hạng 1 trong 20 trường tốt nhất thế giới. Hiện nay, các trường ở Canada đang thu hút rất nhiều du học sinh quốc tế. Các trường ở Canada rất là khác biệt là người ta chú trọng đến văn hóa của du học sinh, do đó có rất nhiều những hiệp hội của du học sinh giúp mình thích nghi với đời sống ở bên đó, mình cũng có thể vừa làm bạn với các bạn học sinh Canada, vừa kết bạn quốc tế như trong cộng đồng đất nước của mình vậy. Tuy nhiên trên thực tế khó khăn mà du học sinh chúng ta vẫn gặp phải là “sốc văn hóa” song chỉ cần 1 tuần là có thể thích nghi, có người cũng trải qua đến 2, 3 tháng. Điều này sẽ mau chóng qua nhanh khi ta tự hưng phấn tham gia vào các hoạt động của trường, các câu lạc bộ học tập, vui chơi và rèn luyện kỹ năng… Tại các trường của Canada đều có những người tư vấn về tâm lý, người ta hiểu rất là rõ về vấn đề này, mình nên kiếm tìm đến những người tư vấn tâm lý như vậy, sau khi vượt qua được “sốc văn hóa”, cuộc sống sẽ hạnh phúc và dễ dàng biết bao.
Võ Hiếu Dân, Giảng viên trường đại học Victoria
Đặt chân đến Canada cách đây 10 năm, bắt đầu từ học tiếng Anh, qua đại học, rồi thạc sĩ, đến nay làm nghiên cứu sinh tiến sĩ năm cuối và tham gia giảng dạy tại Đại học Victoria, Võ Hiếu Dân có những điều để chia sẻ về kinh nghiệm du học thành công.
Năm 2001, nguyên học sinh trường phổ thông Lê Quý Đôn TPHCM, Dân được ba mẹ cho sang du học. Anh chọn Đại học Victoria, thuộc tỉnh British Columbia làm nơi khởi đầu học tiếng Anh, và kết cục đã ở lại đó tận bây giờ. Năm đầu chi phí chưa nhiều, nhưng cũng là cố gắng rất lớn của ba mẹ.
Là sinh viên năm thứ hai, Dân có công việc trường cho làm thêm - trông coi thư viện. "Tiền công trường trả như cho, 10-11 đô một giờ", Dân kể lại. Đó thực sự là nguồn thu quan trọng để chia sẻ gánh nặng với ba mẹ. Chính sách chung ở Canada cho sinh viên quốc tế tại các trường cao đẳng và đại học, qua 6 tháng đến một năm học đầu tiên, được phép làm thêm bán thời gian khi đang học hoặc toàn bộ thời gian vào kỳ nghỉ.
Lời khuyên quan trọng mà Dân có thể chia sẻ với các bạn trẻ là: cần biết tìm kiếm cơ hội học bổng. "Học bổng không tự nhiên đến với bạn". Văn phòng sinh viên quốc tế thường có ở các trường là nơi trợ giúp bạn tìm hiểu các điều kiện học bổng và thực hiện đúng các thủ tục cần thiết. Với cách đó, khi lên học thạc sĩ Dân đã được học bổng từ các trường. Vài tháng trước khi tốt nghiệp đại học, năm 2005, Dân đã được trường báo tin sẽ được nhận chuyển tiếp học thạc sĩ. Đó thực sự là thành công.
Dân nói; "Canada là nơi tuyệt đẹp để học tập". Một năm nữa anh sẽ hoàn thành chương trình học tiến sĩ kinh tế. Kế hoạch tiếp theo của anh là giảng dạy tại Đại học Victoria. "Công việc sung sướng nhất là giảng dạy, bởi vì nó cho mình điều kiện tiếp tục nghiên cứu", anh chia sẻ
Tấn Phú, tốt nghiệp ngành Dầu khí tại trường SAIT
Mình vừa tốt nghiệp ngành dầu khí tại trường SAIT ở thành phố Calgary thuộc tỉnh bang Alberta và hiện giờ đang làm việc ở thành phố Calgary. Từ những ngày đầu tiên đến Canada, mình đã đặt mục tiêu là sẽ tìm một công việc bán thời gian để có thể nhẹ bớt gánh nặng cho gia đình. Và mình tìm được việc làm cashier cho một cửa hàng bán đồ ăn trong trường và làm ở đó cho đến khi mình nhận được giấy phép để có thể làm việc ngòai trường sau 6 tháng học. Việc làm đầu tiên ở Canada với khỏan thu nhập khá là khiêm tốn nhưng cũng giúp mình có được một khoảng chi tiêu, nhẹ bớt gánh nặng cho gia đình. Sau khi nhận được giấy phép để làm việc ngòai trường, cũng là bắt đầu kỳ nghỉ hè. Sinh viên được nghỉ 4 tháng hè, là một thời gian lý tưởng để đi làm kiếm tiền cho năm học sắp tới. Mình cũng tạm nghỉ công việc hiện tại và tìm một công việc ngòai trường. Lúc này với khả năng ngoại ngữ cũng tốt hơn trước, mình được nhận vào làm trợ lý văn phòng cho một phòng khám mắt tư nhân. Với công việc tốt và mức lương tốt hơn trước, bốn tháng hè mình dành dụm được một khoảng tiền có thể đủ đóng tiền học phí cho học kỳ sau. Rồi cũng đến ngày tốt nghiệp và ra trường, vừa vui mừng vì đã kết thúc chặng đường đầu lại bắt đầu phải lo tìm việc làm. Các trường đều có văn phòng để giúp đỡ sinh viên trong việc tìm kiếm việc làm. Mình mất khoảng hai tháng sau khi ra trường để tìm việc làm và có được công việc mình mong muốn. Giờ mình đang có được một công việc tốt như mong muốn và sẽ ở lại Canada làm việc ba năm. Em gái mình cũng đang được hướng dẫn làm hồ sơ để sang Canada du học như mình.
Đối với Đặng Bùi Hoàn - sinh viên VN đầu tiên nhận học bổng danh giá: Vanier Canada Graduate Scholarship (CGS). Hoàn từng là học sinh THCS ở trường Lê Quý Đôn (Q.Cầu Giấy, Hà Nội), THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Năm 2001, Hoàn được học bổng Freeman du học ở Mỹ, tốt nghiệp cử nhân trường ĐH Wesleyan và Caltech, rồi làm thạc sĩ ngành Vật lý ở Princeton. Hiện nay Hoàn đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Viện Vật lý lý thuyết Perimeter và trường ĐH Waterloo ở Canada về chuyên ngành thông tin lượng tử (Quantum information): “Đi du học không chỉ tận dụng những ưu thế trong nền giáo dục của các nước tiên tiến để nâng cao học vấn và kiến thức chuyên môn của mình mà còn để học cách sống, cách suy nghĩ và trưởng thành. Ở VN, sức ép về kết quả học tập đôi khi quá lớn khiến học sinh - sinh viên ít có thời gian tham gia vào các hoạt động khác”. Từ kinh nghiệm của mình, Hoàn đúc kết : “Các học sinh - sinh viên VN cố gắng dành thêm thời gian tham gia vào các hoạt động xã hội hoặc văn nghệ, thể thao. Nó không chỉ giúp các bạn có một bộ hồ sơ “hoàn chỉnh” hơn khi xin học bổng mà nó thật sự giúp bạn trở thành một công dân có ích hơn với xã hội, ngoài ra, nó giúp bạn có một cuộc sống trọn vẹn hơn”.
Canada là quốc gia của dân nhập cư và luôn quan tâm phát triển nền văn hóa đa sắc tộc, chính vì vậy bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc luôn được tôn trọng, giữ gìn và phát huy, nơi đây nổi tiếng là 1 đất nước hòa bình, sạch đẹp và an toàn, vũ khí không được phép sử dụng.
Tuần Lễ Triển lãm giáo dục Canada 2011 - Hành trình đến thành công. Chính phủ Canada sẽ tổ chức Tuần lễ giáo dục Canada tại Việt Nam lần thứ ba (2011), bắt đầu từ TP Hồ Chí Minh (23/10/2011) tại khách sạn Intercontinental, Đà Nẵng (26/10/2011) tại trường đại học Đà Nẵng và Hà Nội (29/10/2011) tại khách sạn Grand Plaza với sự tham dự của trên 70 trường đại học, cao đẳng, và trung học. Tuần lễ giáo dục Canada bao gồm các hoạt động tư vấn tuyển sinh, các hội thảo chuyên đề về hệ thống giáo dục Canada, học tập và cơ hội tại các tỉnh bang và hướng dẫn thủ tục xin visa du học. Ngoài ra, điểm mới và nổi bật của triển lãm năm nay là khu vực thông tin - giải trí "Góc Canada" với các hiệu ứng tương tác sinh động nhằm tạo điều kiện cho công chúng Việt Nam khám phá và trải nghiệm nhiều điều lý thú về đất nước Canada. Để biết thêm nhiều thông tin mới và hữu ích, mời truy cập: www.duhoc-o-canada.com và www.educationau-incanada.ca |