Du học Mỹ về, thu nhập thấp nhất 2.000 USD?
(Dân trí) - Chỉ còn vài tháng nữa, mùa tuyển sinh đại học của Mỹ lại bắt đầu. Đó cũng là lúc nhiều học sinh Việt mang theo bao hoài bão về tri thức lên đường đi tìm cơ hội cho riêng mình. Tuy nhiên, chọn ngành nào phù hợp luôn là nỗi băn khoăn của các du học sinh và gia đình.
Để góp phần chia sẻ những ưu tư đó tới các phụ huynh và học sinh có thành tích cao, chuẩn bị lên đường sang Mỹ du học, IvyPrep Education đã mời Nhóm gần 10 Tiến sĩ tốt nghiệp các trường đại học hàng đầu tại Mỹ, các du học sinh ưu tú của IvyPrep đang theo học tại Mỹ… cùng hội tụ tại sự kiện "IVIANS PRIDE, 15 years of excellence" một trong những sự kiện hướng đến sinh nhật 15 năm của thương hiệu này.
Chọn ngành gì trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang khiến toàn bộ thế giới thay đổi quả là việc không hề đơn giản. Bà Nguyễn Thị An Quyên – Giám đốc điều hành IvyPrep Education- chia sẻ, “khoảng chục năm trước, ít ai có thể nghĩ rằng mọi người - những người sử dụng facebook bây giờ- đều có thể thành nhà báo. Trong khi đó, cách đây vài tuần có 1 tờ báo nổi tiếng của Mỹ đã phải dừng bản in.
Hay với sự xuất hiện của Grab và Uber thì nhiều hãng taxi truyền thống khó còn trụ vững như trước. Hay xu hướng đưa robot vào các nhà máy hiện đã làm hàng nghìn công nhân nghỉ việc… Viễn cảnh nghề nghiệp giống như một ‘Tương lai đầy bất định’ và không thể kiểm soát nhưng chúng ta cần chuẩn bị để thích nghi với điều đó”.
Có nhiều ngành học ở Mỹ rất nổi tiếng nhưng ở Việt Nam lại hoàn toàn mới lạ như ngành y xã hội học mà Tiến sĩ Nguyễn Trương Nam - Viện trưởng Viện nghiên cứu Y Xã hội học đã theo đuổi. Anh từng học Thạc sĩ rồi Tiến sĩ Y tế công cộng ngành y xã hội học, Trường Đại học Columbia, New York. Hiện anh đang tập trung nghiên cứu các dự án ảnh hưởng của xã hội đến sức khỏe.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Trương Nam, hiện nay thế giới nghiên cứu ngành y không chỉ ở yếu tố sinh học, yếu tố bệnh lý mà còn nghiên cứu cả các yếu tố tác động đến sức khỏe, tác động tới bệnh tật và công tác phòng chống bệnh tật. Trước câu hỏi “học y xã hội học thì ra trường có thể xin việc vào đâu”, Tiến sĩ Nam cho hay, cơ hội làm việc trong ngành này là rộng mở với nhiều đối tượng.
“Ở Việt Nam chưa có đào tạo riêng y xã hội học, nên các bạn có thể học các ngành khác như cử nhân xã hội học, cử nhân tâm lý học, cử nhân y tế công cộng, cử nhân giáo dục, cử nhân kinh tế… và đều làm y xã hội học được. Vì các bạn có thể làm nghiên cứu, chạy dự án. Nếu muốn làm việc trong môi trường nhà nước thì ngoài bệnh viện, các bạn có thể vào trung tâm phòng chống dịch bệnh các tỉnh, thành. Với khối ngoài nhà nước, sẽ có khối các viện nghiên cứu y tế công cộng, viện nghiên cứu sức khỏe, có các cơ sở đào tạo”- anh Nam khẳng định. Theo Tiến sĩ Nam, nếu có điều kiện, các bạn trẻ nên đến Mỹ hay các quốc gia phát triển để học nền tảng về ngành y hoặc ngành y xã hội học để về nước làm việc.
Nếu như y xã hội học là nghề mới lạ với Việt Nam thì ngân hàng đang là nghề hot được các bạn trẻ ưu tiên lựa chọn. Từng theo học Tiến sĩ Kinh tế tại Virginia Teach (Virginia Polytechnic Institute and State University) - một trong ba viện đại học lớn nhất và đi đầu về nghiên cứu trong khu vực Thịnh vượng chung Hoa Kỳ, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Đối ngoại khu vực phía Bắc Ngân hàng Shinhan Bank - đã chia sẻ câu chuyện về hành trình gắn bó với ngành của mình.
Cách đây hơn chục năm, anh Bình đang công tác ổn định tại Ngân hàng Nhà nước, sau đó vì muốn theo đuổi sự nghiệp học hành nhằm thỏa mãn đam mê tri thức, anh đã tham gia học tập tại EQuest (nay là IvyPrep) rồi xin được học bổng đi Mỹ. Với kinh nghiệm của mình, anh Bình khuyến khích các bạn trẻ chọn học ngành ngân hàng rồi quay trở về Việt Nam làm việc.
Những câu chuyện của các anh tại "IVIANS PRIDE, 15 years of excellence" do IvyPrep Education tổ chức – thương hiệu đã có hơn 4.500 cựu học viên du học tại các trường đại học hàng đầu của Mỹ và các nước trên thế giới - không chỉ cung cấp thêm nhiều thông tin nghề nghiệp mà còn tiếp thêm lửa đam mê cho các bạn trẻ đang và chuẩn bị bước vào con đường tri thức mới với những hy vọng mới về ngày mai tươi sáng.