Du học dược sĩ tại Mỹ: Khoản đầu tư rủi ro cao ngất?
(Dân trí) - Đầu tư từ 4,6 - 7 tỷ đồng cho 4-6 năm học lấy bằng Dược sĩ tại Mỹ, dự đoán cơ hội việc làm trong năm sau sẽ âm 10.000 vị trí… Liệu có hẳn, học ngành Dược tại Mỹ sẽ "đẳng cấp" hơn trong nước?
Hãy cùng lắng nghe những phân tích, giải đáp cụ thể đến từ chuyên gia, Tiến sĩ - Dược sĩ Phạm Đức Hùng - người lấy bằng tiến sĩ tại Bỉ rồi nghiên cứu tại Đại học Harvard trước khi qua làm việc tại Bệnh viện Nhi Cincinnati, Mỹ (bệnh viện Nhi lớn thứ 3 nước Mỹ):
Ngành Dược của Mỹ, PharmD là gì?
PharmD, viết tắt của Doctor of Pharmacy, là một bằng chuyên nghiệp, cần có để trở thành Dược sĩ tại Mỹ. Sau khi có bằng PharmD và thi chứng chỉ hành nghề, Dược sĩ sẽ được chính thức hành nghề Dược tại Mỹ.
Từ 2003, nước Mỹ đã bỏ qua chương trình Bachelor of Pharmacy, thay vào đó đầu vào học dược sĩ của họ là PharmD. Để đăng ký học PharmD có 2 con đường chính:
Một là, học sinh tốt nghiệp cấp 3 sẽ được đăng ký chương trình 6 năm: gồm 2 năm cơ bản và 4 năm chuyên ngành (nếu học toàn thời gian thì chỉ cần 3 năm là học hết chuyên ngành)
Hai là, chương trình chuyển tiếp (transfer): sinh viên nào đã hoàn thành một số khóa học cơ bản được yêu cầu như: sinh học, hóa hữu cơ, vật lý, giải phẫu… có thể xin học trực tiếp giai đoạn chuyên ngành PharmD (3-4 năm). Nhiều trường cho phép sinh viên được vào PharmD sau đó bổ sung bằng bachelor (cử nhân) sau.
Yêu cầu đầu vào
Số trường Dược ở Mỹ mọc lên rất nhanh, từ 2000 - 2014 đã có 48 trường Dược mới, tỉ lệ tăng lên là 58.5% hơn nhiều nếu so với trường Luật và trường Báo chí, với tỉ lệ tương ứng là 12% và 8% (3).
Nhiều trường Dược (ví dụ trường Western University of Health Sciences, California) chỉ yêu cầu đầu vào ứng viên có GPA 2.5/4.0 (tức tương đương 6.25 ở thang GPA 10 điểm của Việt Nam) và TOEFL iBT 79 điểm. Học phí là khoảng 50.000 - 60.000 USD/năm. Học bổng cho sinh viên quốc tế là gần như không có, người Mỹ có thể xin hỗ trợ tài chính hoặc vay tiền học.
Chính vì có nhiều trường và yêu cầu rất mềm như thế nên gần như ai cũng có thể xin vào học PharmD được, chỉ cần bỏ tiền đóng học phí.
PharmD chỉ là chương trình tổng quát
Sinh viên sẽ học các môn học từ miễn dịch, dược lý, dược lâm sàng, bào chế, thực hành dược…. Chương trình thực hành tại bệnh viện và nhà thuốc nhiều hơn sinh viên Dược Việt Nam, nhưng tất cả đều là chương trình thực tập có hướng dẫn.
Chỉ một số ít trường có chương trình nghiên cứu, tuy nhiên cũng rất hạn chế và không bắt buộc. Sinh viên có thể chọn những môn tự chọn thay thế.
Muốn đi chuyên sâu, đặc biệt nếu muốn làm trong bệnh viện, PharmD sau khi tốt nghiệp cần đi nội trú (residency) hoặc làm Ph.D (Tiến sĩ).
"Cung" quá "cầu": Dự đoán âm 10.000 vị trí công việc ngành Dược trong năm sau
Như đã nói do số trường Dược hiện quá nhiều, lượng sinh viên (gọi là PharmD student) tràn lan nên thị trường công việc sau khi ra trường (job) trở nên khó khăn.
Theo US news & world report, ngành Dược không nằm trong top 100 công việc tốt nhất, các công việc đứng đầu là: nhà phát triển lập trình, trợ lý bác sĩ, bác sĩ, y tá "bác sĩ" (nurse practitioner) … với projected jobs (số vị trí công việc dự đoán) cho các ngành trên là từ vài chục đến vài trăm nghìn. Còn tìm kỹ về ngành Dược thì thấy số vị trí công việc dự đoán cho ngành này là - 10 000 (âm 10.000) nghĩa là sẽ mất 10 nghìn vị trí trong năm sau.
Điều này cho thấy số công việc sẽ rất ít hơn số PharmD ra trường, đồng nghĩa với việc công ty sẽ không việc gì bỏ tiền và công sức sponsor (tài trợ) visa H1B cho người nước ngoài khi mà số PharmD người Mỹ hoặc có thẻ xanh đã quá nhiều! Tìm kiếm về các nghề có nhu cầu tuyển dụng tại các trang web khác như Businessinsider, Usnews, Tradeschool, Cnbc… cho kết quả tương tự.
Còn với bằng tiến sĩ thì ngược lại, dù cho có làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ở ngoài hay trong nước Mỹ, mỗi năm nước Mỹ vẫn cấp một số hạn ngạch thẻ xanh cho họ theo diện exceptional talent (một visa thường trú nhân cho người có thành tích quốc tế xuất sắc) trong các lĩnh vực hiện giờ hạn ngạch này mỗi năm cho Tiến sĩ Nam Việt là vẫn rất dư.
Thậm chí không cần lời mời làm việc, các nghiên cứu sinh tiến sĩ chưa tốt nghiệp (có đủ số báo chuyên ngành) vẫn có thể xin thẻ xanh dạng này được.
Học Dược sĩ tại Việt Nam: Chất lượng tương đương, dễ dàng thi chuyển đổi bằng
Chương trình Dược sĩ tại ĐH Y Dược tại Việt Nam có chất lượng tốt và bao gồm các môn học khá tương đồng với bên Mỹ. Theo chương trình của Bộ Y tế, vào những năm cuối Sinh viên Dược được lựa chọn khối "Kiến thức định hướng chuyên ngành" bao gồm: Dược Lâm sàng, Dược liệu, Sản xuất thuốc... Có tập trung kiến thức, được đi thực tập chuyên môn tại cơ sở phù hợp.
Những sinh viên cuối khóa có thành tích xuất sắc sẽ được nhận làm khóa luận (là các đề tài khoa học chuyên sâu) trong thời gian tương đương 10 tín chỉ đại học. Nhiều sinh viên sau khi kết thúc nghiên cứu có những xuất bản khoa học chuyên ngành trên các tạp chí quốc tế. Điều mà cả sinh viên PharmD của Mỹ cũng chưa hẳn đã làm được.
Hiện tại, có một số đề nghị rằng Dược sĩ, Bác sĩ sau tốt nghiệp nên được tính là đã xong Thạc sĩ luôn vì số tín chỉ trong 5 năm học của chúng ta đủ để tính tương đương trình độ bậc 7 - tức trình cho thạc sĩ. Việc sinh viên Dược Việt Nam học 5 năm mà chỉ được "dịch" ra là Bachelor (cử nhân 4 năm) tính ra là "lỗ" cho các bạn.
Đề nghị trên còn cần được xem xét thông qua. Tuy nhiên thông tin rất hay là các bạn Dược sĩ Việt Nam có thể thi chuyển đổi bằng Đại học tương đương với Dược sĩ của Mỹ, Canada, Đức hay Australia và thi lấy chứng chỉ hành nghề và làm việc giống với các bạn tốt nghiệp PharmD của các nước trên.
Ở Mỹ kỳ thi chuyển đổi bằng Dược tương đương được gọi là FPGEE (Foreign Pharmacy Graduate Equivalency Examination: kỳ thi chuyển đổi tương đương cho Dược sĩ tốt nghiệp tại nước ngoài) do NABP (National Association of Boards of Pharmacy: Hội đồng Dược quốc gia Hoa Kỳ) tổ chức hàng năm.
Có nhiều Dược sĩ Việt Nam nhập cư Mỹ, hay Canada đã thi chuyển đổi bằng và đang hành nghề rất thành công tại nước sở tại không thua kém gì các đồng nghiệp nước ngoài.
Tiến sĩ - Dược sĩ Phạm Đức Hùng (sinh năm 1985) là Thủ khoa đầu ra Khoa Dược khóa 2003 - 2008 của ĐH Y Dược TPHCM.
Giành học bổng Thạc sĩ Erik Bleumink Fund (ĐH Groningen, Hà Lan); nhiều học bổng học Tiến sĩ tại KU Leuven (Bỉ), Đại học British Columbia (Canada) và ĐH Groningen, Đức Hùng chọn ĐH KU Leuven để theo đuổi con đường y học.
Sau khi lấy bằng tiến sĩ tại Bỉ, Hùng qua Mỹ tham gia nghiên cứu tại Đại học Harvard trước khi làm việc tại Bệnh viện Nhi Cincinnati. Anh hiện là research fellow (nhà khoa học nghiên cứu) tại bệnh viện Nhi lớn thứ 3 nước Mỹ này.
TS.DS. Phạm Đức Hùng là tác giả của hơn 10 bài báo quốc tế (ISI) với một số công bố trên các tạp chí hàng đầu trong chuyên ngành như: Gastroenterology (IF = 19) Journal of Hepatology (IF= 18.9), Proceedings of the National Academy of Sciences (IF = 9.5), và Frontier in Immunology (IF=5.5).
8X Việt cũng nhận nhiều học bổng tham gia hội nghị: Marco Polo Fund (ĐH Groningen, Hà Lan), ĐH Cambridge (Anh), Flander Research Foundation (Bỉ), Tổ chức chống động kinh quốc tế (ILAE, Mỹ).
Tiến sĩ, Dược sĩ Phạm Đức Hùng
Không hẳn cứ học nước ngoài là "đẳng cấp" hơn
Trao đổi với PV Dân trí, Tiến sĩ - Dược sĩ Phạm Đức Hùng cho rằng, xem xét các yếu tố về chi phí, lợi ích, công việc và đào tạo như trên, ông có một số lời đề nghị cho các gia đình muốn cho con em đi du học ngành Dược tại Mỹ, như sau:
Thứ nhất, nên học Dược tại Việt Nam rồi sau đó đi du học lên cấp độ Tiến sĩ (Ph.D.) tại nước ngoài. Các Tiến sĩ có chuyên môn sâu được các trường Đại học trong và ngoài nước chào đón. Bản thân nước Mỹ có chương trình thẻ xanh exceptional talent dành riêng cho các tiến sĩ gọi là dạng EB1 và EB2. Mỗi năm thẻ xanh hạn ngạch này dành cho người Việt Nam còn rất nhiều.
Thứ hai, đi học PharmD là một khoản đầu tư rủi ro cao ngất, cơ hội xin việc khi ra trường cực kỳ thấp, cơ hội có thẻ xanh hợp pháp từ PharmD lại càng là 0, trong khi đó học phí, phí ăn ở sau 4 hoặc 6 năm ít nhiều cũng 200.000 - 300.0000 USD (4.6 - 7 tỷ đồng). PharmD tốt nghiệp ở Mỹ trở về Việt Nam có khi sẽ gặp khó khăn lớn vì không khớp với hệ thống Dược ở Việt Nam, đổi ra bằng Thạc sĩ, hay Tiến sĩ thì không đúng. Chắc chỉ đổi ra tương đương bằng Dược sĩ tốt nghiệp Đại học.
Thứ ba, bố mẹ nên đầu tư cho con học tiếng Anh tốt, sẽ giúp ích cho việc xin học bổng du học hoặc sau này muốn thi chuyển đổi bằng Dược sĩ để thực hành tại Mỹ hay Canada cũng thuận lợi hơn.
Thứ tư, PharmD thích hợp hơn cho các gia đình Việt Kiều, khi ra trường vẫn phải cạnh tranh tìm việc gắt gao, nhưng không lo phải tìm người tài trợ visa H1B để ở lại Mỹ hợp pháp.
"Không hẳn cứ học nước ngoài là đẳng cấp hơn. Tùy vào từng ngành học, từng lĩnh vực mà phụ huynh và bạn trẻ nên cân nhắc để đưa ra lựa chọn phù hợp. Việc đầu tư du học vì thế mới thực sự ý nghĩa chứ không nên đặt nặng rằng đi du học mới chứng tỏ được "đẳng cấp".
Đối với mỗi hành trình, phụ huynh và học sinh nên chọn con đường phù hợp nhất. Đó mới thực là sự đầu tư thông minh để đi đến thành Rome", TS.DS Phạm Đức Hùng nhấn mạnh.
Lệ Thu