Du học chi phí thấp: Tiền nào của nấy

Du học nước ngoài luôn là ước mơ và mục tiêu của rất nhiều học sinh. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện cho con em mình theo học những nền giáo dục hàng đầu như Mỹ, Anh, Canada,…

Chính vì thế, du học giá rẻ tại những đất nước như Thái Lan, Trung Quốc, Philipines đang là lựa chọn mới. Song chất lượng của du học giá rẻ lại là một điều đáng bàn.

 

Nhiều cơ hội mở ra

 

Trước hết phải kể đến sự khác biệt giữa học phí và chi phí sinh hoạt. Học phí du học tại các nước như Anh, Mỹ, Canada có thể cao hơn 30.000 USD cho một năm học, gấp nhiều lần học phí tại Singapore, Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc (chỉ vào khoảng 3.000-5.000 USD). Không chỉ học phí, ở những nước Đông Nam Á, chi phí sinh hoạt cũng rẻ hơn so với các nước ở châu Âu, châu Mỹ rất nhiều.

 

Singapore là một trong những nước có mức sống cao nhất châu Á. Du học sinh thường có mức sinh hoạt phí trong khoảng từ 7.000-10.000 USD/năm. Còn với Thái Lan, Trung Quốc hay Malaysia, chi phí sinh hoạt chỉ cao hơn mức sống ở Việt Nam một chút. Tuy nhiên, chi phí sinh hoạt còn tùy thuộc vào khả năng chi tiêu và nơi sinh sống của các du học sinh (thành thị hay nông thôn, thành phố lớn hay thành phố nhỏ, khu vực phát triển hay không phát triển).

 

Theo tính toán của chị Đặng Quỳnh Dao (Phó Giám đốc Công ty dịch vụ tư vấn du học Trường Phát - Vạn Phúc - Hà Nội), chi phí học tập tại các trường công lập có tiếng ở Thủ đô Bang Kok - Thái Lan thường cao gấp hai lần chi phí học tại Việt Nam. Với một chương trình học bốn năm gồm 135 tín chỉ, du học sinh phải chi trả khoảng 160 triệu đồng học phí. Cũng tương đương như vậy nếu du học tại Phillipines.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa



Các trường đại học “tỉnh lẻ” ở Udon Thani (Đông Bắc Thái Lan), các trường đại học ở Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc) đang thu hút tân sinh viên với mức học phí rẻ bất ngờ. Cả hai nơi này đều tuyển sinh không giới hạn với hầu hết các ngành học, không cần điểm thi đại học, chỉ cần bằng tốt nghiệp trung học phổ thông với 2 mức học phí: học bằng tiếng bản địa (Thái, Hoa) thì học phí từ 630-650 USD/năm, học bằng tiếng Anh thì học phí từ 1.300 đến 1.500 USD/năm. Học phí thấp, gần như tương đương học phí các trường dân lập trong nước, cùng với chất lượng giảng dạy cũng như giá cả sinh hoạt, nội trú đều khá rẻ, nên hiện đã có khá đông sinh viên Việt Nam theo học hai nơi này.

 

 “Tiền nào của ấy”

 

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Chính (Đại học Quốc gia Hà Nội), hiện tại các trường đại học rất khuyến khích sinh viên tìm kiếm cơ hội học tập tại nước ngoài bằng học bổng hay bằng các chương trình trao đổi sinh viên với những trường đại học khác nhau trong khu vực. Bởi lợi ích của việc du học không hề nhỏ. “Trước hết các em có cơ hội không chỉ học, mà còn được “hành”. Đầu tiên là về vốn ngoại ngữ, kế đến là các em có cơ hội tích lũy kinh nghiệm sống, học tập và làm việc tại môi trường đa quốc gia, cạnh tranh, hòa nhập và tiến bộ. Điều này không có sách vở nào dạy được các em hết”.

 

Hiện nay, bên cạnh những học sinh đi du học bằng học bổng và có nhu cầu giao lưu học hỏi thực sự, có không ít học sinh lựa chọn con đường du học chi phí thấp, không cần xét tuyển đầu vào tại các nước châu Á vì học lực không đáp ứng được nhu cầu tuyển sinh của các trường Đại học trong nước. Hoặc cũng có không ít phụ huynh cho con em mình đi du học chỉ vì cái “mác” bằng quốc tế mà không quan tâm đến chất lượng giảng dạy. Thực tế cho thấy rất nhiều sinh viên đang theo học tại nước ngoài phải bỏ dở bởi chương trình không phù hợp hoặc chất lượng giáo dục không như mong muốn.

 

PGS.TS Nguyễn Văn Chính cho rằng, các bạn học sinh sinh viên cần phải lựa chọn kĩ càng điểm đến. Đối với một số trường đại học ở châu Á, chúng ta cần phân biệt chất lượng theo thứ hạng mà các trường đạt được. Những trường đại học có thứ hạng cao thì mức học phí không hề rẻ và để theo học các trường này cũng không phải là dễ. Còn các trường có thứ hạng không cao, mức học phí có thể nhỉnh hơn mức học phí đại học công lập của ta chút ít hoặc có khi ngang bằng, nhưng nói chung là “tiền nào của ấy”.

 

Có thể nói, mục đích cuối cùng của người học và người dạy là cấp và nhận một tấm bằng đại học nước ngoài. Và hiển nhiên không thể so sánh bằng cấp tại một trường có thứ hạng không cao và chi phí học tập thấp (nhất là những trường dân lập) với trường đại học ở những nền giáo dục hàng đầu như Anh hay Mỹ.

 

Tuy nhiên, khi quyết định du học, các bậc phụ huynh phải lựa chọn dựa trên mong muốn và mục đích du học của con em mình. Bởi nếu như du học chỉ vì cái “mác” đi học nước ngoài thì sẽ gây lãng phí tiền của và thời gian của gia đình và tấm bằng khi mang về nước sẽ không đạt được giá trị như mong muốn.

 

Nhìn vào nhu cầu tuyển dụng lao động trong nước cũng có thể hình dung được điều này. Hiện các sinh viên tốt nghiệp tại các trường đại học ít danh tiếng ở châu Á không được đánh giá cao, giá trị của tấm bằng đôi khi còn không bằng những trường công lập hàng đầu nước ta. Nhiều du học sinh về nước không tìm được công việc phù hợp cho mình. Vì vậy, khi quyết định du học, sinh viên phải tìm hiểu thật kĩ giá trị của bằng cấp tại những trường này để tránh trường hợp “của rẻ là của ôi”.  

 

Theo Thùy Linh

Báo Hải Quan