Dự án Artisan Empowerment Project: Giá trị nhân văn của tình người
(Dân trí) - Thời gian gần đây, các vấn đề về môi trường sống đang được các bạn trẻ hết sức quan tâm, trong đó việc sử dụng các nguyên liệu thân thiện với môi trường là một hành động có ý nghĩa thực tiễn cao, bởi điều này mang lại những tác động hết sức tích cực đối với môi trường sống cũng như con người trong dài hạn.
Một nhóm các bạn trẻ đến từ các trường THPT khác nhau của Hà Nội đã tiến hành thực hiện 1 dự án mang tên Artisan Empowerment Project- là 1 dự án về việc sử dụng các nguyên vật liệu tự nhiên trong may măc và giúp đỡ các người dân tộc thiểu số có công ăn việc làm từ việc thúc đẩy hoạt động sản xuất từ nguyên liệu tự nhiên mà họ làm ra, đồng thời có thể đưa các sản phẩm này ra thị trường quốc tế.
Dự án bao gồm các thành viên còn rất trẻ tuổi với đam mê và nhiệt huyết, có thể mang lại một giá trị nào đó trong việc bảo vệ môi trường sống thân thiện và giúp đỡ người dân tộc thiểu số vùng cao có 1 cuộc sống tốt hơn. Trần Huy Quang (Chủ tịch), Tạ My Anh (trưởng ban thiết kế), Nguyễn Hoàng Minh (Trưởng ban Marketing), Nguyễn Diệp Anh (trưởng ban Liên lạc), Vũ Trọng Lương (trưởng ban Chất lượng), Vũ Linh Chi (trưởng ban Tài chính), Trần Anh Quân (trưởng ban Sản xuất).
Qua thời gian tìm hiểu, nhóm thành viên của dự án đã nhận ra rằng, những sản phẩm mà người dân tộc thiểu số làm ra rất tinh xảo, có giá trị văn hóa rất cao, rất nhiều sản phẩm được các du khách nước ngoài ưa thích và đánh giá cao. Tuy nhiên, do chưa có sự đầu tư bài bản và tư duy lâu dài, nên việc sản xuất chỉ ở quy mô tự phát và manh mún, các sản phẩm cũng còn chênh nhau về độ tinh xảo do tay nghề mỗi người khác nhau. Họ có thể làm ra những chiếc túi, những chiếc khăn len, áo mũ với các họa tiết thổ cẩm tinh xảo. Những chiếc túi này được săn đón rất nhiều bởi các du khách trong và ngoài nước và thậm chí còn trở thành một nét đặc trưng của các dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, việc làm những túi thổ cẩm này vẫn còn rải rác và chưa được chuyên môn hóa nên chúng chưa nhận được nhiều sự đầu tư tương xứng. Bên cạnh đó, những người dân chỉ coi đây là công việc bán thời gian nên số lượng sản phẩm cũng dao động theo thời gian. Nhận thấy đây là một tiềm năng chưa được khai phá, các em muốn giúp đỡ người dân chuyên môn hóa quy trình sản xuất túi thổ cẩm và giúp họ tìm được đầu mối tiêu thụ sản phẩm lâu dài để tạo nên một mô hình kinh doanh bền vững và một nguồn thu nhập ổn định hơn cho người dân. Do vậy, cái đói và cái nghèo cứ đeo bám lấy người dân tộc vùng cao, người dân tộc thiểu số phía Bắc. Hiểu được những khó khăn này, nhóm các thành viên dự án đã bắt tay vào thực hiện dự án Artisan Empowerment Project, với không ít khó khăn và thử thách như phải làm việc xa nhà và di chuyển liên tục hàng trăm cây số để theo dõi và sát sao với công việc.
Thật may mắn khi ngay từ những ngày đầu ý tưởng được hình thành, Dự án đã gặp được cô Christina - điều phối viên của Artistri Sud. Artisitri Sud là một tổ chức phi chính phủ tại Canada, với sứ mệnh truyền cho phụ nữ tại các quốc gia đang phát triển kĩ năng, cơ hội và hơn cả, nguồn cảm hứng để nâng cao chất lượng cuộc sống. Ngay khi nghe các em trình bày ý tưởng, cô đã thấy rất hứng thú và muốn ủng hộ dự án. Nhờ có cô, dự án đã có được khách hàng đầu tiên - Etymologie (một công ty mỹ phẩm sạch tại Canada). Đơn hàng đầu tiên là những chiếc túi mỹ phẩm dệt từ thổ cẩm và khăn mặt làm từ sợi gai dầu (hemp). Sợi gai dầu đang dần trở thành một trong những nguyên liệu được các hãng thời trang trên thế giới ưu tiên lựa chọn bởi sự thân thiện với môi trường cúng như bền chắc. Nhờ yêu cầu của Etymologie, Dự án không chỉ có cơ hội tìm hiểu thêm về nguyên liệu này mà còn nhận thức được gánh nặng về môi trường của ngành công nghiệp may mặc.
Công việc của dự án phần lớn xoay quanh việc kết nối với nhóm nữ nghệ nhân ở Sapa và đối tác Artisan Sud. Đối với Etymologie, các thành viên cùng nhau làm việc để tìm hiểu rõ về các yêu cầu của đơn hàng, cập nhật thông tin cho họ về tiến độ làm việc của dự án. Đối với đội Sapa, các thành viên của dự án là những người trực tiếp theo dõi công việc. Vì đối tác Canada có những yêu cầu rất khắt khe về chất lượng, kích thước và màu sắc của các sản phẩm nên các em phải rất chú trọng trong từng khâu sản xuất.
Dự án đã mang lại những thành công nhất định và là niềm tự hào của mỗi thành viên. Dự án không chỉ dừng lại ở việc tạo công ăn việc làm cho những người phụ nữ dân tộc thiểu số, giúp họ có thêm kinh nghiệm làm việc chuyên nghiệp, hiểu rõ hơn về thị trường. Thành công còn nằm ở việc đưa những sản phẩm xinh đẹp của Việt Nam ra thị trường quốc tế và phần nào góp sức trong công cuộc bảo vệ môi trường.