Đổi mới Giáo dục: Không nên coi phản biện xã hội là một khó khăn

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình: "Xã hội quan tâm đến giáo dục, góp ý cho các cơ quan giáo dục là điều đáng mừng. Đấy là một nội dung quan trọng của xã hội hóa".

Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã thông qua Nghị quyết 29-NQ/TW về Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục”. Thực hiện Nghị quyết này, Bộ GD-ĐT đã và đang có những giải pháp đổi mới từ cấp mầm non cho đến đại học. Tuy nhiên, từ đưa ra giải pháp để đi đến thành công, ngành Giáo dục sẽ phải trải qua quá trình gian khó, gặp không ít “sóng gió”, không thể tự mình có thể giải quyết được nên đòi hỏi xã hội chung tay xây dựng và góp sức.

Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nên bắt đầu từ đâu và như thế nào để có hiệu quả nhất? Nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình chia sẻ ý kiến xung quanh về vấn này.

Đổi mới Giáo dục: Không nên coi phản biện xã hội là một khó khăn - 1

Nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình

PV:  Với tư cách từng là nguyên Bộ trưởng Giáo dục và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục nước nhà, xin bà cho biết Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục” có khác biệt nào trong việc đổi mới chất lượng giáo dục so với thời bà làm Bộ trưởng?

Bà Nguyễn Thị Bình: Mỗi cuộc cải cách giáo dục có mục đích, nội dung khác nhau vì được hoạch định trong điều kiện lịch sử khác nhau.

Theo tôi, đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục quốc dân được Nghị quyết 29-NQ/TW xác định có nhiều điểm mới so với các cuộc cải cách giáo dục lần trước. Có sự khác biệt so với trước đây là do hiện nay đất nước ta ở trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa với yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, lại có thuận lợi là khoa học - công nghệ phát triển vượt bậc, ngay như khoa học giáo dục cũng có những bước phát triển mới… Vì vậy, về tư duy giáo dục, trước hết là xác định mục tiêu giáo dục cần đổi mới.

Nói riêng về chất lượng giáo dục, theo yêu cầu mới, không chỉ căn cứ vào trình độ kiến thức mà phải là sự phát triển toàn diện về nhân cách, phẩm chất và năng lực, đặc biệt là những giá trị cá nhân, trong đó rất cần nhấn mạnh các phẩm chất nhân ái, trung thực, tự chủ, sáng tạo; cũng như quan tâm đến kỹ năng sống và lao động, năng lực giải quyết vấn đề trong cuộc sống.

PV:  Xin bà cho biết, trong Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục”, vấn đề, yếu tố nào là quan trọng nhất và vì sao?

Bà Nguyễn Thị Bình: Theo tôi, điểm quan trọng nhất là về mục tiêu giáo dục. Ngày nay, giáo dục là phát huy tiềm năng của từng con người, không những về trí tuệ mà còn phải quan tâm đến các tiềm năng khác nhằm phát triển toàn diện về nhân cách.

Để thực hiện được điều đó, chương trình giáo dục (nội dung và phương pháp), đặc biệt ở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông phải thực sự đổi mới, không thể cứ áp đặt, “nhồi nhét” đồng loạt mà phải gợi mở, khuyến khích tư duy sáng tạo của cả thầy và trò.

Đổi mới Giáo dục: Không nên coi phản biện xã hội là một khó khăn - 2

VOV.VN- Việc tuyển dụng và đề bạt trong các cơ quan Nhà nước có nhiều điểm chưa hợp lý, không ít tiêu cực nên không thu hút được nhân tài vào làm việc.

PV:  Được biết, thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, ngành Giáo dục đang tiến hành nhiều đổi mới từ cấp mầm non cho đến đại học. Sự đổi mới này gặp không ít khó khăn và thậm chí phản biện khác nhau từ dư luận xã hội. Xin bà cho biết, liệu rằng ngành Giáo dục có thể thực hiện được thành công những mục tiêu đề ra hay không. Xã hội cần làm gì để chung tay cùng ngành Giáo dục hướng tới sự đổi mới hiệu quả và bền vững?

Bà Nguyễn Thị Bình: Vấn đề giáo dục là vấn đề xã hội lớn, có thể coi là lớn nhất. Nhà nước cần đầu tư thích đáng về các mặt, đầu tiên là đào tạo (và đào tạo lại) giáo viên, có chính sách đãi ngộ, tôn vinh thỏa đáng, rồi cơ sở và thiết bị dạy học... Trong tình hình đất nước còn nghèo, toàn xã hội cần chung tay góp sức, trước hết là phụ huynh học sinh.

Điều tôi muốn nhấn mạnh là xã hội không chỉ có đóng góp vật chất mà quan trọng là xã hội, gia đình phải cùng có quan niệm chung về giáo dục. Ví dụ, chúng ta phải tích cực uốn nắn quan niệm “chỉ có vào đại học mới nên người, mới có tương lai”.

Nhân đây cũng nên lưu ý, không nên coi sự phản biện trong dư luận xã hội là một khó khăn. Xã hội quan tâm đến giáo dục, góp ý cho các cơ quan giáo dục là điều đáng mừng. Đấy là một nội dung quan trọng của xã hội hóa.

Trong thời gian qua, nhiều ý kiến góp ý về môn Lịch sử, phải thấy điều quan tâm của xã hội là nhà trường phải nâng cao chất lượng dạy và học Lịch sử, mong muốn môn học này vừa bảo đảm tính khoa học vừa sống động hấp dẫn nhằm phát huy lòng yêu nước, tự tôn dân tộc phục vụ cho công cuộc phát triển đất nước. Đó là điều hết sức cần thiết trong tình hình hiện nay. Nếu hiểu như thế thì không phải là làm khó cho các nhà quản lý giáo dục.

PV: Xin cảm ơn bà!/.

Theo VOV

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm